Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh: 'Những phim như tôi đã làm, bây giờ không ai làm, không ai đầu tư'

Trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11/2018, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh ra mắt cuốn tự truyện 'Điện ảnh & Cuộc đời' (Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ). Đây là tác phẩm được tái bản với những bài bổ sung, tựu trung vẫn là những hồi ức chan chứa của Đặng Nhật Minh với cuộc đời và điện ảnh.

Cuốn sách ra đời có vẻ lặng lẽ bên cạnh một sự kiện lớn, đó là Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 5. Nhưng nếu đặt hai sự kiện này lại bên nhau sẽ thấy một điều: “Bây giờ không mấy đạo diễn làm… phim Việt Nam”. Và, nếu chịu khó lật giở từng trang sách sẽ thấy hiển hiện một Đặng Nhật Minh của Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi, Đừng đốt… Đấy đúng là một đạo diễn Việt Nam làm phim Việt Nam. Hay nói như Đặng Nhật Minh thì “Đấy là một đạo diễn người Huế làm phim Việt Nam”…

NSND Đặng Nhật Minh dự Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần V

Thưa đạo diễn Đặng Nhật Minh, có lẽ xin được bắt đầu cuộc trò chuyện này từ "Bao giờ cho đến tháng Mười", một bộ phim khá nổi tiếng của ông. Theo như ông tiết lộ trong hồi ký thì bộ phim này được kiểm duyệt đến 13 lần trước khi công chiếu ở Việt Nam. Một bộ phim có số phận đặc biệt. Đến giờ, khi nhìn lại, ông có còn điều gì chia sẻ không?

- Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam đề cập đến nỗi đau mất mát trong chiến tranh. Trước đó những phim về chiến tranh chủ yếu động viên, ca ngợi gương chiến đấu anh dũng của những chiến sỹ ngoài mặt trận. Bởi vậy khi nó xuất hiện làm những người lãnh đạo trước hết là ở xưởng phim, rồi đến Bộ Văn hóa lo ngại, không biết trên đã cho đề cập đến chuyện này chưa, không ai dám quyết, thôi cứ để cấp trên duyệt cho yên tâm… và cứ thế đẩy lên đến Tổng Bí thư duyệt.

Bây giờ thì không thế nữa và thời gian qua không có phim về đề tài này.

"Bao giờ cho đến tháng Mười" là tên phim, nhưng về sau này nó đã thành một thành ngữ, như để nói đến điều tốt đẹp, nhưng khó trở thành hiện thực, hoặc hoài niệm về một điều gì đó chân thành tử tế, người ta lại nói: "Bao giờ cho đến tháng Mười"? Hiện nay ông có ở trong tâm trạng… Bao giờ cho đến tháng Mười không?

- Điều tốt đẹp bao giờ cũng là điều mà con người luôn phấn đấu để vươn tới và mong mỏi. Tôi bao giờ cũng mong chờ cái tháng 10 đó tới.

Bìa cuốn sách vừa ra mắt của NSND Đặng Nhật Minh

Ông từng làm Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam; nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa nghệ thuật năm 2007; được phong tặng danh hiệu NSND; được nhận nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước… nhưng trong hồi ký này, dường như vẫn thấy phảng phất một nỗi buồn “bất đắc chí”?

- Cái chữ “bất đắc chí” dùng ở đây không chính xác. Đó chính là sự "không hài lòng". Không hài lòng với chính mình, với những gì diễn ra xung quanh mình cũng như cô độc, chúng là những thuộc tính của người nghệ sĩ.

Là một đạo diễn chỉ làm phim từ kịch bản do chính mình viết, phải chăng ông chưa từng gặp một kịch bản ưng ý?

- Tôi thường ao ước khi ngủ dậy thấy trên bàn mình một kịch bản do ai đó viết và đọc xong chỉ muốn đem ra quay ngay thành phim. Nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra với tôi cả.

NSND Đặng Nhật Minh trong buổi giao lưu ra mắt sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất của Lê Hồng Lâm

“Đạo diễn không phải là một nghề. Đó là một thế giới quan” là câu nói của đạo diễn - nhà biên kịch người Ý Federico Fellini, mà ông rất tâm đắc, thường trích dẫn. Vậy thế giới quan trong một nhà đạo diễn là gì? Nếu thế giới quan đó lại đụng đến những vấn đề như thiết bị, kinh phí làm phim, ê kíp cộng tác… thì đạo diễn xử lý như thế nào?

- Thế giới quan không bao giờ đụng đến những thứ như anh nói. Những cái anh hỏi thuộc phạm vi cụ thể mà thế giới quan như ông đạo diễn Ý quan niệm thuộc phạm trù trừu tượng, ở bên trong con người nghệ sĩ chứ không phải ở bên ngoài… Đó là cách nhìn sự vật của người nghệ sĩ.

Hẳn là vậy. Nhưng khác với nhà văn chỉ cần cây bút và trang giấy có thể biểu hiện thế giới quan của mình. Còn đạo diễn muốn thể hiện điều đó trên màn ảnh thì phải lệ thuộc vào những điều đó chứ ạ?

- Đương nhiên thế giới quan của người đạo diễn phải được bộc lộ bằng hình ảnh, bằng âm thanh, bằng lời thoại trên phim… Nhưng những cái đó không đụng đến những vấn đề như thiết bị, kinh phí làm phim, ê kíp cộng tác… mà đụng đến bản thân người đạo diễn là chính. Anh có cái nhìn sự vật riêng không, có khác với mọi người không? Hay anh cũng như mọi người? Theo đuôi mọi người?... Đấy mới là vấn đề.

Bên cạnh công việc viết kịch bản, ông còn là một cây bút truyện ngắn, sáng tác văn chương những khi không làm phim, rồi có khi quay lại phim bằng chính tác phẩm văn chương đó. Vậy ông có nghĩ mình là nhà văn?

- Tôi nhận mình là người viết văn. Trên danh thiếp của tôi đề: Đặng Nhật Minh; Làm phim - Viết văn - Viết báo. Nhưng tôi chưa bao giờ có ý định xin vào Hội Nhà văn Việt Nam, mặc dù theo tiêu chuẩn có 3 đầu sách in thì có thể nộp đơn xin vào hội.

Ông có bao giờ ra rạp mua vé xem phim của các đạo diễn trẻ hiện nay không?

- Thỉnh thoảng tôi được mời làm giám khảo chấm giải Cánh Diều và Bông sen. Đó là những dịp tôi được xem hầu hết phim của các đạo diễn trẻ, mà phim bây giờ chỉ có của các đạo diễn trẻ làm gì có phim của các đạo diễn già!

NSND Đặng Nhật Minh trên đường phố Hà Nội

Trong cuốn sách của mình, ông viết: “Trong các phim của tôi dù còn rất nhiều vụng về, nhưng thiết nghĩ đó không phải là phim Indo mà cũng không phải là phim China hay Hàn Quốc… Phim của tôi là phim Việt Nam”… Thực tế thì hiện nay phim “nhái” rất nhiều. Ông có lý giải vì sao các đạo diễn không “làm phim Việt Nam” nữa không?

- Đơn giản vì làm phim Việt Nam thì không bán được vé, lỗ. Sau Liên hoan phim quốc tế lần thứ 5 vừa diễn ra ở Hà Nội, trên một tờ báo Ấn Độ, một nhà phê bình phim Ấn Độ viết về chương trình phim Việt Nam chiếu trong liên hoan phim đó như thế này: “Trong 22 phim Việt Nam chiếu ở liên hoan phim thì đa số là phim thương mại, còn lại là phim làm theo kịch bản mua lại của Hàn Quốc, thậm chí phim được Giải Khán giả bình chọn cũng lại là một phim làm theo một phim của nước ngoài”.

Có nghĩa là phim Việt Nam bây giờ là thương mại và remark (phiên bản). Tất cả đều do phòng vé quyết định. Điều đó Luật điện ảnh không cấm. Thậm chí các cuộc liên hoan phim quốc gia, người ta còn cho phép các phim remark được tham gia và từng nhận giải trừ giải kịch bản.

Những phim như những phim của tôi đã làm bây giờ không ai làm, không ai đầu tư. Chúng chỉ được đón nhận ở nước ngoài chứ không phải trong nước.

Xứ Huế có ý nghĩa như thế nào với ông? Có bao giờ ông muốn trở về Huế để sống những năm tháng cuối đời?

- Mỗi năm tôi về Huế có đến 4-5 lần. Mộ của song thân tôi nằm ở đó trong nghĩa trang Đặng tộc. Phim của tôi làm nếu ai tinh ý có thể nhận ra chỉ có đạo diễn người Huế mới làm như vậy.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

TRẦN NHÃ THỤY thực hiện

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/dao-dien-nsnd-dang-nhat-minh-nhung-phim-nhu-toi-da-lam-bay-gio-khong-ai-lam-khong-ai-dau-tu-18103.html