Đảo chính ở Zimbabwe?

Một số nguồn tin cho biết Tổng thống Robert Mugabe có thể miễn cưỡng từ chức, đổi lấy lối thoát an toàn cho vợ mình

Quân đội Zimbabwe ngày 15-11 cho biết đang cầm giữ Tổng thống Robert Mugabe và nắm quyền kiểm soát quốc gia này song một mực khẳng định đây không phải cuộc đảo chính quân sự.

Gia đình tổng thống vẫn an toàn

Trong tuyên bố ngắn trên đài truyền hình quốc gia ZBC do quân đội vừa chiếm giữ đêm trước đó, người phát ngôn quân đội Zimbabwe, thiếu tướng S. B. Moyo, khẳng định ông Mugabe và gia đình vẫn an toàn. Theo đó, "sứ mệnh" của cuộc tấn công chỉ nhằm vào những "tội phạm đã gây ra nhiều tội ác phá hoại kinh tế và xã hội" xung quanh vị tổng thống 93 tuổi.

"Họ (quân đội) quyết định không gọi đây là đảo chính bởi họ biết một cuộc đảo chính sẽ không được ủng hộ, nó sẽ bị lên án" - cựu cố vấn Alex Magaisa của lãnh đạo đối lập Zimbabwe Morgan Tsvangari nói với BBC.

Xe tăng quân sự và binh sĩ tuần tra trên đường ở thủ đô Harare - Zimbabwe ngày 15-11 Ảnh: REUTERS

Xe tăng quân sự và binh sĩ tuần tra trên đường ở thủ đô Harare - Zimbabwe ngày 15-11 Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, một nguồn tin chính phủ cho biết quân đội cũng bắt giữ Bộ trưởng Tài chính Ignatius Chombo - vốn là thành viên hàng đầu của một nhóm mang tên "G40" thuộc Đảng Mặt trận Yêu nước thống nhất quốc gia châu Phi Zimbabwe (Zanu-PF) cầm quyền, do vợ ông Mugabe là bà Grace Mugabe đứng đầu.

Ngoài ra, Giám đốc Cảnh sát quốc gia Zimbabwe Augustine Chihuri cũng bị bắt giữ. Tuy nhiên, các nguồn tin đối lập nói với tờ Guardian rằng đệ nhất phu nhân Grace đang ở Namibia trong một chuyến đi công tác được sắp xếp từ trước.

Zimbabwe rơi vào hỗn loạn sau khi ông Mugabe sa thải Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa hồi tuần trước, đồng thời cáo buộc ông này âm mưu tiếm quyền.

Vị cựu phó tổng thống có biệt danh "Cá sấu" trước đó từng được coi là người kế nhiệm Tổng thống Mugabe. Việc sa thải ông này được cho là động thái nhằm mở đường cho bà Grace lên tiếp quản chiếc ghế quyền lực của chồng.

Bà Grace có khả năng được bổ nhiệm làm tân phó tổng thống Zimbabwe khi ZANU-PF dự kiến tiến hành đại hội vào tháng tới.

Trong 2 năm qua, đệ nhất phu nhân 52 tuổi liên tục mở rộng ảnh hưởng chính trị trong lúc người chồng đang giữ kỷ lục nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở châu Phi tỏ ra xuống sức. Tuy nhiên, bà Grace không được lòng người dân lẫn nhiều thành viên trong đảng cầm quyền.

Chấm dứt thanh trừng

Trước đó, tại cuộc họp báo ở trụ sở quân đội hôm 13-11, Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga - đồng minh của ông Mnangagwa - tuyên bố quân đội chuẩn bị chấm dứt các cuộc thanh trừng trong đảng của ông Mugabe. Đến rạng sáng 15-11, nhiều xe tăng và xe bọc thép quân đội đã xuất hiện quanh thủ đô Harare và Đảng Zanu-PF cầm quyền cáo buộc tướng Chiwenga phạm tội phản quốc.

Nhiều binh sĩ được triển khai tại thủ đô, nhiều tiếng nổ gây rúng động Harare và những tiếng súng được ghi nhận ở khu ngoại ô phía Bắc thủ đô, nơi Tổng thống Mugabe và một số quan chức chính phủ cư trú.

Các đại sứ quán nước ngoài, bao gồm Mỹ và Anh, thông báo đóng cửa trong ngày 15-11 và cảnh báo công dân nước mình ở yên trong nhà.

Mặc dù phía quân đội khẳng định vị lãnh đạo đã đứng đầu quốc gia này 37 năm qua vẫn an toàn song tới nay, ông chưa xuất hiện hay lên tiếng. Theo Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Tổng thống Mugabe nói ông bị cầm giữ trong nhà nhưng vẫn khỏe mạnh. Ông Zuma - hiện nắm vị trí chủ tịch Cộng đồng Phát triển Nam Phi - cho biết thông tin này sau khi cử đặc phái viên tới gặp ông Mugabe và Lực lượng Quốc phòng Zimbabwe đang nắm quyền ở Harare. Trang News24 của Nam Phi đưa tin ông Mugabe có thể miễn cưỡng từ chức để đổi lấy lối thoát an toàn cho vợ mình.

Trong một diễn biến đáng chú ý, ông Mnangagwa đã trở về Zimbabwe sáng 15-11 sau thời gian trú tạm tại Nam Phi kể từ khi bị sa thải. Guardian đưa tin nhân vật được quân đội ủng hộ này đáp máy bay về căn cứ không quân Manyame mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Theo nhận định của nhà báo Anh Jason Burke trên Guardian, bất cứ một cuộc chuyển giao quyền lực nào đưa ông Mnangagwa lên nắm quyền dường như sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước láng giềng, đặc biệt là những nước lớn nhất và giàu có nhất.

THU HẰNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dao-chinh-o-zimbabwe-20171115214838263.htm