Đạo đức báo chí thời 'cách mạng 4.0'

Đạo đức báo chí là đề tài được đề cập khá nhiều trong mấy năm gần đây, đặc biệt kể từ khi mạng xã hội (MXH) bùng nổ. Làm gì để giữ gìn đạo đức nghề nghiệp đang là câu hỏi đầy thách thức đặt ra đối với những người làm báo.

Phát biểu tại Tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0”, tại Hội báo toàn quốc năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

Ảnh minh họa

Để nắm bắt được xu thế mới này, rất cần những cuộc trao đổi, tọa đàm để giới báo chí, các cơ quan quản lý báo chí và công chúng báo chí hiểu sâu hơn về những tác động của cuộc “cách mạng 4.0” mang lại, từ đó có những bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cũng như kỹ năng tác nghiệp của nhà báo...

Ở thời điểm hiện tại, báo chí đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với MXH và việc giữ gìn đạo đức nhà báo cũng thực sự là một thách thức Theo TS. Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam: Đối với mạng xã hội, chỉ tính riêng Facebook (FB), hiện Việt Nam có hơn 40 triệu người sử dụng.

Điều này cho thấy, người dân có xu hướng tiếp cận thông tin “thượng vàng hạ cám” và đưa tất cả thông tin mà họ có được, nghe được, xem được lên FB theo kiểu “mình thích thì mình làm thôi”, không cần biết thông tin đó đúng sai thế nào, ảnh hưởng tới ai, có vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục không.

Bản thân các cơ quan báo chí đã phải cạnh tranh với nhau, các loại hình báo chí cạnh tranh với nhau đã rất gay gắt, giờ phải cạnh tranh với MXH, nên một bộ phận phóng viên vì áp lực thông tin, đã lơ là đạo đức nghề nghiệp.

Có thể nói rằng, MXH chỉ tác động tiêu cực tới những nhà báo yếu bản lĩnh, yếu chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của họ có vấn đề. Tương tự, đạo đức của một bộ phận dân chúng xuống cấp không thể đổ tội cho cơ chế thị trường, cho hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực, đổ tội cho việc người dân được tiếp cận tự do với văn hóa, phim ảnh, âm nhạc… nước ngoài.

Hiện nay, áp lực tìm kiếm thông tin với báo chí rất khốc liệt vì phải cạnh tranh với MXH. Vấn đề là không thể bỏ mạng xã hội, mà phải sống chung, cùng tồn tại. Về vấn đề này theo TS. Trần Bá Dung: MXH có lợi thế vượt trội mà báo chí không bao giờ có. Đó là có thể đăng tải thông tin, video clip ở mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ và ai cũng có thể trở thành “phóng viên”, “biên tập viên”, “bình luận viên”, “tổng biên tập”.

Còn báo chí, ngoài tin bài, hình ảnh cũng phải biên tập, duyệt trước khi đăng, nên có độ trễ nhất định. Do đó, không thể tiếp cận ngay sự việc lúc đang diễn ra, trừ một số rất hiếm hoi sự việc diễn ra vô tình có sự chứng kiến của phóng viên hay cộng tác viên của cơ quan báo chí nào đó. “Có thể nói, rất nhiều thông tin trên mạng xã hội là nguồn tin vô giá đối với báo chí.Thông tin trên MXH cũng mạnh mẽ như lũ.

Vấn đề là phải sống chung với “lũ thông tin” trên MXH; tìm kiếm, sử dụng những điểm mạnh của thông tin mạng. Trên thế giới và ở cả Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí đã biết sử dụng những thông tin rất đắt, rất có giá trị trên mạng như một nguồn tin. Vấn đề là kiểm chứng và sử dụng nguồn tin đó thế nào để đảm bảo chính xác, trung thực và không vi phạm đạo đức người làm báo”, TS.Trần Bá Dung cho biết.

Việc MXH phát triển nhanh chóng khiến báo chí bị “lép vế” đang đặt ra cho các tòa soạn báo một vấn đề thực sự nghiêm túc về việc ban hành Bộ quy chế ứng xử trên MXH để nhà báo có trách nhiệm hơn với những gì mình chia sẻ trên MXH.

Theo Nhà báo Nguyễn Tri Thức – Vụ trưởng, Trưởng ban Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản: Bất luận không cần biết cộng đồng mạng sẽ hiểu như thế nào nhưng mỗi người dùng FB đều có trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm xã hội (đặc biệt là các hot facebooker) trước những gì đăng tải lên FB cá nhân.

Ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình bày tỏ nhà báo còn ý thức được những gì mình chia sẻ trên mạng không đơn thuần chỉ là ý kiến cá nhân mà nó có thể liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà báo; và do đó, cần ý thức được sự tác động xã hội sẽ như thế nào trước quan điểm cá nhân của mình. Vì vậy, việc lựa chọn những gì đăng tải trên FB luôn cần gắn thêm trách nhiệm nhà báo, trách nhiệm xã hội của mình, đặc biệt trước những sự việc có thể gây ồn ào trong dư luận.

Việc các tờ báo lớn ở Mỹ và Phương Tây soạn thảo, ban hành những Bộ quy tắc ứng xử trên MXH cho các nhà báo của mình là điều cần thiết. Theo tôi biết, ở Việt Nam cũng có những cơ quan báo chí quy định về việc này, không chính thức, bằng cách này hay cách khác, bởi nếu không có tư cách nhà báo, những thông tin mà họ tiếp cận được, chia sẻ dưới lăng kính thư thế nào sẽ không thể đầy đủ, sâu sắc, nhanh nhạy đến thế...

Việc xây dựng Bộ quy chế ứng xử trên MXH chung cho các nhà báo, cũng như riêng từng tòa soạn là việc cần tính đến một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng có thể chỉ là những quy định riêng của mỗi cơ quan báo chí cụ thể, với những đặc thù khác nhau, thậm chí là những quy định thường xuyên, liên tục tại các buổi họp, hay trên mạng nội bộ...

Như vậy sẽ phù hợp hơn, bởi những quy định cụ thể về những vấn đề liên quan đến MXH có thể liên tục thay đổi, bởi sự phát triển thần tốc của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, nhất là cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) sẽ tác động mạnh mẽ tới báo chí – truyền thông. Với bất kỳ quy chế nào, việc quy định càng chi tiết, cụ thể thì khi áp dụng vào thực tiễn sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn.

“Tuy nhiên, như trên đã nói, trong hệ sinh thái truyền thông hiện nay, Bộ quy chế nếu được xây dựng thì cũng không thể bao quát hết được những gì có thể xảy ra... Ngoài những quy định chung, cần có thêm những quy định cụ thể và cần được mở để có thể điều chỉnh được sự tham gia của nhà báo trên MXH một cách kịp thời, hiệu quả”, nhà báo Tri Thức chia sẻ.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dao-duc-bao-chi-thoi-cach-mang-40-75234.html