Đạo Cao Đài trong thế giới hòa hợp, hạnh phúc

Tư tưởng hòa hợp trong đạo Cao Đài đã răn dạy tín đồ của mình rằng 'Trên Thiên cung chỉ có một cha, còn dưới thế là huynh đệ đồng loại' cho nên theo Trưởng ban cai quản Thánh thất Cao Đài Thủ đô, Giáo sư Thượng Mai Thanh, tín đồ Cao Đài đi đến đâu cũng đều thấy đồng đạo của mình. Phật cũng là của mình. Chúa cũng là của mình để dạy cho nhau thấy rằng phải hòa hợp để cùng nhau xây dựng một thế giới, một càn khôn vũ trụ đại đồng hòa bình, hạnh phúc, chan hòa tình huynh đệ.

94 năm hình thành và phát triển

PV: Thưa ông, đạo Cao Đài là một tôn giáo phát sinh và phát triển tại Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX, được Nhà nước công nhận từ năm 1926. Ông có thể chia sẻ về những đóng góp của đạo Cao Đài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước?

Giáo sư Thượng Mai Thanh: Là một tôn giáo nội sinh, trải qua 94 năm hình thành và phát triển, trong cuộc kháng chiến cứu nước, các phái Cao Đài có hơn 4.000 liệt sĩ, 10.000 thương binh, 400 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều gia đình có công với cách mạng, nhiều huân, huy chương được Nhà nước trao tặng. Trong thời kỳ chống Pháp đạo Cao Đài tổ chức liên giao 12 phái để thống nhất trong khối lãnh đạo của Đảng tham gia chống Pháp. Tiêu biểu trong thời kỳ đó có Anh cả Cao Trường Phát. Khi hòa bình lập lại Anh cả cũng là Đại biểu Quốc hội đầu tiên của đạo Cao Đài. Hay như tại Hội thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo, đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương là người Anh cả của Hội thánh đã lãnh đạo Hội thánh gắn bó đồng hành cùng các cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong đó, đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương có hai người con cũng tham gia kháng chiến. Có người đã làm tới Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến. Hội thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng được Nhà nước ghi nhận thành tích và đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến. Từ khi hòa bình thống nhất đến nay, đất nước đi vào công cuộc đổi mới và xây dựng thì đồng bào đạo Cao Đài luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Đạo Cao Đài hiện có 10 Hội thánh cấp Trung ương. Trụ sở chính của Hội thánh đặt ở Bến Tre. Thánh thất Cao Đài Thủ đô trực thuộc Hội thánh Ban chỉnh đạo Bến Tre.

Tuyệt đối không sử dụng vàng mã

Với riêng Thánh thất Cao Đài Thủ đô, truyền thống phụng đạo yêu nước từ các vị tiền bối được thể hiện như thế nào trong suốt thời gian qua?

- Từ năm 1954 khi giải phóng Thủ đô, đạo Cao Đài miền Bắc, trong đó có Thánh thất Cao Đài Thủ đô cũng trở thành một tổ chức tham gia khối liên hiệp tự nguyện của MTTQ. Trong suốt quá trình đó chúng tôi luôn gắn bó, đồng hành cùng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiêu biểu như Anh lớn Đầu sư Thượng Pho Thanh Tô Văn Pho làm đại biểu HĐND quận Hai Bà Trưng nhiều khóa liên tục, Phó Chủ tịch MTTQ quận Hai Bà Trưng, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ quận Hai Bà Trưng… Ngày 23/8/1967, sau khi xả thân cứu người bị trúng bom Mỹ ở phố Huế, Đầu sư Tô Văn Pho vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xe ôtô đến đón và trao tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Thánh thất Cao Đài Thủ đô cũng luôn gắn bó với công tác xã hội thông qua các phong trào, các cuộc vận động (CVĐ) do MTTQ Việt Nam phát động. Tiêu biểu như trước đây có phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hưởng ứng, ủng hộ Tháng cao điểm Vì người nghèo và gần đây là Quỹ Vì biển đảo thân yêu, Chữ Thập đỏ… Hàng năm, Thánh thất Cao Đài luôn luôn phấn đấu ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo thông qua MTTQ. Đặc biệt, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Nông nghiệp, Bệnh viện Tâm thần, Thánh thất Cao Đài Thủ đô đã duy trì các hoạt động từ thiện từ nhiều năm nay. Ở đó, chúng tôi ủng hộ tiền, ủng hộ gạo để nấu cháo cho người nghèo và phát miễn phí tại bệnh viện. Chúng tôi làm từ thiện tùy theo điều kiện và khả năng của mình để làm. Tất cả nguồn để chúng tôi làm từ thiện đều được Thánh thất kêu gọi tín đồ tiết kiệm sinh hoạt hàng ngày. Tín đồ đạo Cao Đài vẫn thường nhắc nhở nhau: “Nếu chúng ta muốn ăn một bát phở thì hãy ăn một cái bánh mì để giành tiền đó giúp người nghèo”. Các tín đồ đạo Cao Đài chủ yếu là người lớn tuổi, sống nhờ tiền lương hưu và một số phụ thuộc vào con cháu chu cấp nên chỉ có thể làm từ thiện bằng cách tiết kiệm chi tiêu cá nhân mà thôi.

Hiện nay MTTQ các cấp cũng đã phối hợp với các tổ chức tôn giáo để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, Thánh thất Cao Đài Thủ đô cũng là tổ chức tham gia ký kết và phối hợp với quận Hai Bà Trưng và TP. Hà Nội cùng thực hiện. Các hoạt động bảo vệ môi trường được Thánh thất Cao Đài Thủ đô tuyên truyền thông qua ngày lễ, Tết, đồng thời vận động bà con giữ gìn vệ sinh của từng gia đình. Tham gia hoạt động tổng vệ sinh ở khu dân cư, giảm thiểu tiết kiệm, không sử dụng bếp than tổ ong, không sử dụng chất độc, chất cấm trong chăn nuôi, chế biến đồ ăn. Còn ở gia đình, các tín đồ phải tiết kiệm năng lượng điện, nhất là tích cực và khuyến khích ăn chay vì ăn chay cũng là bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khoảng 2 tháng trở lại đây, Thánh thất Cao Đài cũng đã vận động tín đồ hạn chế sử dụng túi nilon. Kể cả hàng ngày chúng tôi dâng hương cũng dùng hương đã được đảm bảo, hương sạch có chứng nhận, còn vàng mã tuyệt đối Thánh thất không sử dụng.

Trưởng ban cai quản Thánh thất Cao Đài Thủ đô, Giáo sư Thượng Mai Thanh.

Trưởng ban cai quản Thánh thất Cao Đài Thủ đô, Giáo sư Thượng Mai Thanh.

Hòa hợp để dựng xây

Hiện nay theo thống kê cả nước có khoảng 2,5 triệu tín đồ, còn riêng ở Thánh thất Cao Đài Thủ đô thì có 174 tín đồ. Tôn chỉ mục đích của đạo Cao Đài viết rất ngắn gọn đó là “Quy tam giáo, hiệp nhất ngũ chi”, ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của tôn chỉ này?

- Tại sao là “Quy tam giáo”, tại sao là “hiệp nhất ngũ chi” bởi vì đạo Cao Đài là tôn giáo mới, phát sinh và phát triển ở miền nam Việt Nam mà kỳ này gọi là Đại đạo tam kỳ phổ độ, tức là kỳ phổ độ thứ ba. Kỳ phổ độ này giáo chủ chính thức là Thượng hoàng Ngọc đế và nhân gian mình thường gọi là Ông Trời. Ông Trời làm giáo chủ để dạy đạo Cao Đài. Ông Trời cho rằng, trước đây xã hội loài người hình thành ở trên quả địa cầu nền văn minh vật chất còn khiêm tốn. Tại các châu lục gồm: châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ nền văn minh chưa phát triển, buộc đức Thượng đế là Ông Trời, đấng tái tạo phải cử Phật Thích Ca xuống vùng châu Á để mở ra đạo Phật để dạy dỗ nhân sanh vùng châu Á. Còn ở vùng châu Âu, Ông Trời lại sai Chúa Jesus xuống dạy dỗ nhân sanh vùng châu Âu. Vùng Trung Đông thì lại sai Thánh Ala xuống. Mặc dù tên gọi khác nhau nhưng đây đều là thiên sứ tối cao, tối linh xuống trần gian.

Vì nhiều lý do, trước đây các quốc gia, các châu lục không thông thương nhau, nên phải có rất nhiều tôn giáo ra đời ở từng thời điểm, từng thời gian để dẫn dắt nhân sanh. Nhưng xã hội loài người ngày càng phát triển, văn minh tiến bộ, con người bắt đầu tìm ra châu Mỹ, châu Á và bắt đầu tìm ra con đường để thông thương với nhau, do đó, cư dân ở các châu lục, các quốc gia đi lại, đan xen nhau, mang tôn giáo, tín ngưỡng của mình đi. Người châu Á khi đến châu Âu thì lại mang nền tôn giáo của mình sang đó. Người châu Âu khi đến châu Á lại mang tôn giáo của mình theo. Tuy nhiên, do nhận thức của con người còn hạn hẹp nên khi giao thoa tôn giáo, nhiều người không chấp nhận tín ngưỡng của nhau nên dẫn tới sự đối kháng về tư tưởng, mâu thuẫn tín ngưỡng, mâu thuẫn tôn giáo. Đứng trước bối cảnh này, cần thiết phải có một tôn giáo mới để hướng dẫn cho nhân loại hiểu được chân lý, đó là tất cả chỉ chung một Thượng đế - đạo Cao Đài của Ngọc hoàng Thượng đế đã được ra đời từ năm 1926 là bởi ý nghĩa đó.

Vậy có sự tương đồng giữa đạo Cao Đài với các tôn giáo khác tại Việt Nam, thưa ông?

- Đạo Cao Đài ra đời với mục đích hợp nhất tinh túy 3 nền tôn giáo gần gũi với Việt Nam đó là: Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo. Đây là 3 tôn giáo đã đồng hành, đồng nguyên với chúng ta từ rất lâu, dựa trên tinh túy của 3 nền tôn giáo đó để đưa vào học thuyết của đạo Cao Đài. Tín đồ theo đạo Cao Đài cũng phải học giáo lý của Phật, giáo lý của Chúa, giáo lý của Khổng Tử để áp dụng vào con đường tu hành của mình. Đạo Cao Đài nhìn nhận tất cả các tôn giáo đều là anh em, đều là con chung của Thượng đế. Như vậy, người Á, người Âu, người Phi, người Mỹ không khác nhau, đều chung một Ông Trời là cha linh hồn của mình, do đó, trong tâm khảm, giáo lý của đạo Cao Đài dạy con người tư tưởng hết sức hòa hợp, nhìn đâu cũng thấy người nhà của mình, cho nên đạo Cao Đài thờ Phật, thờ Chúa, thờ Khổng tử, Lão tử. Tất cả những vị được tôn vinh là giáo chủ của các tôn giáo thì đều được thờ phụng và được học tập trong đạo Cao Đài.

Đạo Cao Đài răn dạy tín đồ của mình: “Trên Thiên cung chỉ có một cha, còn dưới thế là huynh đệ đồng loại” cho nên đi đến đâu cũng đều thấy nó là của mình. Phật cũng là của mình. Chúa cũng là của mình để dạy cho nhau thấy rằng phải hòa hợp để cùng nhau xây dựng một thế giới, một càn khôn vũ trụ đại đồng để hòa bình, để hạnh phúc, coi nhau là huynh đệ. Đó là tôn chỉ, mục đích của đạo Cao Đài.

Con đường đi đến tuyệt khổ

Được biết, đạo Cao Đài lấy “Hiệp ngũ chi” làm căn bản và thấy rằng tất cả các tôn giáo ở loài người đều nằm trong 5 hệ thống đó là: Nhân đạo, thần đạo, thánh đạo, tiên đạo và phật đạo. Vậy “Hiệp ngũ chi” phải được hiểu như thế nào cho đúng, thưa ông?

- Đạo Cao Đài chỉ ra việc tu tiến phải đi qua 5 nấc thang tiến hóa. Nếu con người bình thường mà tiến hóa hơn người khác thì người đó có phẩm thần ở trong người. Làm tròn bổn phận của công dân, tròn bổn phận của con cháu thì người đó đã tròn phẩm người, trọn phận đạo làm người. Do đó, người gọi là Tùng khổ. Tùng khổ gọi là nhơn đạo. Thắng khổ là thần đạo. Thọ khổ là Thánh đạo. Giải khổ là Tiên đạo. Thoát khổ là Phật đạo và cho tới đạo Cao Đài của Ngọc hoàng Thượng đế là Tuyệt khổ.

Tùng khổ, là người thì phải Tùng làm theo khuôn mẫu gia đình, nghĩa vụ chồng con, anh em thì phải Tùng. Tùng được cái đó là nhơn đạo.

Thắng khổ, tức là có ý chí vươn lên thoát khổ. Trong một gia đình làm tròn bổn phận của một người cha, người mẹ nhưng có ý chí phấn đấu để gia đình mình sung sướng hơn, ấm no hơn, hạnh phúc hơn thì lúc đó đã có thần đạo. Trong cuộc sống này khi ai đó giúp mình chiến thắng cái khổ, động viên người khác khi họ khổ đau thì người đó đang làm việc của một ông thần. Đời là bể khổ nhưng đã chiến thắng cái khổ, không bị bi lụy thì người đó đang thực hiện thần đạo.

Thọ khổ là người đó sẵn sàng nhận cái khổ về mình. Thọ là mình chịu khổ giống như Chúa Jesu giang tay chịu đóng đinh trên cây thánh giá để mua chuộc tội lỗi cho loài người cho nên Chúa mới được tôn thờ như vậy.

Đến Tiên thì dạy thoát khổ. Làm cho người ta không bị khổ nữa. Mang hết tâm niệm của mình để giúp người khác thoát khổ là phẩm Tiên, theo tinh thần của ông Tiên dạy. Tiên không ở đâu xa mà Tiên chính trong tâm hồn của mình.

Phật dạy phải giải khổ (thoát khổ). Khi một ai đó đang khổ đau, chúng ta tìm đến động viên tinh thần để họ giải khổ, không thấy khổ nữa, thấy yên vui, tĩnh tại trong lòng, đó là tư tưởng của Phật.

Con người mình luôn luôn phấn đấu theo 5 ngũ chi đó, rồi đến Cao Đài là tuyệt khổ, làm gì còn vướng mắc nữa mà khổ đau. Tất cả đều hòa hợp, năm châu, bốn bể yên vui thì tuyệt khổ. 5 ngũ chi hay còn gọi là 5 bậc để xác định cho mỗi một bậc có một đòi hỏi cao hơn, ông thoát khổ là chỉ một mình ông, nhưng ông thọ khổ là ông đã chia sẻ với mọi người, nhận khổ về mình... Đó là chủ nghĩa, tư tưởng của

Đạo Cao Đài chúng tôi, nếu thấm nhuần và hiểu như vậy thì các tín đồ luôn an vui.

Các tín đồ Thánh thất Cao Đài Thủ đô tổ chức ăn chay vào ngày
30 âm lịch hàng tháng.

Chỉ có yêu thương

Thưa ông, với cương vị Trưởng ban cai quản Thánh thất Cao Đài Thủ đô, phương châm tâm đắc trên con đường hành đạo của ông là gì?

- Có một điều tất cả tín đồ theo đạo Cao Đài phải thấm nhuần lời dạy của bài Thánh giáo thương yêu của Đức Ngọc hoàng Thượng đế dạy: Thầy (Trời) là Cha của sự yêu thương, ai có yêu thương thì là người có ông Trời trong mình. Nếu các con không đủ sức thương nhau, thì cũng chẳng đặng phép ghét nhau. Nghĩa là khi mang đến lời động viên để khuyên nhủ một người nào đó, mà họ không chịu nghe thì hãy cứ để người ta dần dần kiểm điểm chứ đừng ghét, không bao giờ nói lời “Tôi ghét anh, tôi thù anh”, nói thế là mất hết tình thương yêu của ông Trời. Ông Trời chỉ dạy thương yêu, ai có thương yêu là có tính Trời trong con người mình. Và nếu không đủ sức thương yêu thì cũng đừng có ghét, đấy là lời của Đức Ngọc hoàng Thượng đế dạy cho mỗi tín đồ đạo Cao Đài thấm nhuần. Khi thấm nhuần thì tín đồ sẵn sàng cởi mở hết tâm tư, tình cảm của mình để luôn luôn phấn đấu chỉ có thương mà không có ghét.

Và đạo Cao Đài dắt con người đến trường học để tiến hóa hơn so với thực thể, khi bước chân vào đạo với mục đích hy vọng rằng sẽ có một cuộc sống tiến hóa hơn so với cuộc sống thực tại ở tương lai. Chúng tôi tin rằng, nếu chúng tôi thực hiện tốt thì chúng tôi sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn sau đó. Vì vậy, ông Trời có dạy rằng: con người sống không có mục tiêu thì rất dễ bị hòa nhập vào thực thể này mà không có ý chí phấn đấu. Do đó, chúng tôi luôn xác định, phải có mục tiêu trở thành con người tiến hóa hơn, để chúng tôi có tương lai tươi sáng hơn.

Đức tin chân chính

Đạo Cao Đài quan niệm: Con người có mối tương quan với vũ trụ, với Thượng Đế và với con người xã hội. Do đó, tín đồ xuất gia tu hành nhưng vẫn nhận thức bản thân là một phần tử của xã hội, phải có trách nhiệm góp phần xây dựng xã hội. Đạo Cao Đài có tinh thần dân tộc, ý thức tự lập, tự cường và sẵn sàng đón nhận cái mới của xã hội. Ông truyền dạy những vấn đề này như thế nào tới các tín đồ?

- Khi giảng đạo, chúng tôi luôn mang đến sự lan tỏa và để làm sao tín đồ có đức tin một cách chân chính, khoa học chứ không phải đức tin theo mê tín dị đoan. Ông Trời cho con người xuống trần làm người để học hỏi, tiến hóa, chúng tôi luôn luôn giảng giải cho tín đồ hiểu là không phải Trời cho con người xuống trần để thụ hưởng, cũng không phải để van xin. Ông Trời chỉ dạy con người con đường tiến hóa, tất cả những cái đó được quy định bằng Luật lệ, bằng Ngũ giới cấm, bằng Tứ đại điều quy, bằng các luật lệ hằng ngày để tín đồ thực hiện. Nếu thực hiện được thì tín đồ sẽ được trở về để hội hiệp với ông Trời. Cho nên tín đồ phải từ bỏ ham muốn về vật chất để phấn đấu nuôi dưỡng cho linh hồn của mình phát triển. Đây là một trường thi công quả để cho con người học hỏi để được trở về... Chúng tôi luôn khuyên bà con như vậy.

Ăn chay để bảo vệ môi trường

Với đạo Cao Đài, việc thực hiện ăn chay đã được nâng lên thành Luật đạo? Bên cạnh đó, quy củ, tổ chức, Luật lệ của đạo Cao Đài cũng rất khắt khe, ông có thể chia sẻ điều này?

- Khi nhập môn đạo Cao Đài, tín đồ đã phải ăn chay 6 ngày trong tháng, người chức việc ăn chay 10 ngày/ tháng, phẩm lễ sanh - phẩm đầu tiên của chức sắc là ăn ngay 16 ngày/ tháng, từ phẩm giáo hữu trở lên là chức sắc rồi thì phải trường chay. Vừa rồi chúng tôi tổ chức, mỗi tháng ngày 30 âm lịch, chúng tôi nấu bún riêu chay để làm từ thiện mời mọi người có thể đến ăn, để đưa ăn chay đến gần sinh hoạt hằng ngày hơn, thông qua đó chúng tôi muốn giới thiệu cho mọi người ăn chay vẫn ngon, ăn chay vẫn rất hấp dẫn và ăn chay lợi về sức khỏe, bảo vệ môi trường. Tôi khẳng định ăn chay góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rất nhiều.

Về Luật lệ, ai muốn vào đạo Cao Đài phải thực hiện 6 ngày ăn chay/ tháng, về Thánh thất dự lễ 2 ngày rằm và mùng 1, ngoài ra còn các ngày lễ kỷ niệm. Việc đi đến Thánh thất của đạo Cao Đài dự lễ cũng có giờ quy định, mỗi ngày chúng tôi có tứ thời là 4 giờ để cúng hằng ngày. Ban sáng vào giờ Mão từ 5-7 giờ sáng; giờ Ngọ là 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều; giờ Dậu là từ 17 giờ đến 19 giờ; giờ Tý là từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau. Như vậy cúng lễ của đạo Cao Đài chỉ nằm trong những giờ đó, vì vậy người muốn dự phải có đức tin lớn và sự nỗ lực lớn mới thực hiện được nhiệm vụ của người tín đồ.

Nhiều người nghe chúng tôi nói về đạo Cao Đài thì thích lắm bởi chân lý sáng tỏ, con đường tu rất chân chính, nhưng để thực hiện lại là cả vấn đề. Khi đã thấm nhuần đạo Cao Đài rất ít người bỏ, bởi người ta đã có niềm tin thì ít tín đồ bỏ dở chừng. Khi muốn nhập môn đạo Cao Đài người đó phải có quá trình tìm hiểu rồi thấy hợp với tư tưởng thì lúc đó mới theo chứ không nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Bởi đạo Cao Đài chúng tôi cực kỳ kiêng kỵ khi đã nhập môn là có lòng hai, nghĩa là thay đổi. Cùng với đó, đạo Cao Đài luôn thực hiện đúng Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo, tự do tín ngưỡng đó là quyền của mỗi người khi người ta tìm đến đức tin của riêng mình. Và chỉ những người đã nhập môn mới được coi là tín đồ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hải Nhi - Nguyễn Phượng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/dao-cao-dai-trong-the-gioi-hoa-hop-hanh-phuc-tintuc453435