Đạo diễn Lò Minh: Người con tài hoa của dân tộc Thái

Nói đến mức độ đẹp trai trong làng đạo diễn nước ta, tôi thấy, ở phía Nam, có Đào Bá Sơn. Còn ở phía Bắc, giải 'nam vương' chắc chắn trao cho đạo diễn Lò Minh. Ông có dáng người tầm thước, gương mặt đầy nam tính, tỏa ánh sáng đôn hậu. Ông có dáng đi khoan thai, giọng nói nhẹ nhàng. Ai ở bên ông, ngay từ phút đầu tiên đều cảm thấy thoải mái và tin cậy. Bởi từ con người ông toát ra vẻ lịch lãm, trung thực.

Đạo diễn Lò Minh là người dân tộc Thái. Ông là con quan đích thực. Cha ông là Lò Văn Hặc, một thủ lĩnh rất có uy tín của vùng Tây Bắc năm xưa. Chuyện kể rằng, cuối năm 1945, khi thấy quân Pháp kéo lên Điện Biên, ông Lò Văn Hặc đã cùng 5 người tín cẩn, hành quân gấp trong đêm, về Sơn La để gặp cán bộ Việt Minh. Đồng chí Ty Nhạ (bí danh của ông Trần Quý Kiên) đã tiếp và trao đổi công việc.

Ông Kiên lúc đó là đại diện Chính phủ lâm thời của hai tỉnh Sơn La và Lai Châu. Sau khi nghe ông Hặc báo cáo tình hình địch - ta cùng tình hình kinh tế, văn hóa của địa phương, ông Kiên nhận ra đây là một người có khả năng tập hợp quần chúng, có tố chất thủ lĩnh bẩm sinh, có tinh thần yêu nước, chống Pháp.

Ông Kiên giao cho ông Lò Văn Hặc trở về Điện Biên, lập các đội du kích người dân tộc; trinh sát, nắm tình hình địch, tổ chức dạy tiếng Thái, Mông cùng các phong tục, tập quán ở địa phương cho bà con... Với uy tín và kinh nghiệm của mình, ông Hặc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Hậu cần của chiến dịch, đã kết hợp chặt với ông Lò Văn Hặc, huy động các dân tộc ở Điện Biên góp lương thực, thực phẩm, đưa hàng trăm con ngựa, làm hàng ngàn ngày công phá núi, mở đường lên trận tuyến.

Sau khi hòa bình lập lại, ông Lò Văn Hặc được Chính phủ cử giữ chức Chủ tịch Khu tự trị Thái - Mèo. Chức vụ cuối ông đảm nhiệm là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội. Ngày nay, ở Điện Biên và Sơn La, đều có con đường mang tên ông. Những con đường này rợp bóng hoa ban.

Dài dòng một chút để thấy đường đời của Lò Minh thuận lợi ra sao. Chúng tôi thường nói đùa, nếu Lò Minh đi theo “ngạch chính trị” chắc sẽ thành quan to. Nhưng, thiên hướng trời cho, Lò Minh thích nghệ thuật.

Năm 1960, mới 17 tuổi, ông xin thi vào ngành quay phim của Trường Điện ảnh Việt Nam. Sau 4 năm học, ông về Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương làm phụ quay cho các bậc đàn anh. Nhưng, chỉ sau 2 năm, ông đã được Giám đốc Hãng giao nhiệm vụ là quay phim chính trong các phim “Chúng em đi học” (966), “Ngọn đèn cửa biển” (967). Những bộ phim này, theo ông, nhìn chung là đẹp nhưng tĩnh quá”.

Trong khi đó, hằng ngày, trên các báo, đầy những tin chiến sự từ miền Nam, từ Khu 4 nóng bỏng dội ra. Qua đài báo, Lò Minh biết ở Quảng Bình, huyện Lệ Thủy có một đại đội nữ pháo binh. Ông phác thảo kịch bản và trình Ban Giám đốc đề cương làm bộ phim tài liệu về đơn vị này. Được cấp trên duyệt, ông vác máy, vừa theo xe, vừa cuốc bộ vào vùng đất lửa.

Đầu năm 1968, ông đã kịp đến Ngư Thủy, một miền cát trắng. Được nghe câu chuyện của những cô gái trẻ măng bên những khẩu pháo vừa bắn cháy tàu chiến Mỹ khiến ông mừng như vồ được chất liệu vàng. Dạo ấy, tàu chiến Mỹ chủ quan, áp sát bờ biển, nã pháo vào đất liền. Đất Quảng Bình hẹp, những điểm trọng yếu đều nằm trong tầm đạn quân thù. Chúng ta không có vũ khí nào chống chọi. Loại pháo diệt hạm P-15 do Liên Xô viện trợ không đủ giăng dọc bờ biển miền Trung.

Ông Trần Sự - Tỉnh đội trưởng, quyết chơi một vố bất ngờ với quân đội Mỹ. Ông quyết định thành lập đại đội nữ pháo binh, gồm hơn ba chục cô gái trẻ, khỏe. Loại pháo mà các cô sử dụng là D-44, thường gọi là pháo 85 mm. Loại này do Liên Xô sản xuất vào thập niên 1940, dùng để bắn xe tăng. Mỗi khẩu nặng 1,72 tấn. Mỗi khi chiến đấu, các cô phải kéo trên cát. Khẩu pháo này có tốc độ bắn đến 20 viên/phút. Mỗi viên nặng gần chục kilogram. Mỗi kíp chiến đấu cần từ 6 đến 8 người. Ngoài chỉ huy, còn cần người trinh sát và tính toán để theo dõi tàu địch và tính khoảng cách bắn. Và tầm bắn tối đa hơn 15 kilomet.

Để làm chủ được khẩu pháo và bắn từng viên trúng đích, ngoài lòng dũng cảm, các cô còn phải luyện tập rất nhiều. Nào tập nhìn ống nhòm, nào tập lấy phần tử bắn, nào di chuyển trong phạm vi hẹp, nào thao tác chuyền và lắp đạn, nào hiệp đồng chiến đấu sao cho nhịp nhàng, chính xác.

Nếu đàn ông phải cố gắng gấp 5 thì các cô phải cố gấp 10 lần. Thậm chí còn hơn vì nhiều cô chưa học hết cấp 1 trường làng. Nhưng sá gì. Bắn pháo là hành động tập thể. Các cô dựa vào nhau. Chiến đấu và thắng trận. 3 tàu chiến Mỹ bị các cô bắn cháy. Một cú đấm bất ngờ. Bên ta, các pháo binh nam sửng sốt. Phía Mỹ, họ không thể ngờ.

Lò Minh sống cùng 3 trung đội nữ gần cả năm trời. Chàng trai 25 tuổi, cũng trẻ như các nữ pháo binh, đã quay những đoạn và trường đoạn phim đầy ấn tượng. Những gương mặt trẻ măng. Dịu hiền nhưng cương nghị. Những mái tóc dài mềm mại bên những nòng pháo lớn, những viên đạn như chú ỉn con. Những đôi mắt dài và đẹp dõi nhìn ra biển cả, tìm kiếm quân thù. Những bắp chân gợi cảm thoăn thoắt trong chiến hào bên những vỏ đạn sáng loáng. Những giọt mồ hôi bết trên trán, những cặp môi mím chặt khi nổ súng, khói bụi mịt mù, cát bay đầy mắt... Họ không cần đeo quân hàm, không mặc trang phục người lính, vẫn vận quần đen, áo bà ba, vẫn cặp tóc bình dị. Họ vẫn làm công việc gia đình. Vẫn ngồi bên nhau hát đồng ca về quê hương... Tất cả như sáng lên vẻ đẹp rạng ngời của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.

Đạo diễn Lò Minh trong chuyến làm phim “Trở lại Ngư Thủy”.

Đạo diễn Lò Minh trong chuyến làm phim “Trở lại Ngư Thủy”.

Quay phim xong, Lò Minh lại đi dưới tầm bom đạn, ra Bắc dựng. Bởi trong Hãng phim lúc bấy giờ, có đoàn quay phim xong, trên đường ra Bắc, đến Vĩnh Linh, bị bom Mỹ. Người chết. Phim cháy. Đêm đi, ngày nghỉ. Sau nhiều tháng, Lò Minh đã mang phim về đích an toàn. Anh vội ngồi vào bàn dựng. Và anh chỉ lấy một cái tên giản dị để đặt cho bộ phim là “Những cô gái Ngư Thủy”. Bộ phim đã kịp thời lên đường sang dự Festival film tài liệu ở Leipzig (Đức) và giành giải thưởng vào năm 1970. Nhiều đài truyền hình quốc tế đã đặt mua bộ phim này.

Dừng một chút để nói về bộ phim của Lò Minh liên quan đến bộ phim “Trở lại Ngư Thủy” của đạo diễn Lê Mạnh Thích ra sao.

Gần ba mươi năm sau, vào năm 1996, một đoàn làm phim từ Nhật Bản tìm đến đạo diễn Lò Minh. Họ bày tỏ niềm khâm phục khi trong chiến tranh, khán giả Nhật được xem những thước phim về những cô gái Việt Nam đã bắn tàu chiến Mỹ. Và họ muốn tìm hiểu, bây giờ, những cô gái đó thế nào. Họ đề nghị người đạo diễn năm xưa đưa họ về nơi ấy, một vùng cát trắng như nước Nhật. Lò Minh vui vẻ nhận lời. Nhưng, các nhà làm phim Nhật khi quay xong, đã mang phim về nước.

Lò Minh rất trăn trở với tâm lý con người sống trong niềm vui chiến thắng và nỗi lòng những người bị bỏ quên: “Phố đông còn nhớ bản làng/ Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?” (Tố Hữu). Ông rất muốn có một bộ phim tương tự để cho khán giả mình xem. Ông nói chuyện này với đạo diễn Lê Mạnh Thích, đương kim Giám đốc Hãng. Ông Thích đồng ý ngay. Và bộ phim “Trở lại Ngư Thủy” ra đời. Ngay lập tức, nó gây được tiếng vang trong dư luận. Mọi người mới nhớ lại chiến công của họ, mới chia sẻ với họ những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.

Năm 1999, Lò Minh được mời về làm Trưởng khoa Điện ảnh của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Các kiến thức bài bản mà những lần ông được học tập tại Hungary (1969) và Ấn Độ (1976) cùng bao kinh nghiệm làm phim đã giúp nhà giáo Lò Minh được bao lứa sinh viên kính trọng. Ngoài việc giảng dạy cho sinh viên chính quy và tại chức, nhà giáo Lò Minh còn là một người quản lý tận tình.

Giáo viên và sinh viên trong khoa còn nhớ mãi hình ảnh thầy Lò Minh tham gia thiết kế, dựng trại với sinh viên đến tận khuya trong dịp kỷ niệm thành lập trường. Có cô giáo trong khoa còn nhớ hình ảnh thầy Lò Minh đi mua cho cô ly nước cam khi cô bị tụt huyết áp do không kịp ăn sáng.

Riêng tôi còn nhớ, một lần, thầy Lò Minh lảo đảo về văn phòng khoa, hai tay ôm ngực. Tôi tưởng thầy bị cảm. Vội đỡ thầy ngồi. Lát sau, thầy mới thổ lộ. sinh viên không chịu làm bài. Nếu như thầy giáo khác, có thể quát mắng học trò. Nhưng, thầy Lò Minh thì không thế. Thầy nói, mình không có quyền mắng họ. Ngược lại, thầy buồn ghê gớm. Nỗi buồn, chính thầy chịu đựng.

Nhưng, cũng có những ngày vui tươi. Đó là những dịp thầy đưa cả khoa, rồi cả giáo viên trong trường lên Điện Biên, quê hương của thầy. Thầy như con cá trở lại nguồn, say sưa dẫn mọi người đi thăm những danh lam thắng cảnh của vùng đất lịch sử, kể những câu chuyện mà chỉ riêng thầy mới biết.

Như cái hầm của tướng Christian de Castries, trước còn có thư viện, nay không còn. Và ông tướng này còn có cây gậy chỉ huy. Khi ông ta ra hàng, chiếc gậy đó đã bị quân ta tịch thu. Tướng Vương Thừa Vũ, chỉ huy Đại đoàn 308, đơn vị trực tiếp đánh đồi A1, giữ. Nhưng, khi về đến Hà Nội, tướng Vũ đã tặng lại cây gậy cho bác sĩ Đặng Văn Ngữ - người cha của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Và trước khi đi chiến trường miền Nam, bác sĩ Đặng Văn Ngữ tặng lại Bảo tàng Quân sự.

Thầy còn kể, sông Nậm Rốm, theo tiếng Thái, nghĩa là sông sâu. Người Kinh gọi là Nậm Rốm, còn người Thái gọi là Nậm Nứa. Đứng dưới vòm hoa ban, thầy cho biết, người Thái thường hái hoa ban về cắm trên bàn thờ tổ tiên vào dịp lễ, tết. Vỏ cây hoa ban còn chữa bệnh lao hạch, bệnh ngoài da như sưng, loét. Nụ hoa ban, phơi khô, đun nước, chữa bệnh tiêu chảy, kiết lị... Đặc biệt, gỗ cây hoa ban với những đường vân tuyệt đẹp dùng để đóng bàn ghế rất bền.

Rồi thầy đãi chúng tôi những món ăn của người Thái. Những món ăn này, rất khác biệt ở chỗ, không dùng mỡ xào hay rán. Đến bây giờ, giở sổ tay ra, tôi còn nhớ những món trứ danh như nhứa giảng (thịt trâu hun khói), nhứa mù khủa (thịt lợn hấp), khảu lam (cơm lam), pà pủng tộp (cá nướng)... Những món ăn chứa đựng cả tầm hồn cùng lòng hiếu khách của người Thái. Tình yêu của thầy dành cho quê hương còn được thể hiện qua bộ phim tài liệu “Hồi ức Điện Biên” (1994). Bộ phim được Bộ Quốc phòng trao giải A cùng năm.

Người con tài hoa của dân tộc Thái còn được rất nhiều người đẹp thầm yêu trộm nhớ. Những câu chuyện tình đó, như những huyền thoại, càng dệt nên vẻ lung linh và bí ẩn. Tiếc thay, trái tim người đạo diễn tài hoa, người thầy mẫu mực ấy đã ngừng đập vào một ngày mùa hè năm 2014. Nhiều nghệ sĩ - những học trò của thầy đã bay từ miền Nam, miền Trung ra, tiễn thầy về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đoàn Tuấn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/dao-dien-lo-minh-nguoi-con-tai-hoa-cua-dan-toc-thai-608977/