Đào cổ mộ, nghe xương khô 'kể chuyện' sang hèn từ thời… đồ đá

Cuộc khai quật khu cổ mộ 6.600 năm tuổi ở Ba Lan giúp các nhà nghiên cứu lịch sử tìm thấy những dấu tích chứng tỏ hố sâu giàu nghèo xuất hiện sớm hơn chúng ta thường nghĩ rất nhiều.

Chôn cất "xa hoa" thời đồ đá

Tờ Daily Mail mới đây cho biết, qua nghiên cứu kết quả của một cuộc khai quật cổ mộ ở ngôi làng tiền sử Oslonski, Ba Lan, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các dấu tích chứng tỏ sự phân hóa giàu nghèo đã xuất hiện từ khoảng 6.600 năm trước, trong giai đoạn đầu của thời kỳ đồ đá mới.

Cụ thể các nhà khảo cổ tìm thấy 1/4 trong tổng số 30 hài cốt ở khu cổ mộ, được chôn cùng các trang sức như vòng tay, khuyên tai bằng đồng hoặc vỏ sò, xương hay nhung. Số đồ tùy táng này đặt ra giả thuyết chủ nhân của các ngôi mộ là "đại gia" ở thời của họ.

Trong số các đồ trang sức bằng đồng tìm thấy trong mộ có 50 dây đồng, 200 chiếc vòng hạt, 5 mặt dây chuyền và 1 chiếc vương miện. Cũng cần phải nói thêm rằng, đồng ở thời kỳ này cực kỳ giá trị vì nó chỉ có thể được khai thác ở khu vực cách xa Oslonski hàng trăm km.

Tất nhiên, những cổ vật trong nghĩa trang tại thị trấn Osłonski chưa đủ để đưa ra kết luận về chênh lệch giàu nghèo xuất hiện từ rất sớm.

 Hài cốt trong một ngôi mộ có nhiều đồ trang sức tại khu cổ mộ ở Oslonski (Ba Lan).

Hài cốt trong một ngôi mộ có nhiều đồ trang sức tại khu cổ mộ ở Oslonski (Ba Lan).

Bản vẽ những cổ vật bằng đồng được tìm thấy trong ngôi mộ cổ ở Ba Lan.

Để tiếp tục khám phá bí ẩn về sự phân chia giàu nghèo, một nhóm nghiên cứu gồm những nhà khoa học trên toàn thế giới, dưới sự chỉ đạo của tiến sĩ Chelsea Budd từ Đại học Umea (Thụy Điển), đã thực hiện phân tích đồng vị nitơ và carbon đối với 30 hài cốt kể trên, để xác định chuỗi thức ăn của họ.

Kết quả cho thấy, nhóm người kể trên trong độ tuổi từ 18 đến 45, và sống cách nhau khoảng 200 năm.

Đáng chú ý, những hài cốt được chôn cùng món đồ trang sức đẹp đẽ có hàm lượng đồng vị carbon cao bất thường, và tương đồng với hàm lượng trong xương gia súc được tìm thấy ở cùng khu vực vào thời kỳ đó.

Điều này cho thấy khi còn sống, những người này có chế ăn uống cao cấp hơn với sữa và thịt gia súc ở địa phương.

Hàm lượng đồng vị carbon cao ở gia súc cũng chứng tỏ chúng chăn thả trên cánh đồng rộng lớn có nhiều ánh nắng. Từ đó, nhóm nghiên cứu cũng suy đoán, khi còn sống, chủ nhân của những ngôi mộ có đồ tùy táng bằng đồng, sở hữu đất đai rộng lớn để chăn nuôi, canh tác.

Giáo sư Peter Bogucki từ đại học Princeton, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Những bằng chứng được tìm thấy ở Oslonski cho thấy rõ ràng sự liên quan mật thiết giữa những món trang sức bằng đồng – một vật liệu đặc biệt chỉ có thể được nhập từ một nơi rất xa, và chế độ ăn uống cao cấp của những người cổ đại này.”

Kết quả nghiên cứu kể trên củng cố nhận định về sự phân hóa giàu nghèo tại Oslonski từ thời kỳ đồ đá.

Người giàu càng giàu

Trong bài báo cáo được xuất bản trên tạp chí khoa học Anquity đầu tháng 8 năm nay, các nhà khảo cổ cho rằng sự phân hóa giàu nghèo này xuất phát từ việc sở hữu và thừa kế đất canh tác. Những người đầu tiên đặt chân đến Oslonski có lẽ đã chiếm hết những khu đất tốt nhất trong làng và sau đó truyền lại cho con cháu đời sau của họ, giúp cho người giàu ngày càng thêm giàu.

Ngược lại, chính việc này đã khiến cho những người yếu thế và chậm chân hơn không có đất canh tác, và càng thêm thiếu thốn.

Ngoài ra, việc sở hữu nhiều món đồ quý giá bằng đồng giúp người giàu chiếm được vị thế cao hơn trong xã hội cổ đại, cũng như giúp họ mở rộng nhiều mối quan hệ làm ăn.

Khu vực Oslonski - nơi tìm ra những bằng chứng đầu tiên về phân chia giàu nghèo thời kì đồ đá

Ngôi làng tiền sử Oslonski cách thành phố Bydgoszcz (Ba Lan) ngày nay khoảng 60 dặm. Các cuộc khai quật đã phát lộ ngôi làng. Theo các nhà khảo cổ, ngôi làng này tồn tại khoảng 200 năm trước khi bị lãng quên ở khoảng thời gian 4.400 năm trước Công nguyên.

Các cuộc khai quật tại Oslonski cho thấy đây là một khu định cư lớn của những người nông dân đầu tiên, với những di tích khảo cổ được bảo quản tốt.

Theo Bảo Anh/Tiền phong

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/dao-co-mo-nghe-xuong-kho-ke-chuyen-sang-hen-tu-thoi%E2%80%A6-do-da/20201121093225115