Đạo diễn Quang Dũng kể chuyện làm phim 'Tiệc trăng máu'

Chính thức khởi chiếu từ ngày 23/10, đến cuối tháng 11/2020, 'Tiệc trăng máu' của đạo diễn Quang Dũng đã thu về 175 tỷ đồng, lọt top 3 phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại. Đạo diễn Quang Dũng đã chia sẻ về sự dụng công của ê-kíp khi thực hiện bộ phim này.

“Mỗi bộ phim cho tôi một trải nghiệm mới, đó là cái thú vị của nghề này. Theo thời gian, cảm xúc và suy nghĩ của tôi sẽ chín hơn! Với các bộ phim trước tôi tự viết kịch bản nên các vấn đề được nhìn nhận một cách chủ quan, đôi khi còn có thể là hơi một chiều. Khi làm phim từ kịch bản của người khác hay phim remake, sự sáng tạo sẽ là một sự cộng sinh. Ví như “Tiệc trăng máu” bản chất là dramma vẫn giữ nhưng giọng kể lại có phần hóm hơn. “Tiệc trăng máu” qua phần Việt hóa của biên kịch Bình Bồng Bột đã rất duyên dáng nên các điểm nhấn sau đó của tôi càng phát huy được thế mạnh” - Đạo diễn Quang Dũng.

Tôi kể lại câu chuyện bằng góc nhìn và cảm xúc người Việt

PV: “Tiệc trăng máu” là một bộ phim hấp dẫn của Italia, tính đến nay đã có 19 bản làm lại trên khắp thế giới. Có người cho rằng, sở dĩ nó được yêu thích và phù hợp với nhiều nền văn hóa vì đã mô tả được sự đứt gãy và kém hoàn hảo trong các mối quan hệ. Anh nghĩ sao về nhận định này?

Đạo diễn Quang Dũng: "Perfect stranger" (Người lạ hoàn hảo) là một kịch bản mang tính hiện thực cao chạm đến các vấn đề của con người trên toàn cầu. Khi cuộc sống của chúng ta có thêm nhiều mối quan hệ, chiếc điện thoại thông minh trở thành nơi lưu giữ nhiều điều riêng tư, thậm chí là bí mật. Chúng ta được giáo dục về việc phải tôn trọng các câu chuyện cá nhân, nhưng bản năng con người là nghi hoặc và rất tò mò. Bộ phim hấp dẫn vì đã cho chúng ta khám phá điều đó, khám phá cảm xúc, nỗi lo lắng và cả cơn thịnh nộ của các nhân vật khi họ phải đối diện với những điều không mong muốn. Chứng kiến câu chuyện trên phim, đồng nghĩa với việc người xem có thêm sự liên hệ cho bản thân, vì tôi tin chắc hầu như ai cũng có một vài điều bí mật trong chiếc điện thoại. Vì ai ai cũng có bí mật nên rất hay có kiểu suy nghĩ từ bụng ta ra bụng người. Và kịch bản này ngoài nhiều thứ bạn được xem trên màn hình, nó còn cho bạn thêm sự liên hệ với bản thân về những người xung quanh, cả sự tưởng tượng về các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống nữa.

PV: Nhiều khán giả nhận xét, “Tiệc trăng máu” bản làm lại của Việt Nam còn hay hơn cả bản gốc vì đã tạo ra màu sắc riêng, cá tính rõ nét hơn cho các nhân vật. Anh có thể kể một chút về sự dụng công của mình?

Đạo diễn Quang Dũng: Nói "Tiệc trăng máu" hay hơn bản gốc là hơi quá và tôi cũng không dám nhận như thế. Có điều cả tôi và ê-kíp bộ phim đều tin rằng nó khá hợp và tạo được cảm xúc cho người xem Việt Nam nhiều hơn tất cả các bản làm lại khác. Lý do là bởi tôi sinh ra và sống ở Việt Nam, tôi phải kể chuyện bằng góc nhìn và cảm xúc của người Việt Nam nên nó gần gũi hơn với thị hiếu khán giả của mình. Tất nhiên chúng tôi còn có một lợi thế nữa, đó là khi đã ở bản thứ 19 nên cũng có điều kiện để nhìn rõ tổng thể nhiều bản, để cân nhắc mọi thứ sao cho bản phim mình thực hiện phù hợp với thị trường Việt Nam nhất. Tôi nghĩ với "Tiệc trăng máu", điều mà tôi cảm thấy hài lòng hơn cả là đã tạo được một tiết tấu khá tốt cho phim, làm nổi bật và gắn kết được diễn xuất của từng diễn viên, mà trong đó hầu hết họ đều rất xuất sắc. Và may mắn là tất cả những điều đó đều nhận được sự đồng cảm nơi khán giả.

PV: Với việc tạo ra 2 cái kết, một nói về sự đổ vỡ các mối quan hệ khi sự thật bị phanh phui và một cái kết khác là tất cả vẫn tốt đẹp khi mọi thứ vẫn ở trong vùng “an toàn”, phải chăng anh ủng hộ cho quan điểm: Nếu muốn yên ổn, chúng ta hãy cứ để cho các bí mật mãi mãi chỉ là những bí mật?

Đạo diễn Quang Dũng: Khi chọn 2 cái kết cho bộ phim là để khi xem mỗi người tự lựa chọn quan điểm cho riêng mình. Nhưng thật ra tôi luôn nghĩ cái kết giả định rằng, nếu trò chơi không được mọi người tán thành thì họ vẫn sống theo cách lừa dối lẫn nhau. Còn cái kết có vẻ “tàn nhẫn” là để cho bung bét mọi chuyện khiến chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn hơn. Tất nhiên ở bản Việt Nam, tôi có làm nhẹ và tươi hơn ở cặp đôi Phan Bất Bình và Thu Quỳnh, bởi tôi thấy trong các cặp đôi trong phim chỉ có họ mới có thể thay đổi kết cục của chính mình. Chính vì vậy, mọi người thấy hai nhân vật này đáng yêu và dễ thấy ở ngoài đời.

Tác phẩm để chúng ta soi lại mình

PV: Có lẽ, khi chứng kiến những việc như lừa dối, ngoại tình, độc đoán, ghen tị, khoe mẽ của các nhân vật trên phim, nhiều người sẽ thấy bi quan vì dường như họ thấy cuộc sống không còn gì tốt đẹp nữa. Theo anh, chúng ta nên đặt ra ranh giới nào cho hiện tượng trong tác phẩm và thực tế ở ngoài đời?

Đạo diễn Quang Dũng: Có lẽ bộ phim thành công bởi vì câu chuyện của nó quá quen thuộc với cuộc sống bây giờ. Chuyện giấu giếm giới tính thật, ngoại tình hay nói xấu sau lưng không phải là điều gì quá kinh khủng. Rõ ràng chúng ta không thể nào đồng tình nhưng nếu nói phải loại bỏ tất cả ngay tức khắc tôi cho rằng sẽ rất khó. Ở một xã hội khi cái tôi của mỗi người đều được bảo vệ thì việc họ sa đà, coi nhẹ các giá trị tình cảm hay toan tính sẽ rất dễ xảy ra. Tác phẩm mô tả về các vấn đề tiêu cực của cuộc sống là để chúng nhìn rõ hơn và soi lại mình kỹ hơn, từ đó có ý thức thay đổi để có cuộc sống tốt, thực chất và hài hòa hơn trong mọi mối quan hệ.

PV: Xem phim “Tiệc trăng máu” nhiều người thấy rằng, có những mối quan hệ không thể xác định bằng thời gian vì ngay cả với tình bạn hơn 40 năm, cuộc hôn nhân mấy chục năm nhưng họ vẫn không hoàn toàn là của nhau, thuộc về nhau, thấu hiếu và thông cảm với nhau. Phải chăng chúng ta đang sống trong một thế giới cô đơn khi con người ngày càng ít có sự quan tâm, đồng cảm dành cho nhau, thưa anh?

Đạo diễn Quang Dũng: Chúng ta vẫn biết xét về mối quan hệ vợ chồng, để hai cá thể có thể ở chung với nhau, thấu hiểu nhau là điều quá khó. Còn khó khăn hơn khi cuộc sống hiện đại chúng ta luôn đòi quyền cá nhân cao hơn, mỗi người lại có những nhu cầu riêng mà đôi khi bạn đời chưa chắc đã hiểu và đáp ứng được. Cho dù là vậy tôi vẫn nghĩ rằng, thời gian luôn là thứ sẽ ảnh hưởng đến con người nhiều nhất. Sau một thời gian các mối quan hệ của chúng ta sẽ phát triển theo hai hướng, hoặc là tốt lên hoặc là xấu đi. Và nhiều khi chúng ta phải chấp nhận sự rạn nứt, đổ vỡ nếu như không có cách gì cứu vãn.

PV: Đã từng làm nhiều bộ phim do anh tự viết kịch bản, rồi đến 2 bộ phim làm lại từ kịch bản nước ngoài và hiện nay anh đang chuyển hướng sang thực hiện các dự án phim chuyển thể từ các truyện ngắn, tiểu thuyết. Anh đang đánh giá cao vai trò có tính nền tảng là cái cốt văn học?

Đạo diễn Quang Dũng: Với điện ảnh cũng như nhiều môn nghệ thuật khác, văn học là một nền tảng tốt, là một kho báu quý giá không gì có thể sánh được. Nhưng với các tác phẩm văn học yêu thích, tôi lại muốn nó chỉ nên là văn học thôi. Những áng văn cho chúng ta trí tưởng tượng về thế giới riêng của mình, còn điện ảnh lại cụ thể tất cả bằng hình ảnh, câu chuyện và tiết tấu. Vì vậy, một tác phẩm văn học xuất sắc không có nghĩa sẽ trở nên xuất sắc hơn khi chuyển thể qua một ngôn ngữ khác. Vì vậy, việc chuyển thể từ tác phẩm văn học qua điện ảnh thật sự rất khó khăn và khó thuyết phục với những độc giả có trí tưởng tượng tốt. Họ có thế giới thẩm mỹ sâu sắc nên đòi hỏi khá cao nên tôi nghĩ cho đến bây giờ dòng phim chuyển thể vẫn là một thách thức.

PV: Đại dịch Covid có ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện các bộ phim trong năm nay hay không? Anh dự đoán như thế nào về điện ảnh Việt Nam năm 2021?

Đạo diễn Quang Dũng: Năm 2020 là một năm cực kỳ khó khăn với tất cả các cụm rạp trong nước cũng như trên thế giới. Mà rạp lại chính là nơi “bán hàng” của ngành điện ảnh nên cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư sản xuất phim của năm nay cũng như trong thời gian sắp tới. Năm 2021 sẽ là một năm sôi động và các bộ phim Việt Nam sẽ chiếm lĩnh thị trường. Nếu phim Việt Nam làm tốt sẽ là cơ hội tốt để mở rộng thị phần phim trong nước. Tuy nhiên nếu như chúng ta không đủ sức gồng gánh và trụ rạp thì sẽ rất khó khăn và lâu dài nó sẽ ảnh hưởng lớn đến các dự án làm phim trong tương lai.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!./.

Vũ Nga/Báo VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/dao-dien-quang-dung-ke-chuyen-lam-phim-tiec-trang-mau-833912.vov