Đạo đức hành nghề kiểm toán*

* Tham luận tại Diễn đàn khoa học 'Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay' ngày 28/8/2019 do Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức.

Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) rất hoan nghênh và đánh giá cao việc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Diễn đàn khoa học: “Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay”.

Xây dựng và thực thi các CMĐĐ nghề nghiệp - Các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định, là một yêu cầu khách quan, cấp thiết để nâng cao kỷ cương, chất lượng và năng suất lao động, từ đó nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Từ góc nhìn của một Hội nghề nghiệp chuyên nghiệp của các kiểm toán viên (KTV) hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán trong cả nước, VACPA xin được đề cập đến một số khía cạnh về xây dựng và thực thi “đạo đức hành nghề kiểm toán” trong hoạt động hành nghề kiểm toán.

I .- ĐẶC ĐIỂM CỦA NGHỀ KIỂM TOÁN VÀ YÊU CẦU TUÂN THỦ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC (CMĐĐ) NGHỀ NGHIỆP

Hoạt động kiểm toán độc lập tại việt Nam ra đời từ 1991, ngành Kiểm toán độc lập - một ngành dịch vụ đặc biệt có điều kiện, là công cụ quản lý quan trọng thực hiện công khai, minh bạch thông tin kinh tế - tài chính, bảo vệ lợi ích những người sử dụng thông tin. Đặc điểm nổi bật của nghề kiểm toán là một dịch vụ thu phí từ khách hàng nhưng để bảo vệ lợi ích của công chúng. Trong điều kiện kinh tế thị trường, báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải trung thực, minh bạch và công khai vì liên quan đến lợi ích, nghĩa vụ của nhiều nhà đầu tư. Do vậy, trách nhiệm của KTV hành nghề không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng các nhu cầu của khách hàng đơn lẻ hoặc doanh nghiệp nơi KTV hành nghề cung cấp dịch vụ mà còn phải nắm được và tuân thủ các quy định của CMĐĐ vì lợi ích của công chúng. Tuân thủ CMĐĐ nghề nghiệp giúp KTV hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán có được các lợi ích thiết thực như: (i) Định hướng về mặt đạo đức làm cơ sở cho các quyết định và hành động; (ii) Trở thành cá nhân, đơn vị xuất sắc trong nghề với chuẩn mực cao về đạo đức; (iii) Nâng cao hình ảnh,danh tiếng và quan hệ với bên liên quan; (iv) Xây dựng sự tín nhiệm trong nghề nghiệp; (iv) Giảm thiểu các nguy cơ tiềm tàng cho công ty và tránh phải chịu trách nhiệm/tố tụng pháp lý,…

Môi trường làm việc của KTV hành nghề làm phát sinh nhiều tình huống ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều bên liên quan như các cổ đông, bên cung cấp vốn vay, cơ quan quản lý nhà nước, đối tác mua bán hàng,… và chính lợi ích của KTV, doanh nghiệp kiểm toán. Việc đưa ra quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật, chuẩn mực hành nghề để xử lý tất cả các tình huống là không thể do bản chất của mỗi hợp đồng và công việc được giao có thể khác nhau, do đó, các nguy cơ phát sinh cũng sẽ khác nhau và đòi hỏi những biện pháp bảo vệ khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành chuẩn mực đạo đức với các nguyên tắc đạo đức cơ bản mà KTV phải tuân thủ (trên cơ sở yêu cầu KTV sử dụng xét đoán chuyên môn để xác định, đánh giá và khắc phục các nguy cơ) là phù hợp.

II.- VỀ KINH NGHIỆM CỦA CÁC HỘI NGHỀ NGHIỆP KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN TRÊN THẾ GIỚI

Từ đặc điểm và thực tiễn ngành nghề, Ủy ban CMĐĐ quốc tế cho kế toán viên (IESBA) thuộc Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC) đã xây dựng và ban hành các phiên bản CMĐĐ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán quốc tế tương ứng với từng thời kỳ phát triển của nền kinh tế. Các chuẩn mực này đặt ra các yêu cầu về đạo đức đối với kế toán viên, KTV chuyên nghiệp và đưa ra một khuôn mẫu cho tất cả các kế toán viên, KTV chuyên nghiệp để đảm bảo họ tuân thủ đầy đủ 5 nguyên tắc cơ bản về đạo đức nghề nghiệp, gồm có:

1. Tính chính trực: Phải thẳng thắn, trung thực trong tất cả các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh;

2. Tính khách quan: Không cho phép sự thiên vị, xung đột lợi ích hoặc bất cứ ảnh hưởng không hợp lý nào chi phối các xét đoán chuyên môn và kinh doanh của mình;

3. Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Thể hiện, duy trì sự hiểu biết và kỹ năng chuyên môn cần thiết nhằm đảm bảo rằng khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ chuyên môn có chất lượng dựa trên những kiến thức mới nhất về chuyên môn, pháp luật và kỹ thuật, đồng thời hành động một cách thận trọng và phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng;

4. Tính bảo mật: Phải bảo mật thông tin có được từ các mối quan hệ chuyên môn và kinh doanh, vì vậy, không được tiết lộ bất cứ thông tin nào cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của bên có thẩm quyền, trừ khi có quyền hoặc nghĩa vụ phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của pháp luật hoặc cơ quan quản lý hoặc tổ chức nghề nghiệp, và cũng như không được sử dụng thông tin vì lợi ích cá nhân của kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp hoặc của bên thứ ba;

5. Tư cách nghề nghiệp: Phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.

Theo khuôn mẫu này, tất cả các kế toán viên, KTV chuyên nghiệp phải xác định các nguy cơ ảnh hưởng đến các nguyên tắc cơ bản này và nếu có các nguy cơ đó thì phải thực hiện các biện pháp bảo vệ để đảm bảo các nguyên tắc này không bị ảnh hưởng. Tổ chức thành viên của IFAC hoặc công ty thực hiện cuộc kiểm toán theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế không được áp dụng các chuẩn mực ít khắt khe hơn các quy định trong CMĐĐ của IFAC.

Ngoài việc xây dựng chuẩn mực IFAC còn ban hành các tài liệu hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kiểm toán quốc tế và CMĐĐ nghề nghiệp kế toán kiểm toán như (hướng dẫn sử dụng các chuẩn mực kiểm toán quốc tế trong kiểm toán đơn vị nhỏ và vừa; hướng dân quản trị doanh nghiệp kiểm toán nhỏ và vừa.

Trong tuyên bố các nghĩa vụ hội viên, IFAC yêu cầu các Hội nghề nghiệp là thành viên của IFAC thực hiện nghĩa vụ hội viên trong đó có “Tuyên bố nghĩa vụ thành viên 4: Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với kế toán viên chuyên nghiệp” trong đó yêu cầu: “Trong khuôn khổ áp dụng, các tổ chức thành viên IFAC phải xác định và thực hiện các hành động để Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của IESBA được chấp thuận và thực hiện ở khu vực thuộc phạm vi quyền hạn của mình. IFAC khuyến nghị, do tầm quan trọng của các CMĐĐ nghề nghiệp thích hợp, chất lượng cao, các tổ chức thành viên IFAC không nên áp dụng các chuẩn mực thấp hơn so với chuẩn mực được quy định trong Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp của IESBA”.

Trên thế giới, để góp phần đảm bảo yêu cầu trên, những người hành nghề kế toán, kiểm toán đã lập ra tổ chức nghề nghiệp độc lập để thực hiện trách nhiệm đào tạo, kiểm soát chất lượng, xác nhận năng lực, cung cấp thông tin và quản lý đạo đức nghề nghiệp những người hành nghề này. Nhờ đó uy tín, danh tiếng của những người hành nghề ngày càng được nâng cao, không chỉ được từng nước mà nhiều nước thừa nhận. Cơ quan Nhà nước nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận kết quả hoạt động của các Hội nghề nghiệp này. Tuy nhiên Nhà nước vẫn thực hiện chức năng kiểm soát hoạt động của các Hội nghề nghiệp.

Các Hội nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán thường được Nhà nước thừa nhận trong các văn bản pháp luật về các chức năng, nhiệm vụ, trong đó có chức năng: “Kiểm soát chất lượng dịch vụ của Hội viên; Quản lý đạo đức nghề nghiệp và xử lý các sai phạm của Hội viên”.

III.- ĐÁNH GIÁ VIỆC XÂY DỰNG VÀ HƯỚNG DẪN THỰC THI CMĐĐ NGHỀ NGHIỆP CỦA VACPA

1. Thực trạng

Năm 1991, Bộ Tài chính thành lập 2 công ty là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm kiểm toán. Đến nay đã có hàng trăm công ty kiểm toán độc lập với số lượng kiểm toán viên (KTV) đông đảo như hiện nay ghi nhận sự phát triển của lĩnh vực kiểm toán, song vẫn chưa tương xứng với nhu cầu hiện tại và vai trò, chức năng của kiểm toán. Chất lượng dịch vụ của các công ty kiểm toán cung cấp là tương đối tốt nhưng do môi trường tài chính Việt Nam chưa chuyên nghiệp và minh bạch nên cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Trình độ năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp của KTV ngày càng được nâng cao nhưng vẫn có một khoảng cách khá xa so với các nước tiên tiến trên thế giới. Thực trạng trên là do một số nguyên nhân sau:

a) Nền kinh tế nước ta chưa đạt đến mức độ nền kinh tế thị trường đầy đủ, nên hoạt động kiểm toán vừa là còn rất mới, vừa không phải lúc nào cũng được coi là một yêu cầu bức thiết.

b) Sự trợ giúp về chuyên môn và kỹ thuật của các hiệp hội và tổ chức nghề nghiệp chưa có tác dụng nhiều trong hoạt động của các công ty kiểm toán.

c) Việc cung cấp dịch vụ còn chịu tác động của quy luật cung cầu, cạnh tranh. Do vây, giá phí kiểm toán thấp (đặc biệt đối với các công ty kiểm toán nhỏ) đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện đúng đắn, đầy đủ các công việc kiểm toán.

d) Việc đào tạo KTV ở các học viện, trường đại học còn mang nặng tính lý luận, chưa sát với thực tế. Ngoài ra, đào tạo KTV ở các công ty kiểm toán thường mang tính kinh nghiệm, chưa sát theo tiêu chuẩn quốc tế ở các hãng kiểm toán. Do đó, việc vận dụng kiến thức vào hoạt động kiểm toán thực tế thường không hiệu quả.

e) Các nhu cầu về công khai thông tin kế toán tài chính chưa trở thành thói quen, vì vậy kết quả kiểm toán chưa thực sự quan trọng đối với nhiều đối tượng sử dụng thông tin.

2. Vai trò của Hội nghề nghiệp

VACPA - với vai trò là tổ chức nghề nghiệp của các KTV hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán trong cả nước theo tôn chỉ, mục đích hoạt động là nhằm “Nâng cao chất lượng dịch vụ, uy tín của Hội viên và VACPA” và “VACPA hoạt động vì lợi ích Hội viên”. Theo các chức năng và nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ hoạt động, VACPA đang đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ KTV là hội viên của Hội. Vì vậy, việc nâng cao năng lực của VACPA là rất cần thiết để thực hiện tốt các chức năng của mình, đảm bảo chất lượng hội viên, chất lượng dịch vụ hội viên cung cấp. Đặc biệt hơn trong bối cảnh VACPA đã tham gia là thành viên của Liên đoàn kế toán quốc tế IFAC, phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ hội viên theo quy định, cho nên việc VACPA đang được cơ quan quản lý nhà nước chuyển giao một số nhiệm vụ trong đó có liên quan đến xây dựng và thực thi chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán mang ý nghĩa lớn và trong Điều lệ hoạt động của mình, cụ thể:

Một là, Về xây dựng CMĐĐ nghề nghiệp: Nhằm hoàn thiện hệ thống các chuẩn mực nghề nghiệp trong lĩnh vực kiểm toán độc lập và tạo điều kiện cho các dịch vụ mới trong lĩnh vực này phát triển, sau trình khi Bộ Tài chính ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (tháng 12/2012), VACPA đã tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, các công ty kiểm toán và các chuyên gia nghiên cứu, soạn thảo, cập nhật 10 chuẩn mực Việt Nam đợt 2 về dịch vụ đảm bảo, các dịch vụ liên quan và CMĐĐ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. VACPA đã thành lập Ban soạn thảo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam đợt 2 gồm các chuyên gia, KTV của Hội KTV hành nghề Việt Nam, Bộ Tài chính (Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Vụ Pháp chế), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty kiểm toán, giảng viên các trường đại học. Việc nghiên cứu, soạn thảo và cập nhật 10 chuẩn mực Việt Nam đợt 2 về dịch vụ đảm bảo, các dịch vụ liên quan và CMĐĐ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2015, trên cơ sở các chuẩn mực nghề nghiệp quốc tế hiện hành của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC). Ngày 8/5/2015, căn cứ đề nghị của Chủ tịch Hội KTV hành nghề Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký các thông tư ban hành 10 chuẩn mực đợt 2, trong đó bao gồm Thông tư 70/2015/TT-BTC về việc ban hành CMĐĐ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. CMĐĐ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán yêu cầu kế toán viên, KTV hành nghề phải tuân đầy đủ 5 nguyên tắc cơ bản về đạo đức nghề nghiệp, đồng thời Ban chuyên môn của VACPA luôn theo dõi, cập nhật các thay đổi của CMĐĐ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán do IFAC ban hành để biên dịch, biên soạn chuẩn mực Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hai là, Về xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn mực: Vì sự phát triển nghề nghiệp, VACPA xây dựng các tài liệu hỗ trợ hội viên hiểu và áp dụng các chuẩn mực kiểm toán cũng như CMĐĐ nghề nghiệp như: Chương trình kiểm toán mẫu kiểm toán báo cáo tài chính trong đó có các tài liệu hướng dẫn tuân thủ CMĐĐ nghề nghiệp; Chương trình kiểm toán mẫu kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; Quy chế kiểm soát chất lượng mẫu cho các doanh nghiệp kiểm toán,…

Ba là, Về xây dựng tài liệu hướng dẫn kiểm soát chất lượng (KSCL) theo yêu cầu của Bộ tài chính (trong đó có KSCL về việc tuân thủ CMĐĐ nghề nghiệp kiểm toán): Bên cạnh xây dựng chuẩn mực và tài liệu hướng dẫn hỗ trợ hội viên, VACPA xây dựng các tài liệu chuyên môn theo yêu cầu của Bộ Tài chính để phục vụ KSCL các doanh nghiệp kiểm toán trong đó có kiểm tra tuân thủ CMĐĐ nghề nghiệp như: Bảng câu hỏi kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính; Bảng câu hỏi kiểm soát chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành.

Bốn là, Về tham gia KSCL: Hàng năm VACPA cử cán bộ tham gia phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát Kế toán, Kiểm toán), Ủy Ban chứng khoán Nhà nước tham gia KSCL tại các doanh nghiệp kiểm toán trong đó có thực hiện kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu của CMĐĐ nghề nghiệp.

Năm là, Về cập nhật kiến thức đạo đức nghề nghiệp: Với chức năng của Hội nghề nghiệp, VACPA thực hiện cập nhất kiến thức hoặc hội thảo phổ biến CMĐĐ cho kế toán viên, KTV hành nghề đảm bảo hàng năm mỗi KTV hành nghề phải thực hiện cập nhật chuyên đề đạo đức nghề nghiệp tối thiểu 4 giờ. Đồng thời sau các đợt KSCL, VACPA thực hiện phổ biến sai sót qua kiểm soát chất lượng đến KTV hành nghề trong đó có KSCL toàn hệ thống doanh nghiệp kiểm toán, nhấn mạnh đến nội dung tuân thủ CMĐĐ nghề nghiệp.

Sáu là, Về tuyên truyền CMĐĐ nghề nghiệp: Thực hiện phong trào “Hội viên VACPA tích cực xây dựng văn hóa doanh nghiệp kiểm toán”, VACPA và các Hội viên VACPA đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ và VACPA rất vui mừng là một trong những Hội nghề nghiệp đã hưởng ứng tích cực, hiệu quả “Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động và đã phát động kịp thời với các nội dung thiết thực tới toàn thể Hội viên VACPA cùng tham gia. VACPA đã nhận thức rõ mục tiêu của các phong trào này là để tiếp tục khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của quá trình xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội. Với tính đặc thù của nghề nghiệp kiểm toán luôn gắn với các CMĐĐ nghề nghiệp thì “Văn hóa nghề nghiệp kiểm toán là đạo nghề kiểm toán và tuân theo đúng chuẩn mực hành nghề của nghề kiểm toán”.

Từ chủ đề của diễn đàn này và thông qua các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng và thực thi CMĐĐ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Đồng thời, trong giai đoạn hiện nay khi cuộc CMCN 4.0 đang đặt ra những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ phòng ngừa các nguy cơ từ việc tổn hại đạo đức nghề nghiệp để tự bảo vệ mình trước khi cần sự can thiệp của lực lượng bên ngoài doanh nghiệp.

Nhà nước và tổ chức hội nghề nghiệp cũng phải có biện pháp ngăn chặn những hành vi phi đạo đức. Biện pháp ngăn chặn những hành vi phi đạo đức không phải chỉ dừng lại ở khuyến khích động viên, xử phạt… Trong thời đại công nghệ, các hành vi sai phạm càng trở nên tinh vi hơn bao giờ hết. Để Nhà nước, tổ chức hiệp hội hành nghề có thể ngăn chặn những hành vi này thì Nhà nước, tổ chức hiệp hội phải có biện pháp tác động từ bên trong và cả bên ngoài.

Các biện pháp tác động từ bên trong là các biện pháp làm khơi dậy ý thức đạo đức bản thân của những người hoạt động trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung. Để làm được điều này, yêu cầu đội ngũ hành nghề phải tham gia chương trình thực hành đạo đức nghề nghiệp như một chương trình bắt buộc để được cấp bằng hoặc cấp chứng chỉ hành nghề.

Các biện pháp tác động từ bên ngoài là các biện pháp tác động biểu dương cá nhân tổ chức đạt tiêu chí minh bạch, trung thực và không gây sai lệch thông tin nghề nghiệp. Bên cạnh đó là các biện pháp xử phạt các cá nhân tổ chức.

Chúng tôi xin nêu một số đề xuất,

Về phía cơ quan Nhà nước:

- Cần thiết lập được môi trường pháp lý cho hoạt động nghề nghiệp (hành nghề) trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay. Nghiên cứu ban hành đầy đủ các văn bản pháp quy về hành nghề, trong đó có nhấn mạnh vai trò quyền hạn và trách nhiệm đối với các tổ chức và hội nghề nghiệp.

- Nhà nước cần mở rộng, tăng cường năng lực và vai trò hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, tăng cường chất lượng hoạt động của Hội nghề nghiệp, Hội đồng Quốc gia về nghề.

- Nhà nước cần phải đảm bảo có môi trường hoạt động nghề nghiệp cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật.

- Các cơ quan Nhà nước cần quan tâm hơn đến việc xây dựng và thực thi CMĐĐ nghề nghiệp đối với một số ngành kinh doanh có điều kiện thông qua:

(i) Xây dựng hoặc phối hợp với hội nghề nghiệp nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, CMĐĐ của ngành nghề kinh doanh có điều kiện (có tham khảo kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và phù hợp với thực tiễn ngành nghề tại Việt Nam);

(ii) Tăng cường tuyên tuyền, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu của CMĐĐ nghề nghiệp đối với một số nghề kinh doanh có điều kiện.

Về phía các hội nghề nghiêp:

Đạo đức nghề nghiệp là những chỉ dẫn để các thành viên luôn duy trì được một thái độ nghề nghiệp đúng đắn nhằm bảo vệ và nâng cao uy tín của nghề nghiệp.

Tại các quốc gia, những nội dung chi tiết của đạo đức nghề nghiệp thường được trình bày trong Điều lệ về đạo đức nghề nghiệp do tổ chức nghề nghiệp ban hành. Ví dụ như: Hiệp hội kế toán viên Công chứng Hoa Kỳ ban hành điều lệ Hạnh kiểm nghề nghiệp, Hiệp hội kế toán viên Công chứng Canada ban hành Quy tắc thống nhất về Hạnh kiểm nghề nghiệp…

Trong điều lệ, tổ chức nghề nghiệp quy định về những việc mà kiểm toán viên phải làm và không được làm trong khi hành nghề. Để cụ thể hóa, các tổ chức nghề nghiệp còn ban hành những văn bản giải thích và hướng dẫn chi tiết về từng nguyên tắc và chúng hợp thành hệ thống chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp.

Các tổ chức nghề nghiệp đều xem một trong các mục đích hàng đầu của mình là khuyến khích mọi thành viên phải luôn có hành vi đạo đức đúng đắn, vì vậy họ luôn giám sát việc tuân thủ điều lệ này. Tất nhiên, những biện pháp chế tài khi vi phạm điều lệ không bằng các bản án của tòa, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến các thành viên. Chẳng hạn, mặc dù hình phạt cao nhất chỉ là khai trừ khỏi tổ chức nghề nghiệp, điều này tuy không làm cho họ phải chịu bồi thường hay tù tội, nhưng lại dẫn đến khả năng bị tước bỏ quyền hành nghề kế toán.

Như vậy, trên một bình diện nhất định, việc kiểm soát bằng Điều lệ Đạo đức nghề nghiệp thậm chí có thể còn nghiêm khắc hơn cả pháp luật, bởi vỉ ngay cả khi chưa đủ các yếu tố để ràng buộc nghĩa vụ pháp lý, tổ chức nghề nghiệp vẫn có thể dựa vào đó để xét xử về những sai phạm.

Để nâng cao nhận thức và thực thi các yêu cầu của CMDĐ, các Hội nghề nghiệp cần:

(i) Xây dựng các cơ chế tuyên truyền yêu cầu CMĐĐ nghề nghiệp đến các đối tượng hành nghề;

(ii) Định kỳ, thực hiện kiểm soát việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên;

(iii) Có cơ chế xử lý nghiêm minh các Hội viên vi phạm CMĐĐ nghề nghiệp.

Về phía các tổ chức, công ty:

- Cần xây dựng một chế độ, phương pháp quản lý tốt và môi trường hành nghề chuyên nghiệp mà trong giai đoạn hiện nay đó là xây dựng “văn hóa doanh nghiệp” là những yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ đến chất lượng hoạt động nghề nghiệp, để người hành nghề có thể yên tâm công tác, cống hiến và có điều kiện nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ.

- Cần có sự liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với các cơ sở đào tạo và các tổ chức nghề nghiệp. Các công ty có thể nhận sinh viên năm cuối đến tham gia vào hoạt động của công ty, giúp sinh viên tiếp cận sớm với thực tế và môi trường nghề nghiệp.

- Cần có sự tham gia vào các hoạt động dạy và học ở trong nhà trường: tham gia ý kiến vào việc xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực về nghề; tham gia viết bài chuyên môn trên giác độ thực tế hoạt động nghề nghiệp; tham gia báo cáo thực tế cũng như trả lời và cung cấp thông tin cập nhật về hoạt động nghề nghiệp cho sinh viên; tham gia giảng dạy cho các lớp chuyên ngành.

Về phía người hành nghề:

- Cần phải có kiến thức và sự hiểu biết tương đối rộng và toàn diện ở nhiều lĩnh vực và khía cạnh liên quan đến nghề nghiệp. Chủ động tiếp cận với thực tế hoạt động nghề nghiệp để hình thành kiến thức cả trên phương diện lý luận và thực tiễn.

- Không ngừng nâng cao phát triển chuyên môn nghiệp vụ bằng việc tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ. Đồng thời phải rèn luyện khả năng sáng tọa riêng của mình cũng như học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp. Thời đại ngày nay là thời đại của thông tin, vì vậy người hành nghề không chỉ trau dồi kiến thức chuyên môn mà còn phải luôn luôn cập nhật các thông tin về tin học, về ngoại ngữ và về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng như xã hội khác.

- Cần phải thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất của một cán bộ nghề nghiệp, rèn luyện cho mình tính trực quan, độc lập, vô tư, công bằng, cẩn thận, siêng năng, có tinh thần trách nhiệm. Luôn có thái độ cầu thị, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm thực tế. Việc làm này góp phần giúp hình thành kỹ năng hành nghề cho mình, cũng như tố chất để trở thành một người hành nghề chuyên nghiệp.

Thông qua Diễn đàn được tổ chức ngày hôm, VACPA mong muốn VACPA nói riêng cũng như các Hội nghề nghiệp nói chung và cơ quan nhà nước đẩy mạnh phong trào xây dựng và thực thi đạo đức hành nghề, để phong trào được lan tỏa sâu rộng trong toàn thể các doanh nghiệp, cộng đồng nhằm nâng cao kỷ cương, chất lượng và năng suất lao động với mục tiêu cao cả là xây dựng và phát triển đất nước.

-----------------------

Phạm Sỹ Danh - Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dao-duc-hanh-nghe-kiem-toan-71895