Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Tôi mong vụ kiện 'Tinh hoa Bắc Bộ' sớm được khép lại

Sau phiên tòa sơ thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng, giữa Công ty Tuần Châu Hà Nội và Công ty DS, phóng viên đã liên lạc với đạo diễn Hoàng Nhật Nam để có những phát biểu cụ thể hơn xoay quanh cuộc kiện tụng này.

Các vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ vẫn được trình chiếu hàng đêm phục vụ người dân

Các vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ vẫn được trình chiếu hàng đêm phục vụ người dân

- Chào anh Hoàng Nhật Nam, được biết trước đây, anh đã từng gửi đơn khởi kiện cũng với nội dung này nhưng đã rút đơn, tại sao, anh lại có quyết định gửi đơn khởi kiện lần 2?

Việc rút đơn kiện này thuộc về vấn đề kỹ năng pháp lý đã được các luật sư của tôi đề xuất, trong đó có thêm một số phần nội dung cần thiết và lại phù hợp với tình trạng của gia đình tôi lúc đó: con trai tôi đi du học ở Mỹ và tôi cũng phải hoàn tất một khóa học của tôi cũng ở đây, vợ tôi sinh con gái nhỏ ở nước ngoài, tôi muốn những thời gian thiêng liêng nhất của cuộc đời mình được toàn tâm, không vướng bận những việc kiện tụng vốn không phải là thái độ sống của tôi…. Nên tôi và các luật sư đã thống nhất rút đơn kiện. Hiện đúng lộ trình tôi nộp đơn khởi kiện lại và được thụ lý.

- Sau phiên tòa đầu tiên về vụ việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, phía Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã có văn bản với nội dung: “vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” có những sự “giống nhau cơ bản” với vở diễn “Thuở ấy xứ Đoài” của đạo diễn Việt Tú. Và nếu sử dụng cùng dàn diễn viên là những người nông dân, hệ thống âm thanh, ánh sáng đã được thiết kế cho vở diễn “Thuở ấy xứ Đoài” thì vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” không được coi là tác phẩm độc lập mà chỉ được coi là phái sinh”. Là người trực tiếp thực hiện vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” – ý kiến của anh về nội dung văn bản này là như thế nào?

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam khẳng định thế giới đã nhỏ thì thế giới của những người làm nghệ thuật còn nhỏ hơn

Là một người làm nghệ thuật, tôi rất tôn trọng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Chắc có lẽ do tôi còn trẻ và lại xa xôi, chưa có cơ hội làm việc cùng nên các cô chú chưa thương tôi. Với những người nghệ sĩ cảm xúc dạt dào, đôi lúc có thể để tình cảm xao động đến những nhận định, dù có thể nhận định chỉ mang tính chất tham khảo. Một nhận định có thể làm công chúng và khán giả quốc tế nhìn nhận sai về vở diễn mà đáng ra là niềm tự hào của người làm du lịch, văn hóa.

Tôi hy vọng tôi và các cô chú sẽ có cơ hội xem “Tinh hoa Bắc Bộ” cùng nhau và ngồi lại với Tuần Châu để lắng nghe từ 3 bên để thấy “Tinh hoa Bắc Bộ” thật sự là một tác phẩm độc lập để các cô chú có thể có một cái nhìn toàn cảnh và khách quan hơn.

- Nếu biết trước có ngày đưa nhau ra tòa thì anh có cùng Tuần Châu thực hiện vở diễn “Tinh Hoa Bắc Bộ” không?

Nếu biết trước điều này với tính cách của tôi thì tôi sẽ cố gắng để làm sao các bên không phải đưa nhau ra tòa, bởi lẽ dù thắng hay thua thì tất cả 3 bên đều tổn thương và mất mát. Điều mất nhiều nhất đó là trí óc của những người nghệ sĩ thay vì phải tâm tư và sáng tạo cho nghệ thuật thì phải đi tranh tụng với nhau, thế giới vốn đã nhỏ thì thế giới của những người làm nghệ thuật còn nhỏ hơn, có ngày rồi cũng chạm mặt nhau, vết thương nghề nghiệp bao giờ sẽ lành sau những công kích nhau như thế này.

Một cảnh trong vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ

- Là một người làm nghệ thuật lâu năm với bề dày kinh nghiệm và đã tổ chức nhiều chương trình lớn, có tiếng, vụ kiện lần này có ảnh hưởng như thế nào đến anh về công việc và cuộc sống?

Ảnh hưởng lớn nhất là trực tiếp đến tác phẩm “Tinh hoa Bắc Bộ” mà tôi, Tuần Châu và cả ekip đã đổ mồ hôi nước mắt cùng tâm sức để thực hiện, ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh chân chính đã tốn rất nhiều tiền của để làm văn hóa du lịch.

Thông tin nhiễu sẽ khiến khán giả hiểu sai và đánh giá lệch lạc công sức của tôi và ekip khi nói đến vở diễn này, đó là điều làm tôi buồn nhất! Nhưng cũng dễ hiểu, giống như một câu chuyện tình người của quá khứ và người hiện tại. Tôi hiểu những nỗi lòng của một người yêu cũ.

Ngoài ra, công việc của tôi vẫn diễn ra bình thường, các dự án, chương trình khác mà tôi làm vẫn diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Tôi vẫn làm nghề và đã khẳng định được vị thế của mình bằng các dấu ấn có thật mà công chúng dễ dàng nhìn thấy.

- Sau tất cả những ồn ào, anh nghĩ tương lai vở diễn sẽ như thế nào?

Tôi chỉ mong mọi ồn ào sẽ sớm được khép lại, mọi giá trị nên được trả về đúng với nơi nó được sinh ra. Đạo diễn Việt Tú là một người lâu năm trong nghề. Đã là đạo diễn đều là những người say mê nghệ thuật những tâm tư nên dành cho các tác phẩm nhiều hơn là chuyện kiện tụng.

Cả tác phẩm "Ngày xưa" (Thuở ấy xứ Đoài)“Tinh hoa Bắc Bộ” đều là những tác phẩm nhân văn, nhưng tác phẩm “Ngày xưa” là chuyện trước khi nhà đầu tư mời tôi xây dựng vở mới, và tác phẩm “Tinh hoa Bắc Bộ” là của hiện tại, đang sống, đang sáng đèn hàng đêm, hoàn toàn độc lập.

Thời gian có thể làm người ta quên đi những gì bạn làm cho họ nhưng không thể nào quên đi cảm xúc mà bạn mang lại. Dù là quá khứ hay tương lai, với những tâm huyết đã đổ vào ''Tinh hoa Bắc Bộ'', tôi tin vở diễn sẽ sống mãi, vẫn đêm đêm len vào giấc mơ của mỗi người những ánh trăng soi, những câu vè của đám trẻ, những cô gái xuân thì lay người nhè nhẹ bên cành sen.

- Cảm ơn anh về những chia sẻ.

Văn bản của Hội nghệ sĩ không có giá trị pháp lý?

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn Tuấn - Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM chỉ rõ Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL, giám định quyền tác giả là một phần của giám định về sở hữu trí tuệ và được định nghĩa như sau: "Giám định quyền tác giả, quyền liên quan là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định".

“Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 4 giám định viên có thẩm quyền thực hiện giám định quyền tác giả và cũng chỉ mới có duy nhất một tổ chức là Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan (Expertise Center of Copyright, Related Rights – ECCR), trực thuộc Cục Bản quyền tác giả, được thành lập theo quyết định số 1981/QĐ-BVHTTLD ngày 3.6.2016, là có đủ thẩm quyền thực hiện hoạt động giám định này.

Và cho dù các thành viên của Hội có là các cá nhân "có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp cao" như thế nào, nếu không phải là giám định viên được cấp Thẻ giám định thì cũng không thể và không có thẩm quyền thực hiện việc giám định này.

Vì tất cả những lẽ trên, có thể kết luận, văn bản gửi Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội của Hội Nghệ sĩ hoàn toàn không mang giá trị pháp lý của một văn bản giám định quyền tác giả theo quy định tại Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL. Do đó, không thể xem đây là một kết luận giám định để làm nguồn chứng cứ giải quyết tranh chấp giữa Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS", Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP. HCM nhận định.

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/dao-dien-hoang-nhat-nam-toi-mong-vu-kien-tinh-hoa-bac-bo-som-duoc-khep-lai-109191.html