Đánh tráo khái niệm hoạt động trải nghiệm để thu lợi

Theo các chuyên gia, một số nhà trường đang đánh tráo khái niệm hoạt động trải nghiệm và 'móc nối' với các công ty để thu lợi.

Có “móc nối” giữa công ty và nhà trường không?

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam - đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV Người Đưa Tin Pháp luật về những sự cố thương tâm trong các buổi hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm thời gian qua.

PV: Thưa GS.TS Phạm Tất Dong, để xảy ra sự cố dẫn đến thương vong cho học sinh như vậy, trách nhiệm lớn nhất thuộc về ai?

GS.TS Phạm Tất Dong: “Những trường hợp này, trách nhiệm đến từ nhiều phía chứ không nằm riêng về phía nhà trường. Chương trình trải nghiệm ở mỗi nhà trường đều đã có kế hoạch từ trước. Cần xác định, những sự cố dẫn đến thương vong xảy ra trong khu vui chơi, liệu có nằm trong nội dung hoạt động trải nghiệm hay không? Nếu trong chương trình trải nghiệm không có hoạt động cho học sinh vui chơi, mà nhà trường lại tổ chức, thì trách nhiệm rất nặng. Còn nếu có nội dung cho học sinh vui chơi trong hoạt động trải nghiệm, phía nhà trường đã kết nối với phía các công ty và có hợp đồng cam kết, đảm bảo an toàn cho học sinh, thì trách nhiệm lại nghiêng về phía các công ty.

Đang trong giờ học do nhà trường tổ chức, xảy ra sự cố thì nhà trường phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, nhà trường “khoán trắng” cho công ty du lịch mà không có một kế hoạch cụ thể để bảo vệ học sinh, rồi lại để xảy ra sự cố như vậy, chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm.

GS.TS Phạm Tất Dong.

GS.TS Phạm Tất Dong.

PV: Được biết, năm 2014, khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ) đã từng xảy ra sự cố tương tự khiến 6 học sinh nhập viện. Phải chăng, khi lựa chọn địa điểm trải nghiệm, phía nhà trường không biết, hay không tính đến các phương án an toàn cho học sinh, thưa ông?

GS.TS Phạm Tất Dong: Trong sự cố đáng tiếc tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh vừa qua, phụ huynh học sinh hoàn toàn có thể phân tích rằng: Đáng lẽ, học sinh chỉ tham quan khu di tích lịch sử thì sẽ không có chuyện gì nguy hiểm. Nhưng sau đó, nhà trường lại cho học sinh đến khu du lịch để trải nghiệm, phải chăng có sự “móc nối” về lợi ích nào ở đây, trong khi công ty du lịch này cung cấp hoạt động cho nhà trường nhưng lại không có chương trình bảo vệ sự an toàn tương ứng.

PV: Vậy, thưa ông nhà trường cần xác định những tiêu chí như thế nào trong việc lựa chọn môi trường trải nghiệm cho học sinh?

GS.TS Phạm Tất Dong: Hoạt động trải nghiệm và sinh hoạt ngoại khóa là nội dung bắt buộc trong chương trình mới. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tổ chức như thế nào? Trước hết, nhà trường phải lên một kế hoạch cụ thế như thế nào? Bên cạnh đó, nơi tiếp nhận cũng phải có chương trình cụ thể, dịch vụ đảm bảo nhu cầu. Phía nhà trường phải xác định rõ, chương trình trải nghiệm đi với mục đích gì để tìm đến những địa điểm phù hợp. Chẳng hạn, muốn cho học sinh tìm hiểu về rừng và sinh vật rừng thì phải tìm đến các vườn quốc gia, khu bảo tồn; muốn cho học sinh dung nạp kiến thức về văn hóa, lịch sử, thì phải đến những di tích lịch sử…

Quan trọng nhất, luôn phải đặt sự an toàn của học trò lên hàng đầu! Cần phải xem xét lại quy trình giám sát, đảm bảo an toàn cho học sinh. Những chuyến đi tham quan, trải nghiệm, ngoại khóa cần phải được tổ chức chặt chẽ, quy củ hơn, phân công và quy nhiệm vụ đối với từng giáo viên đi theo giám sát học sinh.

Xin cảm ơn ông!

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/danh-trao-khai-niem-hoat-dong-trai-nghiem-de-thu-loi-a503462.html