Đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-eda - người thừa kế di sản của Ozu

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda có sự nghiệp điện ảnh kéo dài gần 3 thập niên và được xem là người thừa kế di sản tinh thần của bậc thiền sư Nhật Bản Yasujirô Ozu.

Những bộ phim của đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-eda thường rất giản dị, dịu dàng và dường như không thách đố ai, nhưng luôn để lại những cảm xúc rất lâu trong lòng người xem. Vượt qua 20 đối thủ từ nhiều nền điện ảnh khắp thế giới, Hirokazu Kore-eda đã giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2018 với Shoplifters.

Đây là lần thứ 5 điện ảnh Nhật giành chiến thắng cao nhất tại Cannes trong lịch sử 71 năm tổ chức LHP này - thành tích mà chưa có nước châu Á nào có thể sánh được.

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda được vinh danh với giải thưởng Cành cọ vàng.

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda được vinh danh với giải thưởng Cành cọ vàng.

#Metoo đến Cannes, Cành cọ vàng vẫn thuộc về nam giới.

Ban giám khảo LHP Cannes 2018 có số lượng nghệ sĩ nữ vượt trội so với nam giới và do một diễn viên nữ làm chủ tịch (Cate Blanchett). Danh sách tranh giải có 2 bộ phim được đánh giá cao do phụ nữ đạo diễn.

Hơn nữa, phong trào nữ quyền #metoo lan truyền mạnh mẽ từ Oscar tới Cannes. Do đó, những tưởng Cành cọ vàng năm nay sẽ thuộc về một nữ đạo diễn.

Cuối cùng, BGK đã ghi nhận thành tích của 2 nữ đạo diễn với 2 giải cá nhân (Capernaum của Lebanon Nadine Labaki đoạt giải của BGK và Happy as Lazzaro của Alice Rohrwacher giành giải Kịch bản xuất sắc).

Dù vậy, Cate Blanchett và 8 vị thành viên trong BGK vẫn tôn vinh thành tựu bền bỉ và đột phá của vị đạo diễn nam giới có sự nghiệp kéo dài 30 năm, bậc thầy của điện ảnh Nhật Bản đương đại - Hirokazu Kore-eda.

Blanchett đã chia sẻ với báo giới trong buổi lễ trao giải rằng cô và các đồng nghiệp của mình đã phải cân nhắc và thảo luận rất kỹ để tránh bị ảnh hưởng bởi những quan điểm chính trị hay nữ quyền. “Truyền thông thường rất nhanh chóng biến những chủ đề của con người đương đại thành những vấn đề chính trị”, nữ diễn viên cho biết.

“Vì thế chúng tôi đã thực hiện một nguyên tắc chấm giải đồng nhất là sẽ xem xét các phim như những tác phẩm nghệ thuật thực sự, tránh những lựa chọn mang tính chính trị và chỉ chọn những phim chạm được vào chúng tôi và ở lại với chúng tôi”, cô giải thích.

Dàn diễn viên Shoplifters tại LHP Cannes.

Shoplifters, bộ phim về đề tài gia đình của Kore-eda, cũng như một vài tác phẩm xuất sắc của ông trước đây, không phải là một thứ điện ảnh khiến người xem phải choáng ngợp.

Nhưng cũng giống như những bộ phim của huyền thoại điện ảnh Jasujiro Ozu đã ra đời 7-8 thập niên trước, chúng luôn để lại những khoảnh khắc khiến trái tim ta tan chảy.

Và những giá trị vừa riêng tư vừa mang tính phổ quát của những bộ phim này dường như không có biên giới. Phải chăng đó là lý do mà Shoplifters của Kore-eda đã được BGK năm nay lựa chọn?

Những câu chuyện gia đình xuyên suốt 30 năm

Hirokazu Kore-eda sinh năm 1962 tại Tokyo. Thời trẻ, ông đã từng có ý định trở thành tiểu thuyết gia, nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học Waseda rồi trở thành trợ lý đạo diễn cho một đài truyền hình, ý định trở thành đạo diễn phim của ông mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Khởi nghiệp với những bộ phim truyền hình ngắn tập, phim tài liệu đầu thập niên 90, Kore-eda nhanh chóng tạo được sự chú ý của khán giả Nhật Bản rồi bắt đầu tham gia các LHP quốc tế nhờ ba bộ phim khai thác chủ đề rất nhạy cảm của xã hội Nhật Bản: tự sát (thậm chí là tự sát hàng loạt) và chủ đề kiếp sau của con người.

Ba bộ phim nổi bật thời đầu của ông là Maborosi (1995), After Life (1998) và Distance (2001) đều khai thác những chủ đề nhạy cảm này dưới một cái nhìn thấu hiểu hoặc lý giải bằng triết lý Phật giáo khiến chúng bớt cực đoan hơn rất nhiều so với các tác phẩm cùng chủ đề của điện ảnh Nhật Bản.

Shoplifters được đánh giá là sự kết hợp đặc sắc giữa Nobody Knows và Like Father, Like Son.

Distance (2001) - khai thác về chủ đề tự sát hàng loạt và cách những người thân của nạn nhân vượt qua nỗi mất mát - trở thành tác phẩm đầu tiên của Kore-eda được chọn tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes.

Kể từ đó, ông trở thành người quen với lần lượt 4 phim nữa tranh giải Cành cọ vàng và 2 phim khác tranh giải ở hạng mục Un Certain Regard (đề cao những tác phẩm thể nghiệm).

Ở những phim sau này như Nobody Knows (2004), Still Walking (2008), I Wish (2011), Like Father Like Son (2013), Our Little Sister (2015), After the Storm (2016) và Shoplifters (2018), Kore-eda đều quay về với chủ đề gia đình, đặc biệt là sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình trước một biến cố hay trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó.

Các phim này có cốt truyện khá đơn giản, gần gũi với cuộc sống đương đại ở các nước châu Á hay ở những đô thị lớn. Phim của ông thường chọn những nhân vật bình dị, đời thường, những kẻ nghèo đói, bị bỏ rơi (đặc biệt là trẻ con) trong một đất nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản.

Sở dĩ nói Kore-eda kế thừa di sản tinh thần của bậc thiền sư Ozu bởi vì cho dù với một đề tài nào đi chăng nữa, ông vẫn luôn loại bỏ những căng thẳng, xung đột và kịch tính của những phim thuộc dòng “drama” nặng tính sân khấu để đi vào những lát cắt bình dị của đời thường.

Dịu dàng và tinh tế

Cách kể chuyện của ông dịu dàng và tinh tế với những góc máy tĩnh và ít di chuyển, luôn tạo dựng một bầu không khí dịu nhẹ và thường mô tả sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên xung quanh.

Ngay cả ở những phim có bối cảnh đô thị hiện đại như Tokyo, ta cũng hiếm khi thấy những hình ảnh choáng ngợp của đại đô thị ấy mà thường là một góc đời thường nhỏ nhoi nào đó gắn bó chặt chẽ với nhân vật.

Trong Nobody Knows (2004), phim mang lại giải Nam diễn viên xuất sắc tại Cannes cho diễn viên nhí 13 tuổi Yûya Yagira, Kore-eda đã kể một câu chuyện khiến người xem phải sững sờ. Đó là chuyện về những đứa trẻ vị thành niên bị mẹ chúng bỏ rơi, xã hội lãng quên và bọn chúng phải chăm sóc nhau trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

Các tác phẩm của đạo diễn Kore-eda luôn vừa dịu dàng vừa tinh tế.

Trong I Wish (2011), đề tài gia đình tan vỡ và bi kịch của những đứa trẻ thiếu thốn tình thương tiếp tục được Kore-eda khai thác với câu chuyện của một đứa bé 12 tuổi bị chia rẽ với em trai của mình do bố mẹ ly dị.

Like Father Like Son (2013), phim giành được giải thưởng của BGK LHP Cannes năm 2013, kể về hai đứa trẻ bị trao nhầm khi sinh và câu chuyện diễn ra vài năm sau đó với những quyết định khó khăn của các bậc cha mẹ khi họ biết được sự thật.

Vẫn tuân thủ một lối kể chuyện dịu dàng, chậm rãi và triệt tiêu kịch tính của Kore-eda, Like Father Like Son vẫn khiến trái tim của người xem tan vỡ khi chứng kiến sự tổn thương của hai đứa trẻ trước sự sắp đặt của người lớn.

Sau Our Little Sister (2015) và After the Storm (2016) vẫn khai thác chuyện gia đình, những sai lầm, vô tâm của người lớn và cách những đứa trẻ vượt qua tổn thương để trưởng thành, Kore-eda đã biến chủ đề quen thuộc này lên một tầm cao mới trong bộ phim vừa giành được vinh quang tại Cannes năm nay: Shoplifters.

Tiếp tục khai thác câu chuyện về những thân phận bên lề và sự nghèo đói diễn ra ở một đô thị lớn như Tokyo, Shoplifters như một tác phẩm thủ công được khảm bởi một bậc thầy tinh xảo. Kore-eda cũng tránh mọi áp đặt chủ quan hay cái nhìn phán xét trước những chủ đề như trộm cắp vặt hay dạy trẻ con vi phạm pháp luật từ nhỏ.

Trong phim, cặp vợ chồng trung niên Osamu (người chồng) và Nobuyo (người vợ) sống trong cảnh nghèo đói vì công việc thất thường và thu nhập quá thấp ở một thành phố đắt đỏ như Tokyo.

Họ phải nuôi thêm một đứa con nhỏ 12 tuổi, một cô em gái thất nghiệp của Nobuyo và bà nội già nua, người có khoản lương hưu để chu cấp cho những sinh hoạt tối thiểu của cả một gia đình 5 thành viên.

Nhưng bất chấp đời sống túng thiếu của những kẻ dưới đáy và bên lề xã hội đó, gia đình của Osamu vẫn yêu thương và đùm bọc nhau theo cách riêng của họ.

Vừa ngọt ngào vừa chua xót

Để cải thiện cuộc sống khó khăn thiếu thốn, Osamu dạy đứa con trai vị thành niên Shota ăn cắp đồ trong siêu thị. Trong một buổi tối mùa đông sau khi hai cha con đi “đánh quả” về, họ phát hiện một đứa bé gái 5 tuổi bị bỏ rơi đang co ro vì lạnh.

Osamu quyết định mang đứa bé gái về nhà, bất chấp căn hộ bé xíu của họ không có chỗ ngủ và cả những thách thức đang chờ đợi họ phía trước khi chính quyền và cảnh sát đang điều tra tung tích của đứa bé mất tích...

Shoplifters gần như là từ kết hợp của hai bộ phim xuất sắc nhất của Kore-eda: Nobody Knows Like Father, Like Son. Nửa đầu phim, đạo diễn mô tả đời sống của gia đình Osamu với những câu chuyện đời thường của họ, phần nào đó hồn nhiên, tươi vui, dí dỏm; bất chấp đời sống thiếu thốn, cơ cực và thậm chí cả phạm tội.

Ở nửa sau của bộ phim, khi gia đình của họ bị vướng vào pháp luật và bị chia rẽ, cảm xúc của khán giả dần dần dâng lên ứ nghẹn và những giọt nước mặt nóng hổi trào lăn trên khóe mắt.

Đạo diễn Kore-eda được ca ngợi là "Ozu của điện ảnh Nhật đương đại".

Bộ phim hiện đang nhận được 100% điểm tích cực trên trang Rotten Tomatoes. Hầu hết các bài điểm phim đều đánh giá kịch bản Shoplifters giàu tính nguyên bản, vừa ngọt ngào vừa chua xót về chủ đề gia đình hiện đại.

Một lần nữa, lối kể chuyện tiết chế cảm xúc (nhưng vẫn khiến người xem nghẹn lòng) của Kore-eda lại khiến giới phê bình so sánh ông với Ozu. Cây bút Geoff Andrew của tờ Time Out chấm bộ phim 4/4 sao và gọi Kore-eda là “Ozu của điện ảnh Nhật đương đại”.

Cây bút phê bình David Ehrlich trong bài phê bình đầy cảm xúc của mình cũng cho rằng Kore-eda không thuyết giảng hay truyền đi thông điệp, đây đơn giản chỉ là một bộ phim gây ám ảnh về những người bị bỏ rơi bên lề xã hội, về những thứ đẹp đẽ bị đánh mất và được tìm thấy giữa các nhân vật trong phim.

Cuối cùng, Shoplifters đặt ra câu hỏi thường trực trong mỗi chúng ta: “Điều gì làm nên một gia đình? Ta không có quyền được chọn gia đình hay bố mẹ của mình nhưng gia đình vẫn là một lựa chọn mà bạn vẫn phải đối mặt hàng ngày và sẵn sàng cho đi tất cả để bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc”.

Lê Hồng Lâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dao-dien-nhat-ban-hirokazu-kore-eda-nguoi-thua-ke-di-san-cua-ozu-post832618.html