Đạo diễn Lê Quý Dương: 'Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là chương trình đặc biệt khó, nhưng thú vị'

Dù từng được mệnh danh là 'vua của các lễ hội' với vai trò là tác giả và tổng đạo diễn của nhiều chương trình lớn nhưng đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: 'Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là chương trình khó nhất về mặt nội dung từ trước đến nay tôi làm'.

Đạo diễn Lê Quý Dương (ảnh nhân vật cung cấp).

Đạo diễn Lê Quý Dương (ảnh nhân vật cung cấp).

Thách thức vì bề dày lịch sử của vùng đất “tam vua nhị chúa”

Năm ngoái, trong Lễ kỷ niệm 1.050 năm nhà nước Đại Cồ Việt (968 – 2018), đạo diễn Lê Quý Dương trong vai trò là tác giả kịch bản và Tổng đạo diễn đã mang đến một chương trình “mãn nhãn” cho người xem. Anh không sử dụng MC, những trang sử vàng của dân tộc được tái hiện qua câu chuyện kể của một lão ông với các cháu thiếu niên, thể hiện bằng các lớp đối thoại gắn với những đại cảnh lớn về quá trình dẹp yên và thu phục 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh, hình thành và xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt… Đại cảnh “Quốc Thái Dân An” được đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng một cách sáng tạo và thiên về tâm linh với phần niệm chú của 56 nhà sư đang trụ trì tại các chùa ở Ninh Bình về tham gia trình diễn trên nền nhạc thiền thanh thoát của nhạc sỹ Mạnh Tiến, ca ngợi công đức của Đinh Tiên Hoàng đế và tưởng nhớ Đại sư Ngô Chân Lưu, người được Đinh Tiên Hoàng đế phong Tăng Thống Quốc Sư đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam…

Với Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (diễn ra tại Quảng trường Lam Sơn thành phố Thanh Hóa ngày 8/5), đạo diễn Lê Quý Dương cũng đưa những yếu tố đặc sắc để nêu bật bề dày của vùng đất “tam vua nhị chúa”. “Chỉ riêng việc thể hiện lịch sử 990 năm Thanh Hóa trong một chương trình Lễ Kỷ niệm 90 phút sao cho đầy đủ, tinh tế, không thiếu, không thừa đã là một thách thức lớn đối với bất cứ tác giả, đạo diễn nào. Hơn thế, Lễ kỷ niệm 990 năm không thể chỉ nhắc tới giai đoạn lịch sử từ khi xuất hiện tên gọi Thanh Hóa đến nay mà còn cần phải nhắc tới cả cội nguồn lịch sử ở Thanh Hóa từ trước đó rất nhiều, để làm nổi bật ý nghĩa to lớn của sự xuất hiện tên gọi Thanh Hóa trong bức tranh toàn cảnh của một vùng đất địa linh nhân kiệt”, đạo diễn Lê Quý Dương nói.

Ngoài ra, trong quãng thời gian 990 năm (1029 - 2019), từ khi tên gọi Thanh Hóa hình thành, văn hóa và lịch sử của Thanh Hóa đã là cả một kho tàng khổng lồ, trải qua nhiều triều đại gắn liền với dòng chảy của lịch sử dân tộc. Từ nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, nhà Trịnh nhà Nguyễn tới thời đại Hồ Chí Minh với hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, thời kỳ hàn gắn các vết thương chiến tranh, tới thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển, Thanh Hóa đã thực sự trở thành “vùng đất căn bản” của nước Đại Việt hôm qua, của Tổ quốc Việt Nam hôm nay. Chương trình đặt ra yêu cầu to lớn là phải đảm bảo được chiều dài của lịch sử, chiều sâu của văn hóa trong công tác xây dựng kịch bản và dàn dựng chương trình.

Mang đậm không khí sử thi

Chương trình trên 3 chương với 9 trường đoạn liên tục và liền mạch gồm: Địa linh nhân kiệt - Truyền thống anh hùng - Khát vọng thịnh vượng. Chương I: Địa linh nhân kiệt với các trường đoạn: Cội nguồn xứ sở - Hội thề Đồng cổ - Gọi tên quê hương. Chương II: Truyền thống anh hùng với các trường đoạn: Bài ca giữ nước - Kỳ tích Hàm Rồng - Tỏa sáng cùng non sông đất nước. Chương III: Khát vọng thịnh vượng với các trường đoạn: Nghị lực vươn lên - Đổi mới phát triển - Khát vọng thịnh vượng. Chương trình huy động một lực lượng nghệ sỹ diễn viên hùng hậu với hơn 500 người, gồm các nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực, các nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng như: NSƯT Trọng Tấn, NSƯT Anh Thơ, NSƯT Huyền Trang, NSƯT Lê Anh Dũng thể hiện các ca khúc chính của chương trình.

Dù từng được mệnh danh là “vua của các lễ hội” với vai trò là tác giả và tổng đạo diễn của nhiều chương trình lớn như: Là người đặt nền móng cho sân khấu thực cảnh tại Việt Nam qua các chương trình “Đêm Hoàng Cung”, “Huyền Thoại Sông Hương” của 4 mùa Festival Huế và nhiều lễ hội lớn khác nhưng đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Đây là chương trình khó nhất về mặt nội dung từ trước đến nay tôi làm. Để chương trình mang tính sử thi, tôi làm theo phương pháp đổi mới, không theo kịch bản có sẵn mà từ sự nghiên cứu, khảo sát thực tế, mình sẽ phải tìm hiểu tài liệu, nghiên cứu từ truyền thống, từ người dân bản địa, tìm ra những gì độc đáo nhất của vùng đất đó. Chính từ quá trình nghiên cứu ấy sẽ tạo nên cảm xúc, có sự rung động, rồi bật ra ý tưởng hay để viết kịch bản. Trong đó, nhấn mạnh vào tính thiêng liêng, gắn với nhiều anh hùng dân tộc, khai thác tính hiển linh, như thần đồng cổ hiển linh, vua Lý Thái Tổ xuất hiện, Lê Lợi hiển linh có đọc lời Bình Ngô đại cáo, tạo thành không khí sử thi. Trong không gian vang vọng của thần đồng cổ, với hiệu ứng ánh sáng vàng, xuất hiện 99 thiếu nữ xinh đẹp như tiên nữ cầm lư hương trầm bước vào không gian sử thi, giống như câu chuyện được thần đồng cổ kể lại. Trên mặt trống đồng có họa tiết của trống đồng Đông Sơn, dùng đồ họa 3D có đèn LED, tạo cảnh như đàn chim hạc bay lên và câu chuyện bắt đầu được kể”.

Điểm nhấn của chương trình là màn tái hiện lại “Hội thề đồng cổ”. “Đền thờ Đồng cổ được ghi nhận là cổ nhất ở Thanh Hóa, rất thiêng, đền đã từng giúp vua đánh giặc qua hình thức báo mộng, đặc biệt là vua Lý Thái Tông dẹp loạn Tam Vương (Hội Minh Thề), tôi nhấn phần vào này sâu hơn. “Truyền thống anh hùng” đến trường đoạn “Bài ca giữ nước” - Lê Lợi đỉnh điểm là sự hiển linh, hiện lên đọc Bình Ngô Đại cáo trong không gian mờ ảo và mùi hương trầm ngát hương”, đạo diễn Lê Quý Dương tiết lộ.

NSƯT Mạnh Tiến - Giám đốc âm nhạc của lễ hội 990 năm Thanh Hóa cho biết: “Thanh Hóa - mảnh đất tam vua, nhị chúa, có bề dày lịch sử chỉ sau Thăng Long, điều này khiến cho ê-kíp chúng tôi đều rất tâm huyết, trăn trở là phải làm sao thể hiện đúng, đủ và đẹp về miền đất địa linh nhân kiệt này. Chúng tôi đã có nhiều thời gian đi điền dã, thực địa, khảo sát và trải nghiệm tại Thanh Hóa. 990 năm là sự tổng hòa, giao thoa, đan xen, tiếp nối các giai đoạn lịch sử, các nét văn hóa đặc sắc giữa truyền thống và hiện tại. Chúng tôi sẽ vận dụng những nét văn hóa nghệ thuật đặc trưng của trống hội, tuồng cổ, hò sông Mã, chèo truyền thống, đồng dao đến các ca khúc cách mạng và trữ tình... Tất cả mọi thứ đều quyện hòa trong một thời lượng có hạn định, vì thế sự chắt lọc, chuẩn mực, sự khéo léo thận trọng để kết nối mềm mại uyển chuyển”.

Đạo diễn Lê Quý Dương học chuyên ngành sân khấu tại Australia. Sau gần 15 năm học và làm việc ở ngước ngoài, anh mang loại hình sân khấu thử nghiệm về nước. Anh từng dàn dựng các vở: “Chợ đời”, “Lời thỉnh cầu mùa xuân”, “Những giấc mơ bí mật của Tễu”, “Kangaroo”, “Huyền thoại cuộc sống”… Tuy vậy, Lê Quý Dương lại được biết đến nhiều hơn với vai trò tổ chức, dàn dựng các chương trình festival nghệ thuật lớn trong nước như: Festival Huế, Festival Tây Sơn Bình Định, Festival biển Nha Trang, Festival dừa Bến Tre, Festival gốm Bình Dương, Festival Biên Hòa Đồng Nai, Festival Quảng Nam Hành trình di sản Đông Dương.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/dao-dien-le-quy-duong-le-ky-niem-990-nam-thanh-hoa-la-chuong-trinh-dac-biet-kho-nhung-thu-vi-20190420091349903.htm