Đạo diễn Connie Field: 'Tôi từng tham gia phong trào phản chiến ở Mỹ trong 7 năm'

Trong hai ngày 18-19.3, bộ phim tài liệu 'The Whistle Blower of My Lai' (Người thức tỉnh Mỹ Lai) do nữ đạo diễn người Mỹ là Connie Field được công chiếu ở Idecaf và Cà phê Văn hóa thứ bảy (TPHCM).

Bộ phim gây xúc động và bàng hoàng cho người xem vì “không phải là một cuộc chiến giữa hai phe mà là một trạng thái dày vò, phản ánh cái xấu và cái tốt trong bản thân mỗi con người”. Và nó cũng là sự thức tỉnh của cả nước Mỹ sau lời tố giác về tội ác của quân đội ở Mỹ Lai mà mãi nhiều năm sau, Hugh Thompson - người nói lên sự thật - mới được công nhận là anh hùng.

Đạo diễn Connie Field trong buổi giao lưu. Ảnh: T.H

Tiếng vọng cảm xúc của một thế hệ

Khác với các bộ phim tài liệu xoay quanh một vụ thảm sát, “Người thức tỉnh Mỹ Lai” lại được nhìn nhận ở góc độ của một đạo diễn đang dựng lại vở nhạc kịch về bi kịch chiến tranh và ở góc độ tâm lý bị tổn thương sâu sắc của chuẩn úy Hugh Thompson - người đã bị xem là một kẻ phản bội khi quyết định ngăn cản và lên tiếng tố cáo tội ác này.

Bộ phim là tiếng vọng đầy cảm xúc buồn đau với những người đã sống qua những năm 1960 và là một trải nghiệm sâu sắc với thế hệ trẻ.

Âm nhạc là sợi dây xuyên suốt bộ phim, khi các nghệ sĩ của nhóm tứ tấu Kronos cùng ca sĩ opera nổi tiếng Rinde Eckert-on và nghệ sĩ đàn T’rưng Việt Nam Võ Vân Ánh (hiện đang sống tại San Francisco) bắt đầu tham gia vở nhạc kịch. Âm thanh và cảm xúc dồn nén, trầm đục, đau thương, mất mát, ân hận… sự độc thoại giận dữ của từng nhạc cụ, đặc biệt là tiếng đàn t’rưng và âm thanh của chiếc cồng làm bằng vỏ đạn Mỹ. Trỗi lên giữa dòng âm thanh đó là giọng hát của Rinde Eckert-on khi nói về nỗi day dứt, đau đớn của Hugh Thompson khi đang bay trên trực thăng bỗng nhiên nhận thấy cả một con mương dài đầy xác người và quyết tâm hạ cánh để tìm hiểu sự việc. Sau những khuôn hình đầy xác người chết, trong đó có trẻ con, phụ nữ, người già và thậm chí cả trẻ sơ sinh, bỗng cất lên giọng nam trung thương xót...

“Tôi luôn muốn bay lên như một chú chim, nhưng họ thì không còn cơ hội bay lên. Đại dương long lanh, cánh đồng tỏa sáng, khi hạ cánh vào chốn hỗn mang, ta phải ngăn chặn việc này, hãy bắn tan xác chúng, bắn tan xác bọn lính ấy, thật nhục nhã khi chúng ta bị cuốn vào hành động khiến thế giới từ đây đổi thay mãi mãi…”.

Trên thực tế, sau khi bàn bạc với 2 người đồng đội của mình, Hugh Thompson đã hạ cánh và sẵn sàng chỉa súng vào những người cùng phe để ngăn chặn vụ thảm sát và đưa những người bị thương đi cấp cứu. Khi về Mỹ, anh lại tiếp tục lên tiếng về tội ác của quân đội Mỹ ở Mỹ Lai và đã chịu mang tiếng là kẻ phản bội, bị thẩm vấn, tra hỏi và cuộc sống hoàn toàn bị xáo trộn. Một thời gian sau, chính phủ Mỹ mới thừa nhận có vụ thảm sát và trao tặng cho Hugh danh hiệu anh hùng cùng người đồng đội của anh. Hơn thế, tất cả những hình ảnh về thảm kịch Mỹ Lai chỉ do nhà báo Mỹ duy nhất có mặt tại sự kiện 16.3.1968 chụp lại và lẽ ra đã bị xóa sạch nếu Thompson im lặng.

Vẫn là hình ảnh đau thương của Mỹ Lai nhưng còn có vẻ đẹp của lòng can đảm, khi người lính chấp nhận trả giá để nói lên sự thật cho cả thế giới được biết. Bộ phim là tiếng vọng của tâm hồn người trong cuộc, chứng kiến cảnh giết chóc, tự hỏi mình có nên lên tiếng hay không và cuối cùng là sự bừng tỉnh của lương tâm để trở thành “người thổi còi”, tố giác tội ác ở Mỹ Lai, gây bàng hoàng cả nước Mỹ.

Thức tỉnh lương tâm người Mỹ

Đạo diễn Connie Field - người từng đoạt nhiều giải thưởng lớn ở Mỹ và quốc tế - rất giỏi khi dồn xếp và tiết chế các sự kiện nhiều lớp lang trong bộ phim ngồn ngộn tư liệu thành một xâu chuỗi hình ảnh mang tính ước lệ và nhân văn.

Thông điệp của bà trong bộ phim này là đưa đến cho giới trẻ cái nhìn về lương tri của con người, sự lựa chọn trong khoảnh khắc sinh tử để trở thành biểu tượng của sự tỉnh thức lương tâm nước Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam.

“Khi nhà soạn nhạc Jonathan Berger còn trẻ, ông đã biết đến câu chuyện Mỹ Lai, và cuộc đời ông đã thay đổi từ đó. Đó là bước ngoặt khiến nhiều người như ông tham gia phong trào phản chiến ở Mỹ. Bản thân tôi từng tham gia phong trào phản chiến 7 năm. Với những người như tôi, sự kiện Mỹ Lai đã tạo nền tảng xây dựng nên nhân cách cho bản thân và giới trẻ cũng như đưa đến sự hiểu biết về chính trị đối với chính phủ Mỹ. Thông qua vở nhạc kịch, nhà soạn nhạc muốn hé mở cho người ta thấy phần tốt nhất và xấu nhất trong mỗi con người. Tôi đã tham gia cùng ông trong quá trình hình thành kịch bản vở nhạc kịch. Điều thú vị trong quá trình làm phim của tôi là khi ta đặt câu chuyện thứ nhất bên cạnh câu chuyện thứ hai thì sẽ nảy sinh một câu chuyện thứ ba” - Connie Field chia sẻ.

Sau 2 buổi chiếu tại TPHCM, “The Whistleblower of Mỹ Lai” sẽ có thêm buổi chiếu ngày 29.3 tại Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) với giá vé 150.000đ/người và giới hạn số người xem. Ngoài ra, còn một buổi chiếu cho các cựu binh Mỹ tại Hà Nội. Đây là những suất chiếu đầu tiên trên thế giới và cũng là bản đầu tiên có phụ đề tiếng Việt.

MINH THI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/dao-dien-connie-field-toi-tung-tham-gia-phong-trao-phan-chien-o-my-trong-7-nam-596811.ldo