Đạo diễn Síu Phạm: Rất chậm và rất chất trên 'Con đường trên núi'

Tuần qua, đạo diễn Síu Phạm đã có buổi trò chuyện với khán giả TP.HCM khi công chiếu Con đường trên núi (On The Endless Road) – bộ phim thứ 3 của mình. Trước đó, phim cũng được chiếu tại Hà Nội trong khuôn khổ Liên hoan phim thể nghiệm Hanoi Docfes

1. Phim kể về một ông già Tây ba lô lang thang trên những cung đường ở miền núi phía bắc Việt Nam để khám phá cuộc đời. Và cũng để khám phá chính mình. Có vẻ như cái tên tiếng Việt Con đường trên núi không nói được những ẩn ý sâu xa của phim như cái tựa tiếng Anh của nó On The Endless Road (tạm hiểu là con đường vô tận).

Ở đó, người xem bắt gặp những đối sánh trong cái nhìn của cá thể người trước thực trạng cuộc đời. Đó là sự trăn trở giữa ý niệm trẻ thơ với thể xác không ngừng già đi, giữa ý nghĩ về thượng đế với cuộc sống thực tại đầy những tổn thương. Từ đó, hành trình băng qua miền địa lí vùng cao song hành cùng hành trình vô tận của thời gian.

Như hai bộ phim trước là Đó… hay đây?Căn phòng của mẹ, trong Con đường trên núi, nhà làm phim độc lập này luôn để ngỏ về mặt ý nghĩa của những hình ảnh, những chi tiết, những biểu tượng.

Ngoài vai trò đạo diễn, Síu Phạm (trái) cũng đóng một vai trong “Con đường trên núi”.

Thậm chí, những hình ảnh, biểu tượng ấy có phần còn vượt thoát khỏi ý chí của tác giả khi tạo ra chúng. Chẳng hạn như chi tiết cuối phim, khi nhân vật chính nằm trong chiếc hòm quá nhỏ so với kích cỡ của mình và bày lên trên đó những rượu, thức ăn… Và hôm sau người ta đến xem ông nằm im bất động.

Theo đạo diễn Síu Phạm, thì đây là một triển lãm thị giác đương đại. Nhưng theo như mạch biểu tượng của phim thì hầu hết khán giả đầu cho rằng "ông già Tây" đó đang đi đến cái chết, nơi ông sẽ trải nghiệm được câu hỏi cuối cùng về con đường thời gian - con đường vô tận mà ông luôn tự vấn và tìm kiếm.

Điều này là một đặc sản của phim Síu Phạm. Nó khơi gợi lên cảm giác hòa nhập và chênh vênh khi bước vào phim của người xem vì phim đa nghĩa, có quá nhiều cách hiểu, quá nhiều cách khơi bật cảm xúc.

Không những sâu sắc về nội dung mà cách quay, dựng phim của bà cũng khá độc đáo. Bà chọn lối quay tự nhiên và lấy những chất liệu trước mắt làm bối cảnh cho phim mà không cần phải dàn dựng. Nó khiến cho khán giả cảm giác mọi thứ quá thật và quá độc. Thật bởi nó có ngay trước mắt họ hàng ngày. Độc bởi cách nhìn của bà với những góc quay “không tưởng nổi”.

Cách quay phim ấy làm cho phim của Síu Phạm vừa đậm ngôn ngữ điện ảnh lại vừa đẫm chất thơ. Chất thơ trong cả nội dung và cách biểu hiện.

2. Síu Phạm (tên thật Phạm Thị Nhung) bắt đầu với nghiệp đạo diễn khá muộn, khi đã ngoài 60 và Con đường trên núi là bộ phim thứ 3 của bà. Mới là phim thứ 3 nhưng có thể nói Síu Phạm đã tự tạo được một chỗ đứng và tên tuổi đàng hoàng trong nền điện ảnh Việt.

Sinh tại Hà Nội, sống ở Sài Gòn, định cư tại Thụy Sĩ từ năm 1980, Síu Phạm kể rằng từ năm 3 tuổi, bà đã được đi xem bộ phim Ấn Độ Mangala (cô gái Ấn) tại Hà Nội. Và phim thứ hai là The Wizard Oz của Victoc Fleming - để rồi, suốt tuổi thơ, bà bị ám ảnh về đôi giày đỏ của cô bé Judy Garland.

"Tôi lúc nào cũng có tâm niệm làm ra được một phim. Tôi rất thích tìm tòi viết lách và suy nghĩ ra một câu chuyện với những hình ảnh rõ nét" - bà chia sẻ - "Tuy vậy, khi ra đến hiện trường mọi việc có thể trở nên hoàn toàn trái ngược với những gì mình đã nghĩ".

Thật ra, không chỉ ra tới hiện trường, mà cuộc sống cũng không thể giống với những gì người ta nghĩ và định làm. Tại Sài Gòn trước 1975, Síu Phạm sống bằng việc đi dạy học, viết báo, dịch các bài từ tạp chí Playboy, Cinémonde, Cinérevue… Mãi sau đó, bà mới có dịp làm phụ tá cho hai đạo diễn là ông Võ Doãn Châu và ông Lê Hoàng Hoa để làm các phim quảng cáo cho Tổng cục Phát triển du lịch ở Sài Gòn từ năm 1972. Vậy nhưng, sau giải phóng, khi sang Thụy Sĩ và học đại học, Síu Phạm lại quay sang thành lập... một đoàn kịch.

Phải sau khi cùng chồng là Jean-Luc Mello thực hiện các phim tài liệu như Un Scénario d’Udaipur (2003, Ấn Độ), Saigon Blue’s (2004, Sài Gòn), Avaler Un Ange (2006, Thụy Sĩ), Síu Phạm mới có thể thực hiện bộ phim đầu tay của riêng mình, Đó... hay đây?, vào quãng năm 2011.

Bà nói ngắn gọn về việc chính thức đến với điện ảnh ở tuổi 60 rằng, đó vừa là cơ duyên, vừa là nghiệp chướng. Rồi, Síu Phạm chia sẻ rằng bà “chịu trách nhiệm đối với người xem bằng cách cống hiến cho họ những tác phẩm đàng hoàng”.

Nhưng có lẽ bạn đọc nào yêu thích phim bà cũng đều sẽ đồng thuận rằng những tác phẩm điện ảnh của Síu Phạm khá hay và khá chất, chứ không chỉ như cách nói khiêm tốn ấy.

Tiểu Mục Đồng

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/dao-dien-siu-pham-rat-cham-va-rat-chat-tren-con-duong-tren-nui-n20171130063231207.htm