Đạo diễn Việt Linh: Tự thoại sau lưng

Nhiều người hỏi chị sao chơi được với người trẻ. Chị nói vui: chơi với người trẻ để thấy mình (vẫn) trẻ, cũng như chơi với người già để thấy mình (vẫn) trẻ.

Hơi lạ khi họ thấy chị vẫn an nhiên mỗi dịp đứng chung với những cô gái xinh trẻ, lụa là. Nhưng đâu có an nhiên! Chị cũng thoáng nao núng, phải đi tìm sự trấn an bằng “tuyên ngôn” của một số nhân vật, như minh tinh Ý Monica Bellucci: “Sắc đẹp theo tôi là một trạng thái tâm hồn. Vấn đề không phải được đẹp mà là sự cảm nhận nó“, hay nữ diễn viên Pháp Catherine Deneuve: “Người diễn viên không sợ hết tuổi trẻ, chỉ sợ hết cảm xúc“. Khi bạn tự tin vào bản chất bản thân, thì dù ở độ tuổi nào bạn cũng toát lên vẻ đẹp riêng.

Vở kịch “Saigon” vừa mới diễn ở Tp.HCM có diễn viên Việt kiều Pháp 65 tuổi tên Mỹ Châu. Mỹ Châu được đạo diễn Caroline Guiela Nguyễn mời tham gia vai bà mẹ Việt Nam có nhiều xung đột với đứa con trai lai Pháp. Vở diễn thành công quốc tế, tên tuổi Mỹ Châu càng được biết đến sau nhiều kịch/phim trước đó; nhưng bà nói niềm vui quan trọng nhất đến từ bên trong tâm hồn mình, chứ không phải từ danh tiếng. Bà vui khi thấy nụ cười, nước mắt của khán giả, biết họ đang hạnh phúc. Làm người khác hạnh phúc, có lẽ là niềm vui mà chỉ trẻ con hay người cao tuổi mới cảm thấu; chỉ khác, trẻ con vui bản năng, còn người cao tuổi là kỹ năng cần rèn luyện để tiếp tục yêu đời.

Đạo diễn Việt Linh cùng “chàng ông” ở đầm Camargue

Thực tế công nhận có sự khác biệt giữa tuổi sinh học và tuổi niên đại, khi có những người lớn tuổi nhưng không bị lão hóa sinh học, hoặc ngược lại. Nhưng chị nghĩ còn tồn tại một thứ tuổi nữa, đó là tuổi tâm lý. Rằng sống an yên dễ quên già. Quên khác trốn: trốn là ẩn nấp ý thức, quên là bận rộn vô thức. Quên nói chung tiêu cực, nhưng quên già, quên buồn là hai thứ quên tích cực. Có cô em cựu nghệ sĩ khuyên chị đừng ôm đồm công việc, rằng “lớn tuổi rồi, làm chi cho cực, biết sống chết ngày nào”. Em đúng, nhưng em đâu biết với một số người, được lao động những gì say mê, được dệt tơ cho xã hội là tận hưởng hạnh phúc.

Mới đây báo đăng một nữ nông dân 82 tuổi nhất định ly hôn chồng sau 60 năm phục dịch. Trước khi chia tay, bà viết cho ông: “Tôi sống khổ lâu rồi, giờ cũng không còn sức đâu phục vụ ông. Tôi xin rút lui, chia tay nhau để mỗi người đi con đường riêng cho thoải mái. Tôi hết thương ông rồi“. Hết thương thì phải đi, dù bạn, dù chồng, dù ải dù ai… Đó cũng là một cách quên buồn, cách dọn dẹp, thu xếp “căn phòng tuổi tác” cho thoáng đãng.

Nhiều người hỏi chị sao chơi được với người trẻ. Chị nói vui: chơi với người trẻ để thấy mình (vẫn) trẻ, cũng như chơi với người già để thấy mình (vẫn) trẻ. Phải thú nhận từ sau tuổi năm mươi, chị ít xem gương, dù đôi lúc cũng tự thưởng chiếc áo đẹp và vui với nó, theo kiểu “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của Trịnh Công Sơn. Phải thú nhận từ sau tuổi năm mươi, cái tật ít chụp hình nơi chị càng thêm trầm trọng: chẳng vui gì ngắm nghía những nếp nhăn dù thấy nó không quá xấu, thậm chí rất đẹp ở những bà lão Việt Nam khi cười, hay ở những bà lão Tây tung tăng trưng diện. Mỗi lần nhớ tuổi, chị lại bám vô những hình mẫu mà cái đẹp toát ra từ khí chất thiên lương cùng trái tim hóm hỉnh. Chị rất thích câu nói của nhân vật ông nội trong tiểu thuyết “Nếu anh còn được sống” của Văn Lê: “Sự hài hước khiến con người quảng đại”. Chị thấy câu đó đúng, cố gắng vui với những người gặp gỡ, sống cùng… Nói cố gắng, bởi vui đôi khi rất khó.

Khi đại diện tạp chí Đẹp gửi mail mời viết bài, không hiểu sao chị nghĩ tới bức ảnh cô em chụp lén lúc đi nghỉ ở Pháp. Nhìn ảnh, “chàng ông” của chị ung dung kết phán: đã đến tuổi chỉ còn đẹp phía sau lưng. Hoan hô câu hài hước của chàng ông. Vượt lên nghĩa đen, “đẹp phía sau lưng” với chị, cách nào đó giống như câu thần chú lạc quan và chí lý: đời sống luôn luôn có góc đẹp.

YOUNG AT HEART – TUỔI TÁC CHẲNG LÀ GÌ CẢ

Thật may, dù tuổi niên đại và tuổi sinh học hàng năm có đều đặn tăng tỉ lệ thuận với giá xăng thì tuổi tâm hồn của phụ nữ vẫn mãi mãi dừng lại ở con số 18, như Robert Anson Heinlein từng đúc kết: “No woman ever ages beyond eighteen in her heart”. Điều đó có nghĩa là số đèn cầy cắm trên bánh sinh nhật mỗi năm tăng thêm một đơn vị cũng chẳng có nghĩa lý gì. Nó chỉ đồng nghĩa với việc ta có thêm một lần được sống với tâm hồn 18, tiếp tục nhẹ dạ, tiếp tục yêu đời, tiếp tục xịt nước hoa rất hao và vẫn máu ăn chơi.

Chuyên đề “Young at Heart” của Tạp chí Đẹp trân trọng giới thiệu đến độc giả những ông già, bà già chẳng có gì ngoài số tuổi cao vời vợi và độ “chịu chơi” mà đám trẻ chưa chắc sánh bằng. Ở cái tuổi đáng lẽ phải tịnh dưỡng, an yên thì họ lại chọn cách bay nhảy với đam mê và khát vọng của mình. Nhìn họ ta sực tỉnh ra, cái tuổi chỉ là những con số và sự lão hóa không nằm ở con tim.

Đọc thêm các bài viết trong chuyên đề “Young at Heart”:
Đạo diễn Việt Linh: Tự thoại sau lưng
Nhạc sĩ Quốc Bảo: Người đẹp mãn đời
Con gái kể về người mẹ 92 tuổi: “Thứ gì gần mẹ tôi cũng phải sạch và thơm”
NTK 61 tuổi Mai Lâm: “Sự duyên dáng quan trọng hơn tuổi tác”
Mẹ của ca sĩ Phương Vi, bà ngoại của người mẫu Tuyết Lan chia sẻ bí quyết “trẻ từ trong tim trẻ ra”
Tuổi tác rồi cũng chỉ là con số
Lão ông Wang Deshun: 80 tuổi vẫn tập gym, ăn vận sành điệu và làm người mẫu
Fashionista 53 tuổi Grece Ghanem: “Tuổi tác không quyết định phong cách của bạn”
Monica Bellucci – Bông hồng kiêu hãnh tuổi 54 và gu thời trang bay bổng đậm chất Ý
“Già rồi, không đủ sức theo đuổi ước mơ nữa”: Các “chị đại” này sẽ chứng minh điều ngược lại
Tuổi tác không chỉ là những con số mà còn là phong cách sống!

Bài Việt Linh Ảnh TL

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/dao-dien-viet-linh-tu-thoai-sau-lung/