Đạo diễn Nam Yên: 'Tôi thích thú trước sự tò mò của khán giả'

Mộng phù hoa - bộ phim cổ trang hiếm hoi của Truyền hình Việt Nam lên sóng chưa được một nửa chặng đường, nhưng các khán giả quan tâm đang khá 'hăm hở' trong việc nhặt sạn cho phim. Tiếp nhận thông tin này, đạo diễn Nam Yên, 1 trong 2 đạo diễn của bộ phim lại tỏ ra thích thú trước phản ứng của khán giả.

Phim thời xưa bao giờ cũng nhiều thách thức

Trước khi lên sóng, bộ phim 36 tập này được giới thiệu là “có nhiều câu chuyện được dựa trên cuộc đời thật, với những nguyên mẫu như: Kỹ nữ Sài Thành nổi tiếng Trần Ngọc Trà, Bạch Công tử, Hắc Công Tử…, nổi danh khắp lục tỉnh Nam kỳ. Nhưng đến thời điểm này, “sạn” được nhiều khán giả đồng tình nhất đó là hình tượng Ba Trang trong phim không phản ánh đúng hình ảnh kỹ nữ Trần Ngọc Trà (Ba Trà). Bối cảnh trong phim cũng được cho là ước lệ, tượng trưng và chưa thật sự làm toát lên được hình ảnh của Sài thành những năm 1930.

Chia sẻ về điều này, biên kịch Nguyễn Chương cho biết: “Sau khi đọc Sài Gòn tạp pín lù của học giả Vương Hồng Sển cùng nhiều tư liệu khác về cô Ba Trà, tôi đặc biệt hứng thú với nhân vật này. Sự thật viết về cuộc đời Ba Trà chỉ chừng 5-6 trang giấy, và để viết câu chuyện dài 36 tập, tôi phải xây dựng nhiều câu chuyện dựa trên các tư liệu của Nam kỳ lục tỉnh, Sài Gòn tạp pí lù…Và thông qua nhân vật Ba Trang cùng nhiều nhân vật khác trong Mộng phù hoa, tôi muốn đề cập tới giá trị chưa bao giờ cũ: đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Bị hấp dẫn ngay khi cầm tập kịch bản trên tay, đạo diễn Nam Yên cũng rất đồng lòng với biên kịch Nguyên Chương: “Giống như làm một bộ phim tiểu sử, nếu làm chính hết về Ba Trà như trong nguyên bản thì sức hút về phim sẽ khó có thể theo dõi được”. Vì thế, Mộng phù hoa đã xây dựng nhân vật Ba Trang có phần hư cấu khoảng chừng 40-50% so với nguyên mẫu cuộc đời kỹ nữ Sài thành Ba Trà.

 Một số cảnh trong phim

Một số cảnh trong phim

Đạo diễn Nam Yên (áo trắng) và ê kíp đoàn làm phim

Với những lời chê dành cho bối cảnh trong phim, Đạo diễn Nam Yên cũng tỏ ra rất đồng cảm với khán giả. “Khán giả so sánh với các phim cổ trang của Trung Quốc, Hàn Quốc là rất đúng và tôi biết sau khi so sánh thì khán giả thường thất vọng. So với các quốc gia khác, Trung Quốc đầu tư vào phim truyền hình cổ trang từ rất sớm. Hàn Quốc là nước đi sau trong lĩnh vực này, thời gian đầu cũng không tránh khỏi những hạt sạn ngô nghê. Làm phim cổ trang ở đâu cũng vậy, cần sự đầu tư lớn và thậm chí là đồng lòng của nhiều Hãng sản xuất thì mới có thể cho ra đời những sản phẩm chất lượng. Nhưng không phải cứ chờ những điều hoàn hảo đầy đủ thì mới bắt đầu. Có bao nhiêu thì ta dùng bấy nhiêu”.

Để tái hiện lại một Sài Gòn xưa trong bộ phim truyền hình dài tới 36 tập phim, nhà sản xuất và đạo diễn đã có thời gian hơn 6 tháng “gom góp” bối cảnh. “Trong một phân đoạn, chúng tôi phải quay ở bốn nơi, quay con đường ở miền tây, ngôi nhà ở Đồng Nai, cảnh ra sau hè ở Đà Lạt… Bối cảnh chúng tôi phải chắp vá nhiều. Về mặt thể hiện hình ảnh trên phim là liên tục nhưng để thực hiện phân đoạn rất vất vả” – đạo diễn Nam Yên tiết lộ.

Các tuyến nhân vật không thừa thãi

Trong cuộc đời Ba Trang, có rất nhiều người đi qua cuộc đời bà, ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp vào con đường trở thành kỹ nữ của mỹ nhân này.

Có nhiều khán giả không lý giải được vì sao số phận nhân vật phụ lại “biến mất” nhanh thế như mẹ Ba Trang, hay Mân - người yêu đầu tiên rất sâu đậm của cô. Đạo diễn Nam Yên bật mí: “Những thắc mắc đó của khán giả sẽ được giải quyết về sau. Cuộc đời Ba Trang khi dấn thân vào Lữ quán, cô bước sang một trang khác với rất nhiều người đàn ông đi qua cuộc đời cô, hầu hết là những công tử với lối sống xa hoa, trụy lạc. Nhưng rồi, có những thời điểm, cô được trở về quê, bên mẹ, gặp lại mối tình đầu, Ba Trang lại tìm được cảm xúc chân thành của cuộc đời còn xót lại. Lúc này, Ba Trang lại đứng trước những lựa chọn. Tôi tin phim sẽ gây sự tò mò cho khán giả, giúp người xem thỏa mãn với cách cài cắm câu chuyện”.

Trong một bữa tiệc màn ảnh nhỏ nhiều phim hình sự, tâm lý tình cảm ở cuộc sống hiện tại, thì Mộng phù hoa với sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng, ngoại hình đẹp và khả năng nhập vai rất tốt như Kim Tuyến, Thân Thúy Hà, Nhan Phúc Vinh, Tường Vi, Hà Việt Dũng, Quốc Trường, Hoàng Anh, Võ Hiệp, Yến Nhi... được coi là một món ăn tinh thần khác biệt và hấp dẫn đối với khán giả. Bộ phim vẫn còn rất nhiều thông điệp, ý nghĩa nhân văn đang ẩn giấu về sau chờ khán giả cùng khám phá và cảm nhận.

Bộ phim "Mộng phù hoa" (36 tập) lấy đề tài thân phận trôi dạt của người phụ nữ để vẽ lên bức tranh xã hội của Sài Gòn và các tỉnh miền Tây những năm 1930 - 1940. Ở đó có sự đối lập giữa cuộc sống bần hàn, cơ cực của người dân nghèo với lối sống xa hoa, trụy lạc của giới điền chủ, công tử. Và đan xen vào đó là những kẻ tráo trở, ăn bám trên thân xác kỹ nữ.

Ba Trang (Greta Trang) được trời phú cho vẻ đẹp quyến rũ chết người, khiến biết bao đàn ông say đắm. Nhưng cuộc đời nước chảy hoa trôi, hồng nhan bạc phận, cuộc đời Ba Trang từ một cô gái chân quê, trong trắng trở thành một kỹ nữ nổi tiếng lục tỉnh Nam kỳ đầy rẫy thăng trầm và cạm bẫy. Nhưng trách người cũng phải xem lại mình, ngoài việc bị người đời hãm hại, thì ngay cả mẹ cô và chính bản thân cô cũng tự giăng bẫy cho mình.

Ngọc Linh
Ảnh: NVCC

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/tin-anh/201804/dao-dien-nam-yen-toi-thich-thu-truoc-su-to-mo-cua-khan-gia-599029/