Đạo diễn Lý Minh Thắng: 'Nếu trả đúng giá, catse Thanh Hằng trong Mẹ chồng phải gấp 4 lần'

Đạo diễn Lý Minh Thắng đã có nhiều chia sẻ thú vị về quá trình sản xuất 'Mẹ chồng' - bộ phim Việt đang được chú ý nhất thời gian gần đây.

Sau Sài Gòn anh yêu em, đạo diễn Lý Minh Thắng chọn thử thách mình với đề tài Mẹ chồng - Nàng dâu. Dù đã có kinh nghiệm ở cả vị trí đạo diễn và sản xuất nhiều phim nhưng với Mẹ chồng, vị đạo diễn trẻ vẫn nguyên cảm giác hồi hộp, vui sướng như thuở ban đầu.

Thanh Hằng và đạo diễn Lý Minh Thắng.

Thanh Hằng và đạo diễn Lý Minh Thắng.

- Linh hồn của bộ phim Mẹ chồng là những người phụ nữ. Anh mất bao nhiêu thời gian cho quá trình casting các vai nữ chính trong phim?

- Mẹ chồng là một bộ phim về nữ quyền vì thế, chúng tôi đã nung nấu ý định từ trước rằng phải mời vào phim cho bằng được những giai nhân của nền điện ảnh Việt qua các thời kì. Ban đầu ekip sẽ list ra danh sách và cân nhắc xem ai phù hợp với tính cách của nhân vật nào. Rất may những người tôi mời có khí chất và thần thái rất phù hợp với nhân vật.

- Anh nhận xét sao về diễn xuất của hai nam chính Song Luân và Lâm Vinh Hải?

- Song Luân có vẻ ngoài soái ca nhưng bên trong lại rất tình cảm. Trong phim cậu đã thể hiện được sự ngông cuồng nông nổi của một thanh niên mới lớn không chấp nhận hiện thực về những trắc trở trong cuộc sống gia đình, tình yêu.

Vai Hai Phước của Lâm Vinh Hải là một vai diễn khó. Nếu vẻ ngu ngơ, khờ khạo đó vào tay một diễn viên thiên về sử dụng kĩ thuật biểu diễn thì sẽ làm cho nhân vật của tôi không được mềm. Ngược lại nếu là một bạn không biết phân tích thần thái đàn ông bên trong cậu Hai Phước thì vai đó sẽ dễ bị nữ tính. Hải làm tôi rất hài lòng bởi khả năng nhập vai và cách tương tác với bạn diễn dù vị trí của cậu trong phim chỉ là nhân vật hỗ trợ.

- Một số ý kiến cho rằng, những người đàn ông có vai trò quá mờ nhạt trong bộ phim Mẹ chồng. Anh nghĩ sao?

- Nhiều khán giả sau khi xem phim cũng nhắn với tôi giá như những người đàn ông có thể tác động vào câu chuyện nhiều hơn chút nữa. Tuy nhiên, là một đạo diễn, tôi biết phải ưu tiên chọn kể điều gì trong câu chuyện của mình.

Rõ ràng nhân vật trung tâm của Mẹ chồng là cô Ba Trân. Thanh Hằng được dành nhiều đất diễn nhất cũng là điều dễ hiểu. Với những người còn lại, không chỉ nhân vật nam mà cả nhân vật nữ tôi cũng cố gắng dành cho họ một khoảng sáng, một phân đoạn để thể hiện được tính cách, tâm lý, nỗi lòng bên trong nhân vật.

- Câu chuyện Mẹ chồng chia làm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Cứ mỗi mùa qua, lại có một cô dâu mới về nhà. Anh có sợ kết cấu đơn tuyến này sẽ khiến khán giả bị nhàm chán?

- Khi làm phim, chúng tôi phải tính theo tâm lý khán giả. Khoảng thời gian đầu, khán giả vào rạp thì phải làm gì đó để giữ chân họ lại. Tiếp theo, phải có điều gì đó để họ có những dấu chấm hỏi, ngồi đợi câu trả lời. Càng về cuối tiết tấu phim phải nhanh để mở ra những xung đột mới níu chân khán giả ở lại xem cái kết.

Làm phim Mẹ chồng, thách thức của chúng tôi là làm sao để khán giả không bỏ rơi nhân vật của mình đâu đó giữa phim hoặc cuối phim. Trong bản dựng thô, phim còn thêm những tình tiết căng thẳng giữa nhân vật Tuyết Mai và Ba Khiêm, màn ghen tuông giữa Tư Thì và Tuyết Mai nhưng ở bản cuối cùng, tôi quyết định sẽ dừng lại tập trung vào tuyến của nhân vật trung tâm là Mẹ chồng - Cô Ba Trân.

- Một số ý kiến cho rằng, trang phục trong phim Mẹ chồng quá lộng lẫy và hiện đại, không phù hợp với bối cảnh xưa. Các nhân vật cũng chỉ có một, hai bộ đồ mặc xuyên suốt một thời gian dài. Anh có suy nghĩ đến vấn đề này khi làm phim không?

- Khi bàn bạc với chị Thủy Nguyễn - là người đảm nhận vai trò thiết kế phục trang cho Mẹ chồng, chúng tôi đều thống nhất một bộ phim về giai nhân thì trang phục phải làm cho nó đẹp, lộng lẫy lên. Còn về số lượng, tôi nghĩ trang phục càng nhiều thì khán giả càng bị xa câu chuyện tôi muốn kể. Họ sẽ giống như đi xem thời trang hay biểu diễn về quần áo hơn hơn là đi xem phim.

Với tôi, trang phục không chỉ cần đúng phân cảnh mà còn giữ luôn mặt gợi mở diễn biến tâm lý của nhân vật. Khi quay phim, tôi cũng là người chủ động ngồi sắp xếp từng bộ đồ cho nhân vật. Ví dụ như, phân đoạn này mặc đồ gì, phân đoạn sau có đổi đồ không hay vẫn giữ nguyên. Tôi nghĩ số lượng quần áo của các nhân vật trong Mẹ chồng vừa đủ để khán giả thấy wow về mặt phục trang những vẫn giữ được sự tập trung vào nội dung phim.

- Kết thúc phim Mẹ chồng có quá nhiều nhân vật phải chết. Anh có nghĩ đây là một cái kết hơi cực đoan?

- Mạch phim Mẹ chồng từ đầu đến cuối đều tập trung vào những mặt tối trong tâm lý nhân vật. Bởi vậy đoạn kết tôi muốn đẩy đến tận cùng bi kịch của những người phụ nữ. Nếu đã xem phim, hẳn các bạn cũng thấy các nhân vật đều tự tìm lấy cái kết cho mình. Lúc ban đầu họ bày ra âm mưu, toan tính như thế nào thì đến cuối họ cũng phải nhận lấy kết thúc như thế đó. Những cái chết đó đều có liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau như là mối quan hệ Nhân - quả.

Bà Hai Lịnh sống vì hộp gia bảo đến lúc chết cũng vì tìm kiếm hộp gia bảo. Bảy Loan yêu thương con trai hết mực thì chọn kết liễu số mệnh vì nhục nhã của đứa con trai. Ba Trân cả đời nghiên cứu thuốc và sai khiến rắn độc sẽ chết vì bị rắn cắn. Hay như cậu Hai Phước, một người ngây thơ, khờ dại sống bằng trái tim chứ không phải lý trí cũng chết vì bị một cây kéo đâm vào tim.

- Theo anh, nếu các nhân vật đều chết thì việc Lan Khuê giành được chiếc hộp gia bảo ở cuối phim có còn ý nghĩa?

- Trong bản dựng thô, có một câu nói ở đầu phim mà chúng tôi đã cắt đi nhưng đại ý như thế này: “Thế giới của lòng dạ đàn bà thường rất nhỏ hẹp. Sự nhỏ hẹp không bởi tầm nhìn mà là do sự ích kỉ trong lòng dạ”. Nhân vật Tư Thì trong phim cũng vậy. Sau khi chứng kiến số phận bi thảm của mẹ chồng, chồng và em dâu, những tưởng cô ta sẽ rút ra điều gì đó.

Nhưng không! Khi có cơ hội chiếm giữ hộp gia bảo, Tư Thì sẽ lại bước lên con đường cũ của mẹ chồng cô, để tiếp tục giữ tôn nghiêm, gia phong cho gia tộc. Vì thế, câu chuyện mà chúng tôi đang kể là câu chuyện không có điểm dừng. Tôi cảm thấy rất hài lòng vì mình đã làm được một cái kết phim như vậy.

- Anh có nghĩ kịch bản đầy đặn của Mẹ chồng phù hợp với một bộ phim truyền hình hơn là phim điện ảnh?

- Lúc xây dựng kịch bản, ekip chúng tôi cũng khúc mắc ở điểm này. Đúng là chất liệu phim quá nhiều, nếu làm tới tận cùng như phim Người đẹp Tây Đô ngày xưa sẽ sướng hơn. Tuy nhiên cá nhân tôi lại bị thu hút bởi đời sống, không khí, màu sắc rất riêng trong phim điện ảnh. Nó có cái để mình đau đáu cùng. Với Mẹ chồng, tôi tự thử thách chính mình làm cách nào để với khối lượng đồ sộ về chất liệu nội dung, vẫn có thể chắt lọc lại và đem đến cho những người trẻ hôm nay những góc nhìn mới về văn hóa, đời sống của của người Việt xưa.

- Mẹ chồng được kỳ vọng là một dự án bom tấn tuy nhiên kinh phí làm phim lại khá khiêm tốn (9 tỷ). Làm cách nào anh giải được bài toán này?

- Yêu cầu ekip sản xuất Mẹ chồng đặt ra ngay từ đầu đó là làm một bộ phim chỉn chu, chất lượng nhưng kinh phí lại không được đội lên cao. Một điều may mắn là chúng tôi tìm được bối cảnh khá thuận tiện để quay hình khi khu nhà sát kề bên đầm sen và xưởng lúa. Trong 23 ngày quay chúng tôi không tốn nhiều thời gian và kinh phí cho việc di chuyển.

Một điểm sáng tạo trong phim là việc chúng tôi quyết định kể câu chuyện trong một bối cảnh chính. Ban đầu kịch bản có rất nhiều ngoại cảnh nhưng khi quay, ekip đã gom tất cả các mối vào không gian trong nhà Hội đồng Lịnh. Làm phim tiết kiệm giống như mình chơi đá banh trong vòng 16m50 mà cứ phải khéo léo luồn lách, đặt để. Đây vừa là thách thức vừa là niềm vui thích của một người đạo diễn như tôi.

- Dù Mẹ chồng có kinh phí sản xuất khiêm tốn nhưng catse để mời một siêu mẫu hàng đầu như Thanh Hằng vào vai chính trong phim Mẹ chồng hẳn cũng không nhỏ?

- Thông thường phim điện ảnh sẽ có hai nhóm catse. Một cho diễn viên thực lực, hai cho ngôi sao. Trong phim này, Thanh Hằng nhận thù lao không thấp nhưng cũng không cao như ngôi sao. Nói rõ ra, giá catse để mời Hằng tham gia dự án Mẹ chồng nếu đúng với vị trí và danh tiếng của cô ấy phải nhiều gấp bốn lần. Nhưng với Mẹ chồng, Hằng chỉ nhận một phần tư.

- Vậy là Thanh Hằng chủ động hạ giá catse để tham gia Mẹ chồng?

- Tôi nghĩ Thanh Hằng thích dự án này và đâu đó trong cô tìm được sự đồng cảm với vai diễn cô Ba Trân. Bản thân tôi rất ngạc nhiên với Hằng. Là người sống lâu trong showbiz nhưng Hằng vẫn giống như một người thiếu nữ, còn nguyên vẹn tâm hồn và cảm xúc bên trong.

Tôi may mắn được gặp gỡ và làm việc với Thanh Hằng trong một giai đoạn Hằng chín muồi nhất, cô tìm được mặt cảm xúc mới và muốn chia sẻ cảm xúc đó với khán giả. Đó có lẽ là lí do mà Thanh Hằng quyết định nhận vai Ba Trân sau hai năm nghỉ đóng phim dù nhận được rất nhiều lời mời.

- Sau Mẹ chồng, anh đã có ý tưởng gì mới cho dự án tiếp theo?

- Mẹ chồng là một bộ phim khá nặng với tôi. Vì thế, thời gian tới tôi sẽ cho bản thân nghỉ ngơi đôi chút đồng thời tham gia một số dự án nhỏ hợp tác với bạn bè. Có thể, trong tương lai tôi sẽ làm một bộ phim ngôn tình lãng mạn nhưng quan trọng là vẫn giữ được phong cách hơi hoài cổ của Lý Minh Thắng.

Cảm ơn đạo diễn Lý Minh Thắng vì cuộc trò chuyện.

Thu Phương

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/dao-dien-ly-minh-thang-neu-tra-dung-gia-catse-thanh-hang-trong-chong-phai-gap-4-lan-1879887.html