Đạo diễn Lê Cung Bắc: Một đời đi tìm cái đẹp

Trong một lần trả lời báo chí, đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc nói: 'Chân - Thiện - Mỹ là mục đích để đo cuộc sống mà người ta hướng đến. Trong phim cũng như thế, Chân - Thiện - Mỹ là sự tái hiện từ cuộc sống thực tế. Tác phẩm nghệ thuật có giá trị luôn hướng người ta tới cái thiện'.

Việt Trinh trong phim Người đẹp Tây Đô

Người thành công với phim truyền hình

Đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc xuất thân từ một người học quản trị kinh doanh nhưng lại đi làm phim. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, bạn của Lê Cung Bắc kể ngay từ khi đang theo học quản trị kinh doanh, Lê Cung Bắc đã đam mê với nghệ thuật. Ông thành lập ban kịch riêng, hoạt động khá nổi trong giới sinh viên. Sau khi lấy bằng thạc sỹ, Lê Cung Bắc không đi làm kinh tế mà lại tham gia một số ban kịch truyền hình tại Sài Gòn. Với những vai kịch khá thành công, Lê Cung Bắc được đánh giá là một diễn viên tài năng, được cử đi học tập về kịch tại Pháp và Canada năm 1974.

Đạo diễn Lê Cung Bắc

Đạo diễn Lê Cung Bắc

Sau ngày đất nước thống nhất, Lê Cung Bắc tiếp tục niềm đam mê điện ảnh. Những người yêu điện ảnh vẫn nhớ tới diễn viên Lê Cung Bắc qua những vai diễn như Trí trong Con thú tật nguyền, Trung tá Bửu trong Hồi chuông màu da cam, Đại tá Trần Hiền trong phim Đằng sau một số phận, Lão cùi trong phim Dấu ấn của quỷ… Vẻ điển trai, chất phong trần cùng lối diễn đa dạng, có chiều sâu nhân vật, dù ở vai chính diện hay phản diện, Lê Cung Bắc đều để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. NSƯT Kim Xuân kể, với mỗi vai diễn Lê Cung Bắc nghiên cứu rất kỹ kịch bản cũng như tìm hiểu thêm các yếu tố liên quan. Và trước khi vào vai, ông luôn dành thời gian nghiền ngẫm, tìm tòi những chi tiết đắt giá nhất để thể hiện.

Chiều ngày 15/6, sau lễ động quan, linh cữu Đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc đã được đưa từ nhà riêng tại TPHCM về an táng tại nghĩa trang Thiên Phước (Long An).

Chính nhờ sự nghiệp diễn xuất đầy đặn mà khi chuyển sang làm đạo diễn, Lê Cung Bắc đã có kinh nghiệm trong việc lựa chọn diễn viên, lựa chọn kịch bản tốt. Năm 1995, Lê Cung Bắc thực hiện bộ phim Người đẹp Tây Đô nói về người nữ tình báo có thật trong Kháng chiến chống Pháp.

Theo đánh giá của nhiều người trong nghề, Người đẹp Tây Đô là bộ phim khó làm bởi để xây dựng một hình tượng người nữ anh hùng cách mạng có thật thì sự sáng tạo luôn phải bám sát thực tế, rất dễ gây sự nhàm chán đơn điệu cho bộ phim. Nhưng với tài năng của Lê Cung Bắc, hình tượng người nữ chiến sỹ tình báo đã được ông xây dựng với vẻ đẹp rất đời thường nhưng cũng đầy lãng mạn. Nhà văn Trầm Hương - Tác giả kịch bản Người đẹp Tây Đô thừa nhận không phải đạo diễn Lê Cung Bắc thì khó có ai làm được bộ phim này thành công. “Tôi phải cảm ơn anh Lê Cung Bắc rất nhiều vì kiến thức văn học của anh sâu sắc. Anh đọc nhiều nên rất tôn trọng tác giả, giữ được cái thần của kịch bản mà vẫn dựng được bộ phim hay”, Trầm Hương nói.

Diễn viên Hồng Ánh kể, chị may mắn được vào vai Bạch Vân trong Người đẹp Tây đô, khi đó mới 18 tuổi nên chị còn ngỡ ngàng trong diễn xuất: “Nhờ sự giúp đỡ của chú mà tôi đã có vai diễn đầu tay thành công. Điều đó giúp tôi thêm quyết tâm dấn thân vào nghiệp điện ảnh để có được ngày hôm nay”.

Bộ phim Người đẹp Tây Đô đã gây tiếng vang lớn, đem lại sự thành công cho hãng phim TFS cũng như làm nên tên tuổi nhiều diễn viên: Việt Trinh, Hồng Ánh, Anh Thư, Hương Giang…. Trong những năm sau đó, nhiều bộ phim truyền hình của Lê Cung Bắc liên tiếp nhận giải thưởng như Không thể rẽ trái (Huy chương Vàng Liên hoan phim Việt Nam năm 1996), Cõi tình (giải B Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1998), Duyên trần thoát tục (được ghi vào Kỷ lục Phật giáo Việt Nam), Dòng đời (giải thưởng Đạo diễn, Quay phim và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của HTV 2001) …. Đặc biệt, bộ phim sử thi Vó ngựa trời Nam nói về vị tướng Huỳnh Văn Nghệ đã đoạt Huy chương Vàng Liên hoan phim truyền hình và Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2010. Riêng Lê Cung Bắc đoạt Cánh diều Vàng dành cho Đạo diễn xuất sắc nhất.

Mãi đi tìm cái đẹp

Lê Cung Bắc thừa nhận trong xu thế làm phim mới, có đạo diễn lựa chọn làm phim theo nhu cầu thị trường, có người lại cố đi tìm cái tôi của mình trong những bộ phim mang cá tính riêng. Nhưng ông lại làm phim để đi tìm vẻ đẹp nghệ thuật. Ông nói: “Chân - Thiện- Mỹ trong phim tái hiện được cái đẹp của cuộc đời, hướng con người ta tới cái đẹp. Một tác phẩm nghệ thuật hướng tới Chân - Thiện - Mỹ sẽ luôn sống mãi với thời gian. Đó mới là nghệ thuật đích thực”. Vì thế trong phim của ông, dù phim lịch sử hay hiện đại đều mang thông điệp hướng thiện, khơi gợi người xem tới những điều tốt đẹp.

Và không chỉ từ phim, cách sống và làm việc của Lê Cung Bắc cũng như thế. Ông luôn chọn cách sống bao dung, nhân hậu với mọi người. Diễn viên Việt Trinh kể chính Lê Cung Bắc là người đứng ra lựa chọn và bảo vệ vai diễn của chị khi làm phim Người đẹp Tây Đô. “Khi đó tôi đang bị dính tin đồn mắc bệnh ngôi sao. Mời tôi đóng vai Bạch Cúc trong Người đẹp Tây Đô, Lê Cung Bắc đã phải thuyết phục cả đoàn làm phim. Lý do theo ông chỉ có tôi mới phù hợp nhất để vào vai Bạch Cúc. Tôi đã khóc vì ông đã đặt niềm tin vào tôi. Qua thành công của bộ phim, ông đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều sau những vấp ngã trước đây. Ông đã sinh ra tôi một lần nữa”, Việt Trinh nhớ lại.

Gần đây, Lê Cung Bắc muốn làm loạt phim phát trên YouTube với nội dung thiện nguyện, tiếp tục hướng đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ trong cuộc sống mà ông đã đeo đuổi cả cuộc đời. “Nhưng rất tiếc, ông đã ra đi khi kế hoạch vẫn còn ấp ủ”- Việt Trinh nghẹn ngào.

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dao-dien-le-cung-bac-mot-doi-di-tim-cai-dep-post1346397.tpo