'Dạo bước' trong thiên nhiên và chính trị

Đã có một lịch sử 'dạo bước' đầy trầm tư và bay bổng của các triết gia, thi sĩ, các nhà du hành được làm cho trở nên cô đọng và đầy sống động trong cuốn sách: Dạo bước (nhan đề gốc:Walking. Trần Hoàng Thư dịch; Domino Books & NXB Đà Nẵng, 2019; 98 trang).

Henry David Thoreau tụng ca nghệ thuật dạo bước, xa hơn, là đề cao một tinh thần nhàn tản hòa mình vào thiên nhiên, suối nguồn của tâm thái sống hòa bình. Dạo bước như thi phẩm tuyệt diệu cho những tâm hồn rộng mở, tự do, phóng khoáng, không tách rời Mẹ Thiên nhiên.

Cá nhân tác giả không giấu được tiếng gọi của núi rừng miềng Tây hoang dã [nước Mỹ] gọi mời. Và trong sự cực đoan công khai ở đầu cuốn sách, ông mong miền Đất Thánh, là Mẹ Thiên nhiên được trở về trong đời sống nhân loại diễn trình văn minh hãnh tiến và mỏi mệt. Và đây là thông điệp phản tỉnh:

“Ngày nay hầu như tất cả tiến bộ của nhân loại, như người ta vẫn nói, như việc cây dựng nhà cửa, đốn hạ rừng và tất cả những cây to, đơn giản là làm phong cảnh xấu đi, làm cho nó càng vô vị và tẻ nhạt.” (trang 33).

“Trong quan hệ với Tự nhiên, tôi thấy con người nhiều khi – dù nghệ thuật của họ có như thế nào – chưa bằng loài vật. Thường không đẹp bằng loài vật.” (trang 87).

Những trang sách mỏng đánh thức trong bạn một miền Đất Thánh mà có thể từ lâu, bạn thèm khát nhưng bỏ mặc, quay lưng, hoặc tệ hơn: không còn nhớ. Dạo bước không chỉ là nhận thức lại, mà cần thực hành.

Nhưng có thể gặp một Henry David Thoreau quyết liệt, chính trực trong vấn đề xã hội ở tiểu luận Bất phục tùng (nhan đề gốc: Civil Disobedience, Phạm Nguyên Trường dịch, Domino Books & NXB Đà Nẵng, 2019; 74 trang) – tác phẩm được viết sau khi ông bị bỏ tù một đêm vì từ chống đóng thuế, phản ứng với chính phủ Mỹ về cuộc chiến tranh Mexico và chế độ nô lệ trên đất nước mình.

Phần hay nhất của tiểu luận này có lẽ là những trang viết cho thấy sự phản kháng “làm màu”, “thủ tục” đầy phép “thắng lợi tinh thần” của giới trí thức, thực chất là phục tùng và tự lừa mị.

Nếu Dạo bước cho thấy một lý tưởng hòa hợp với tự nhiên, thì Bất phục tùng cho thấy một lý tưởng về đời sống tương quan xã hội mà ở đó, con người thực sự được tự do, không có cai trị áp đặt, không có nhà tù (để kềm hãm người công chính). Ở đó, cá nhân là một con người trước khi là một công dân, đoàn thể có lương tâm thay cho những đoàn thể nô dịch cho ý chí người có quyền…

Không cực đoan tới mức kêu gọi giải tán chính phủ, nhưng nhà văn, triết gia Henry David Thoreau cho rằng phải tạo ra một thứ chính phủ đúng nghĩa vì con người – “chính phủ tốt nhất là chính phủ không cai trị gì cả”.

Tiếng vọng thẳm sâu từ hai văn phẩm cô đọng của Henry David Thoreau kéo chúng ta về một thực tại, nơi những lý tưởng với thiên nhiên và xã hội tốt đẹp như thế đang trong cơn hấp hối hoặc bị truất hữu từ từ.

Henry David Thoreau (1817-1862), nhà thơ, tiểu luận gia, triết gia thực hành, nổi tiếng vì đã sống tinh thần thuyết tiên nghiệm (transcendentalism), điều được thể hiện trong kiệt tác "Walden" (1854).

Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dao-buoctrong-thien-nhien-va-chinh-tri-18532.html