Đảo 56.000 dân đi bỏ phiếu, các cường quốc hồi hộp

Tương lai của mỏ Kvanefjeld được các cường quốc để ý chủ yếu vì nguồn đất hiếm và là tâm điểm khiến chính quyền đảo tự trị chia rẽ dẫn đến bỏ phiếu sớm.

 Người dân Greenland xếp hàng đi bỏ phiếu. Ảnh: Reuters.

Người dân Greenland xếp hàng đi bỏ phiếu. Ảnh: Reuters.

Greenland - một khu tự trị thuộc Đan Mạch, nằm giữa châu Âu và Bắc Mỹ - đi bỏ phiếu hôm 6/4 (giờ địa phương) mà kết quả của nó được cho là tác động mạnh đến các lợi ích quốc tế liên quan đến vùng cực Bắc.

Chỉ có 56.000 dân, nền kinh tế Greenland phụ thuộc chủ yếu vào ngành đánh bắt hải sản và trợ cấp từ Đan Mạch (hiện khoảng 600 triệu USD, chiếm hơn nửa ngân sách). Vùng tự trị hàn đới này đang hứng chịu những tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu, nhưng chính việc băng tan chảy nhanh lại đem đến cơ hội của tương lai, đó là làm lộ thêm ra các mỏ khoáng sản quý hiếm được nhiều nước nhòm ngó.

Theo thông tin mới nhất, đảng đối lập Inuit Ataqatigiit đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử với số phiếu chiếm 37%. Đảng Siumut về nhì và đây là lần thứ 2 kể từ năm 1979 họ không nắm được quyền lực.

Chính bất đồng về một dự án khai mỏ ở mũi phía nam đã làm chính quyền Greenland chia rẽ đến mức phải tiến hành bỏ phiếu chọn lại đại diện của dân. Dự án do công ty Australia là Greenland Minerals làm chủ, thuyết trình rằng mỏ Kvanefjeld có “tiềm năng quan trọng bậc nhất với phương Tây về nguồn đất hiếm”. Đảng cầm quyền Siumut (Tiến lên) ủng hộ vì nó “tạo ra nhiều việc làm và nguồn thu hàng trăm triệu USD hàng năm trong nhiều thập kỷ”. Nhưng dự án bị đảng đối lập Inuit Ataqatigiit (Cộng đồng nhân dân Inuit) phản đối do lo ngại ô nhiễm phóng xạ và nước thải độc ra môi trường trong lành của vùng đảo.

Tương lai của mỏ Kvanefjeld được các cường quốc để ý chủ yếu vì nguồn đất hiếm.

Mỹ: Ông Trump muốn mua cả đảo

Vốn chẳng mấy khi xuất hiện trên báo chí quốc tế, ấy vậy nhưng năm 2019 đâu đâu cũng nhắc đến Greenland sau khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump xác nhận thông tin ông muốn Mỹ bỏ tiền ra mua sở hữu cả hòn đảo rộng lớn.

Ý kiến của ông Trump làm dậy sóng chính trường Đan Mạch và xáo động quan hệ ngoại giao với Mỹ. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen dùng từ khá nặng “ngớ ngẩn” để chỉ ý muốn của phía Mỹ. Ông Trump không vừa, gọi đó là câu từ “bẩn thỉu”.

Vụ việc xảy ra tháng cuối tháng 8/2019, dẫn đến hậu quả là ông Trump hủy đột ngột chuyến thăm chính thức tới Đan Mạch đã lên lịch vào 2/9 năm đó. Sau vụ việc, Mỹ chọn cách tiếp cận khác khi đến cuối năm 2020 thiết lập cơ quan lãnh sự, văn phòng đại diện nước ngoài đầu tiên ở Greenland kể từ năm 1953.

Giới quan sát cho rằng ý mua cả đảo của Mỹ là nhằm đến nguồn đất hiếm giàu trữ lượng để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc, bởi ở đầu bắc Greenland họ đã có căn cứ không quân Thule từ lâu.

Mở văn phòng lãnh sự chỉ là 1 trong nhiều cách tiếp cận của Mỹ để lôi kéo Greenland. Trước đó, Mỹ công bố gói hỗ trợ 12,1 triệu USD khiến chính quyền đảo tự trị hân hoan, còn chính phủ Đan Mạch thì lo lắng không khéo đến lúc tiếng nói đòi độc lập của Greenland sẽ mạnh lên.

Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới nếu tính Australia thành một châu lục. Nó có diện tích lớn gấp 9 lần Anh quốc, nhưng 3/4 quanh năm nằm dưới băng giá. Chỉ có 56.000 dân nên mật độ dân số thấp nhất thế giới, trong khi có tới 1/3 dân số tập trung ở thủ đô Nuuk. Từ Nukk đến các vùng khác không có đường, chỉ có cách đi tàu thuyền hoặc máy bay (loại nhỏ hoặc thủy phi cơ) nhưng trong mùa đông thì không hoạt động. Mùa đông ở Greenland kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, 4 tháng mùa hè còn lại thì vẫn lạnh với người ở xứ nhiệt đới.

Trung Quốc: “Con đường tơ lụa” Bắc cực

Đa phần dân Greenland là người thiểu số Inuit, không khá giả do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa bàn xa cách. Tuy nhiên, vị trí địa lý đang dần trở thành “tài nguyên” nếu biết cách khai thác hợp lý. Nằm trên điểm chiến lược của tuyến đường vành đai Bắc cực, Greenland cần có tính toán hợp lý giữa việc bóc tài nguyên thô hay tận dụng tài nguyên hữu hình khi mà tuyến đường biển sẽ ngày một có ưu thế. Kênh đào Suez tắc nghẽn 1 tuần khiến thế giới thiệt hại tính bằng tỷ USD thì đường biển Bắc cực được nhắc đến nhiều hơn bởi quãng đường thu ngắn giữa các cực kinh tế Mỹ - Âu - Á.

Trung Quốc - cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới không chịu ngoài cuộc. Dù cách vành đai cực Bắc tới 3.000km, Trung Quốc vẫn mô tả họ là quốc gia “cận Bắc cực”. Họ đã thuê hoặc cử đội tàu phá băng của riêng mình khám phá các tuyến đường biển mới xuyên qua vùng băng giá này. Greenland - chính vì thế - trở thành tiền đồn hữu ích trong chiến lược “Con đường tơ lụa” Bắc cực của Trung Quốc.

Nhằm phát triển kinh tế, chính quyền đảo tự trị Greenland đã chào thầu 3 dự án sân bay lớn và Trung Quốc tham gia cả 3. Dấu ấn Trung Quốc trong các dự án ở Greenland không chỉ là trực tiếp, họ còn có cách tiếp cận gián tiếp như rót vốn và đứng sau tham gia điều hành công ty khai mỏ Greenland Minerals của Australia. Điểm quan trọng là chính quyền tự trị Greenland của người Inuit không ác cảm với dòng vốn từ Trung Quốc.

Thủ đô Nuuk, nơi có 1/3 dân số Greenland sinh sống. Ảnh: Getty Images.

Nga: Quân sự đi trước

Liên bang Nga có biên giới và lãnh thổ thuộc Bắc cực. Ngày 17/4/2017, Nga thiết lập căn cứ quân sự thuộc loại hiện đại nhất hiện có tại vùng đất này, nằm ở rìa phía bắc vùng họ kiểm soát. 150 binh sĩ sẽ đóng quân thường trực tại căn cứ có tên Arctic Trefoil. Đây là căn cứ quân sự thứ 2 của Nga ở Bắc cực, bên cạnh cái đầu tiên là Northern Clover ở phía bắc Siberia.

Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho chiến lược quân sự đi trước của Nga. Thứ nhất, khi băng tan chảy ngày một nhiều đã mở ra các tuyến vận tải biển và Nga muốn kiểm soát ở thế thượng phong trên tuyến biển phương Bắc này. Thứ hai, sự hiện diện của quân đội sẽ bảo vệ các nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt còn rất dồi dào của Nga tại đây. Các lý do khác mang yếu tố quốc phòng thì đã được thế giới biết đến rõ từ năm 2014, khi chính phủ Nga công bố mạng lưới căn cứ Bắc cực gồm căn cứ và trạm ra đa quân sự trải rộng trên Bắc cực.

Nga là quốc gia đầu tiên nộp đơn lên Ủy ban Reanh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc vào năm 2001 đồng thời với việc tuyên bố chủ quyền một vùng rộng tới 1,2 triệu km2. Đến năm 2007, Nga dùng tàu ngầm cắm cờ chủ quyền dưới đáy biển Bắc cực.

Thục An

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dao-56000-dan-di-bo-phieu-cac-cuong-quoc-nin-tho-d287938.html