Đạo diễn trẻ làm phim lịch sử: Chiến thắng 30/4 quá lộng lẫy, không cần tô vẽ thêm

Chắc chắn và tự hào rằng bản thân chiến dịch Hồ Chí Minh, bản thân chiến thắng 30/4 đã quá đẹp, quá bi hùng, xúc động và lộng lẫy. Nó không cần bất cứ lớp trang điểm, tô vẽ nào nữa.

Phim tài liệu 22 tập “Con đường đã chọn” xoay quanh bối cảnh từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cho đến thời đại hiện nay. Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 5 tập phim kể về Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ tập 15 đến tập 19) được phát sóng vào dịp 30/4 này.

Tập 19 có tựa đề “Thống nhất đất nước” được thực hiện bởi hai đạo diện trẻ Bùi Chí Trung và Trần Vũ Anh. Nhân dịp bộ phim lên sóng, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với đạo diễn trẻ Trần Vũ Anh.

Đạo diễn Trần Vũ Anh (ngoài cùng bên trái) cùng các cộng sự bên cạnh nhân chứng lịch sử - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ở Bệnh viện 108.

Đạo diễn Trần Vũ Anh (ngoài cùng bên trái) cùng các cộng sự bên cạnh nhân chứng lịch sử - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ở Bệnh viện 108.

Là những người trẻ, sinh ra trong thời bình, không chứng kiến cuộc chiến nhưng các bạn lại làm phim về một sự kiện lịch sử, như tổng đạo diễn Lê Thi nói: sự kiện chỉ có một, nhân chứng cũng không thể khác đi..., vậy làm thế nào để các bạn có thể tìm ra sự khác biệt trong cách thể hiện?

Đạo diễn Trần Vũ Anh: Đối với tập 19 có tựa đề "Thống nhất đất nước", ekip làm phim xác định tâm thế và góc nhìn của người kể chuyện. Chúng ta luôn có rất nhiều góc nhìn cho một sự kiện. Trong trường hợp này, chúng tôi lựa chọn góc nhìn trung lập, như một người thứ 3, đứng quan sát và tường thuật lại các diễn biến.

Tại sao chúng tôi chọn góc nhìn này? Chính bởi bản thân là những người trẻ, anh Bùi Chí Trung hay tôi đều được sinh ra sau chiến tranh, có lợi thế là độ lùi thời gian hàng chục năm. Trong một tâm thế bình tĩnh, chúng tôi có thể khẳng định, có thể chắc chắn, có thể tự hào rằng bản thân chiến dịch Hồ Chí Minh, bản thân chiến thắng 30/4 đã quá đẹp, quá bi hùng, xúc động và lộng lẫy. Nó không cần bất cứ lớp trang điểm, tô vẽ nào nữa. Một góc nhìn trung lập càng khẳng định rõ những chân lý ấy mà thôi.

Thứ hai, là sự không ngừng tìm kiếm các chất liệu mới. Trong những thời điểm mang tính bước ngoặt của lịch sử thì mỗi giây, mỗi khắc đều đầy ắp dữ kiện giá trị. Chính vì vậy, nếu chúng ta chịu khó tìm tòi, đào bới tài liệu từ tất cả các bên thì sẽ luôn mang tới được cho khán giả các chi tiết lịch sử ít được biết đến...

Mất bao lâu để các bạn có thể dựng xong kịch bản. Quá trình quay có gặp khó khăn gì không? Điều các bạn ấn tượng nhất trong quá trình quay phim là gì?

Đạo diễn Trần Vũ Anh: Ở Việt Nam, thời lượng phổ biến cho cho một phim tài liệu lịch sử thường là 30 phút. Để xây dựng kịch bản cho một tập phim như vậy, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, thông thường cũng phải vài tuần. Với tập 19 này chúng tôi mất khoảng 1 tháng rưỡi làm kịch bản. Đó là bởi kịch bản phải thông qua sự kiểm duyệt, hiệu đính rất kỹ càng của hội đồng. Những dữ kiện lịch sử quan trọng thì không cho phép sự sai lầm.

Hình ảnh xe tăng tiến vào Dinh độc lập ngày 30/4/1975 (Ảnh do Điện ảnh Quân đội nhân dân cung cấp)

Ấn tượng lớn nhất trong quá trình làm phim đến từ các nhân chứng. Từ những người chỉ huy cho đến những người lính của thời đó, đến bây giờ đều đã vào độ tuổi “xưa nay hiếm”. Nhiều người tình trạng sức khỏe không được tốt nhưng vẫn rất sẵn lòng tạo điều kiện cho ekip làm phim.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 trong chiến dịch Hồ Chí Minh - một nhân chứng sống của sự kiện này là ví dụ điển hình. Ông năm nay đã 94 tuổi. Thời điểm làm phim, tướng Thước phải nằm điều trị ở Bệnh viện 108 hơn 1 tháng, lại đúng lúc dịch bệnh bùng phát, tình hình rất khó khăn. Vậy mà khi biết tin, ông chủ động gọi điện cho tôi nói :"Nếu chờ bác ra viện sợ phim không kịp mất. Phim 30/4 này quan trọng lắm. Bác mệt nhưng vẫn phỏng vấn được. Các cháu cứ vào đi, bác nói với bệnh viện rồi, không khó khăn gì đâu”.

Trong quá trình phỏng vấn, dù thể trạng rất yếu và phải thường xuyên ngắt nghỉ, ông vẫn dành hết sức cho mỗi câu trả lời. Khí thế của những ngày chiến trận vẫn không hề phai nhạt trong ông. Thiết nghĩ, xúc cảm từ phim phần nhiều dựa vào những nhân vật như vậy mà có!

Xin cảm ơn đạo diễn!

N. Huyền (thực hiện)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/phim-con-duong-da-chon-chuyen-chua-biet-ve-nhung-dao-dien-tre-chua-tung-tham-chien-61865.html