Dao động trong phiên hơn 900 điểm, điều gì đang xảy ra với Dow Jones?

TGTTO Thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua tiếp tục rớt xuống thấp hơn. Diễn biến đáng chú ý là sự biến động rất mạnh trong phiên với chênh lệch tại chỉ số Dow Jones ở những thời điểm tăng mạnh và giảm sâu lên đến hơn 900 điểm, khi những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu nổi lên trở lại khi có tin cho rằng Mỹ đang chuẩn bị tăng cường chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Dao động trong biên độ rộng

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 245,39 điểm, tương đương 1%, đóng cửa tại 24.442,92 điểm. Trong phiên có lúc chỉ số này rớt mạnh nhất đến 566 điểm, cũng như có thời điểm tăng mạnh 352 điểm vào giữa ngày. Chỉ số S&P 500 trượt 17,44 điểm, tương đương 0,7% xuống 2.641,25 điểm và chỉ số Nasdaq rớt 116,92 điểm, tương đương 1,6%, kết phiên tại 7.050,29 điểm.

Lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 rớt 1,8%, với nhóm cổ phiếu công nghệ lớn, như Amazon, Alphabet và Netflix, đều giảm mạnh. Lĩnh vực công nghiệp, vốn được cho là nhạy cảm với các vấn đề thương mại, giảm 1,7%, trong đó cổ phiếu Boeing rớt 6.6%.

Trong khi chỉ số Nasdaq đã hoàn toàn nằm trong vùng điều chỉnh, được đánh dấu bởi sự sụt giảm 10% từ đỉnh gần nhất, thì chỉ số Dow và S&P 500 cũng đang tiến dần vào khu vực này, dù cả 2 chỉ số đã phần nào cắt giảm bớt mức thua lỗ trong phiên đóng cửa. Trước đó phiên sụt giảm hôm thứ 6 cũng đã đẩy chỉ số Dow và S&P vào vùng giảm điểm so với đầu năm.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump chuẩn bị công bố hàng rào thuế quan mới đối với giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc còn lại nếu các cuộc đàm phán vào tháng tới giữa Trump và Tập Cận Bình không mang lại kết quả. Động thái này có khả năng kéo dài sự bế tắc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong những xung đột thương mại và dự kiến sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà phân tích cũng đánh giá sự yếu kém của thị trường chứng khoán trong tháng 10 bắt nguồn nhiều yếu tố, bao gồm cả lo ngại rằng tăng trưởng thu nhập của các doanh nghiệp Mỹ đã đạt đỉnh điểm và lo ngại về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Mùa thu nhập tiếp tục chứng kiến thêm các công ty công bố doanh số bán hàng và lợi nhuận cao hơn dự báo, nhưng các nhà phân tích cho rằng triển vọng suy yếu từ một số công ty là dấu hiệu cho thấy khả năng lợi nhuận đã đạt đỉnh. Tính đến hôm thứ Sáu cuối tuần trước, đã có 240 công ty thuộc chỉ số S&P 500 báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, với tỷ lệ 81% cao hơn kỳ vọng.

Về dữ liệu kinh tế Mỹ, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,4% trong tháng 9, phù hợp với dự báo của các nhà phân tích. Thu nhập tăng thấp hơn 0,2%, mức tăng nhỏ nhất trong 13 tháng qua, trong khi áp lực lạm phát dường như suy yếu. Chỉ số lạm phát tiêu dùng cá nhân, chỉ số giá ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang, tăng 0,1% trong tháng Chín, trong khi so cùng kỳ đã giảm xuống còn 2% từ mức 2,22% trước đó.

Sự phụ thuộc của thị trường và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn

Theo Kent Engelke, kinh tế trưởng tại Capitol Securities Management Inc. cho rằng sự yếu kém của chỉ một số cổ phiếu gần đây đã làm tổn hại đến thị trường chung và khiến đà hồi phục có thể rất khó khăn. Ông nói: “Nhiều lần tôi đã nhận xét về việc một số doanh nghiệp vốn hóa lớn chiếm tỷ trọng quá cao đã gây ra sự mất cân bằng trong thị trường suốt cả một thời gian dài . Chúng ta có thể thấy chỉ cần nhà đầu tư bán tháo ở một số công ty thuộc nhóm FAANG cũng có thể đẩy thị trường chung giảm điểm mạnh và bị bán tháo theo, dù những cổ phiếu truyền thống khác vẫn giữ được sự đi lên”.

FAANG là viết tắt của 5 doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên thị trường hiện nay, bao gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và công ty mẹ của Google là Alphabet, vốn đã giúp thị trường tăng điểm mạnh trong thời gian trước đây nhờ lợi nhuận tăng trưởng kỷ lục. Dù vậy, gần đây cả 5 cổ phiếu đã bị bán tháo không ngừng và giảm mạnh trở lại, khi đã mất hơn 200 tỷ USD vốn hóa trong 2 phiên vừa qua.

Thị trường bị ảnh hưởng và phụ thuộc quá lớn vào nhóm FAANG

Jack Ablin, giám đốc đầu tư của Cresset Wealth Advisor, cho rằng sự hào hứng của các nhà đầu tư vào hôm qua đã nhanh chóng biến mất, khi định giá nhiều cổ phiếu vẫn ở mức cao, báo cáo lợi nhuận trái chiều tại các doanh nghiệp và thắt chặt thanh khoản tiếp tục là những yếu tố chính thúc đẩy hành động của thị trường gần đây.

Michael Arone, chiến lược gia đầu tư tại State Street Global Advisors, cho rằng mức tăng trong phiên của thị trường đến từ dữ liệu kinh tế cho thấy rằng "lạm phát chậm hơn chúng ta nghĩ", khi báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân so với cùng kỳ đã giảm từ mức 2,2% trong tháng 8 xuống còn 2% trong tháng 9. "Điều này đã khiến các nhà đầu tư lạc quan rằng Fed sẽ không tăng lãi suất một cách quá nhanh trong năm tới như những gì họ đã tuyên bố", ông nói.

Tuy nhiên, Arone cũng cảnh báo rằng: “Vẫn còn quá sớm để nhận định mọi thứ một cách rõ ràng. Các vấn đề vĩ mô sẽ tiếp tục đặt ra thách thức đối với thị trường cổ phiếu trong vài tuần tới. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta tiếp tục nhận được một số dữ liệu chứng minh sự suy giảm về kỳ vọng tăng lãi suất hoặc một số tin tức cho thấy sự tan rã trong xung đột thương mại của Hoa Kỳ-Trung Quốc ”.

ĐỒNG AN

Chứng khoán châu Á cũng giảm vào hôm qua, với chỉ số Shanghai và Shenzen đều tiếp tục lao dốc, trong khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật cũng giảm trước những lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang.

Ngược lại các thị trường chứng khoán châu Âu lại tăng điểm với chỉ số Stoxx 600 tăng 0,9% và FTSE 100 của Anh tăng 1,25%.

Giá dầu tương lai đã 3 tuần đi xuống liên tiếp. Giá vàng giảm nhẹ trong khi chỉ số USD Index tăng nhẹ.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/dao-dong-trong-phien-hon-900-diem-dieu-gi-dang-xay-ra-voi-dow-jones-16509.html