Đảo chính ở Sudan - tin đồn hay sự thật?

Quân đội Sudan trong một cuộc họp khẩn cấp sáng sớm ngày 11/4 đã quyết định loại bỏ tất cả các chức vụ của Tổng thống Omar al-Bashir, các trợ lý của ông và bãi nhiệm chính phủ, theo cơ quan thông tấn al-Mayadeen.

Cũng theo nguồn tin của al-Mayadeen, Lực lượng vũ trang Sudan sẽ sớm tuyên bố thành lập một hội đồng quân sự để lãnh đạo đất nước trong thời kỳ chuyển tiếp, dự kiến có thể kéo dài khoảng 1 năm.

Quân đội bảo vệ tòa nhà Bộ Tổng tham mưu và Dinh tổng thống trước làn sóng những người biểu tình

Quân đội bảo vệ tòa nhà Bộ Tổng tham mưu và Dinh tổng thống trước làn sóng những người biểu tình

Kênh truyền hình Al-Arabiya cho biết, quân đội đã tổ chức bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdur Rahim Hussein, các thành viên đội bảo vệ cá nhân của tổng thống, chủ tịch đảng cầm quyền "Quốc hội" Ahmad Haroun, cũng như cựu phó tổng thống Ali Osman Taha. Sân bay quốc tế Khartoum đã đóng cửa.

Tình hình Sudan ngày càng bất ổn

Sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố cùng với sự ly khai của Nam Sudan vào năm 2011, một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc đã diễn ra tại quốc gia này. Từ giữa tháng 12/2018, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra rộng khắp, bắt đầu bằng lời kêu gọi hạ giá bánh mì, nhưng dần dần dẫn đến yêu cầu thay đổi chế độ chính trị của Tổng thống Omar al-Bashir, người đã cầm quyền trong 30 năm.

Trung tâm của các cuộc biểu tình là tổ hợp các tòa nhà của Bộ Quốc phòng ở thủ đô Khartoum, không xa dinh tổng thống. Những người biểu tình đã dựng trại ở ngay phía trước những tòa nhà này. Theo phe đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền, trong vài tháng, khoảng 60 người đã thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, vài nghìn người bị bắt và giam giữ.

Tổng thống Omar al-Bashir

Cuối tuần trước, hàng ngàn người đã xuống đường ở Khartoum và các thành phố khác, yêu cầu Tổng thống al-Bashir từ chức. Người biểu tình đã kéo đến trước tòa nhà của Bộ Tổng tham mưu và kêu gọi quân đội "đứng về phía nhân dân". Ở một số nơi của thủ đô đã diễn ra vài cuộc đấu súng giữa quân đội và những người biểu tình được một số nhân viên thuộc lực lượng an ninh hỗ trợ.

Bộ trưởng Quốc phòng Awad Ibn Auf nói rằng các lực lượng vũ trang hiểu nguyên nhân của tình trạng bất ổn, nhưng sẽ không cho phép tình hình trong nước rơi vào hỗn loạn.

Hậu quả đòn trừng phạt của Mỹ

11 người đã chết ở thủ đô Khartoum của Sudan hôm thứ Ba trong các nỗ lực của lực lượng an ninh để giải tán một cuộc biểu tình của phe đối lập chống lại nguyên thủ quốc gia hiện tại.

Theo kênh truyền hình Al-Arabiya, đề cập đến tuyên bố của Bộ Nội vụ Sudan "trong các hành động phản kháng, 6 sáu sĩ quan cảnh sát và 5 dân thường đã thiệt mạng".

Như tuyên bố trước đây của Ủy ban Trung ương các bác sĩ Sudan trên trang Facebook của mình, trong 3 ngày qua, ít nhất 21 người đã chết và 153 người bị thương ở Sudan.

Một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, cùng với nhiều yếu tố khác, dẫn đến sự gia tăng sự bất mãn phổ biến trong dân chúng kể từ sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt và cũng do mất một phần lớn doanh thu từ dầu sau khi chia tách Nam Sudan năm 2011.

Bá Thủy (Theo RT)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dao-chinh-o-sudan-tin-don-hay-su-that-532811.html