Danh tiếng và trách nhiệm

Xuất hiện ngày càng nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội đang tạo ra không ít hệ lụy tiêu cực, đặc biệt với những sản phẩm chưa được kiểm chứng chất lượng và độ tin cậy, thậm chí, một số trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Câu hỏi đặt ra là: Trách nhiệm của người nổi tiếng đến đâu? Chế tài nào để xử lý?...

Nghệ sĩ tham gia quảng cáo cho một sản phẩm trắng da mờ nám.

Nghệ sĩ tham gia quảng cáo cho một sản phẩm trắng da mờ nám.

Khi nghệ sĩ liên tục "đổ bệnh"

Một thí dụ nực cười là cùng một thời điểm, không ít nghệ sĩ lại cùng "đổ bệnh" để quảng cáo cho loại thuốc mà ngay cả bản thân họ còn chưa sử dụng bao giờ. Cách đây không lâu, công chúng cũng bị thuyết phục khi xem clip hơn sáu phút của nghệ sĩ Vân Dung quảng cáo Shioka. Theo chia sẻ của nghệ sĩ thì loại thuốc này có tác dụng điều trị dứt điểm u xơ, u nang buồng trứng, thậm chí u tiền liệt tuyến của nam giới cũng có thể điều trị. Vân Dung còn quay cảnh mình đến bệnh viện và trưng ra phiếu xét nghiệm để chứng minh đã khỏi bệnh nhờ uống thuốc. "Cây hài" cũng liệt kê loạt tên tuổi khác đã từng dùng sản phẩm và có kết quả vô cùng toàn diện. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, các thông tin không khớp, thiếu hợp lý trong clip bị phanh phui, công chúng mới hay sản phẩm thuốc Shioka do nghệ sĩ Vân Dung quảng cáo là lừa dối người tiêu dùng.

Facebook của các nghệ sĩ như Hồng Vân, Việt Hương, Vân Dung, Chí Trung, Quốc Khánh, Ðan Trường, Kim Tử Long, Vân Trang, Thanh Hương… cũng "chiếm sóng" khá dày đặc trên các trang mạng để quảng cáo cho các sản phẩm, từ mỹ phẩm đến thực phẩm chức năng giảm béo, ung thư dạ dày, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u tiền liệt tuyến... Mới đây nhất, trang cá nhân của một số nghệ sĩ nổi tiếng như Nam Thư, Kiều Minh Tuấn, Khả Như, Ngọc Trinh, Lê Dương Bảo Lâm, Thiên Hương... đăng bài viết nhắc đến Dogecoin, Shiba Inu, FXT Token cùng nhiều đồng tiền mã hóa. Các chuyên gia cho rằng đây là chiến dịch quảng cáo nhằm kêu gọi đầu tư tiền mã hóa tập trung vào FXT Token. Ðây là loại tiền vô danh, liên quan đến một nhóm đầu tư coin đa cấp từng bị cảnh báo là lừa đảo. Sau khi bị cộng đồng mạng lên tiếng, các bài viết đồng loạt biến mất.

Việc các nghệ sĩ vô tình hay cố ý tham gia quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thiếu tin cậy, không có kiểm chứng không chỉ khiến người tiêu dùng thiệt hại vật chất, sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của cá nhân nghệ sĩ, dẫn tới cái nhìn sai lệch về những người làm nghệ thuật. Ðó là chưa nói đến chuyện chính họ cũng là người liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu hành vi quảng cáo được kết luận là sai sự thật, lừa dối khách hàng, để lại hậu quả nghiêm trọng…

Cần có chế tài xử lý nghiêm minh

Về trách nhiệm của nghệ sĩ trong những trường hợp này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: "Ðể xảy ra tình trạng trên do nhiều nguyên nhân. Doanh nghiệp quảng cáo đã không trung thực ngay từ đầu, nghệ sĩ chưa hoặc không kiểm tra độ xác thực của sản phẩm quảng cáo dẫn đến bị lợi dụng hình ảnh, hoặc cũng có thể nghệ sĩ biết điều đó nhưng vì lợi ích vật chất nên bắt tay cùng doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật. Dù vì bất cứ lý do gì, nghệ sĩ cũng phải có trách nhiệm trong việc quảng cáo sai về sản phẩm...".

Chia sẻ quan điểm cá nhân trên Facebook, diễn viên - MC Ốc Thanh Vân bức xúc: "… mình nghĩ nghệ sĩ hay những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng nói chung phải xem lại. Chúng ta không thể nhận tiền và review những gì mình không trải nghiệm, nó kỳ cục và xấu hổ lắm!...".

Diễn viên Thu Quỳnh được yêu thích với vai My "sói" trong phim Quỳnh búp bê cho rằng, nghệ sĩ không thể phát ngôn quá mức công dụng của sản phẩm. Nữ diễn viên chia sẻ, bản thân luôn cân nhắc trong việc dùng câu từ khi quay video, livestream hay khi đăng một status… Tuy nhiên, cũng có nhiều nghệ sĩ đã sơ suất trong việc lựa chọn sản phẩm quảng cáo. "Ðã có nhiều lần tôi thẳng thắn từ chối những nhãn hàng không tin tưởng, kể cả khi nhãn hàng đã chuyển tiền đặt cọc nhưng sau khi kiểm chứng sản phẩm, cảm thấy không chuẩn, tôi sẵn sàng trả lại tiền đặt cọc và từ chối quảng cáo sản phẩm...".

Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng trên thì cần xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn cho rằng, Luật Quảng cáo đã có quy định xử phạt đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật, lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng... Nhưng việc quảng cáo sai sự thật của người nổi tiếng thì hậu quả để lại lớn hơn rất nhiều. Ðể tăng tính răn đe, cần có chế tài cụ thể quy định xử phạt với những hành vi này.

Chuyên gia phân tích, Luật Quảng cáo được thực thi từ năm 2013 đến nay đã lạc hậu với tốc độ phát triển của quảng cáo sử dụng công nghệ. Nếu đăng tải quảng cáo trên báo chí chính thống, khi sai sẽ phạt Tổng Biên tập. Nhưng nếu quảng cáo đăng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube... thì phải có chế tài xử phạt cụ thể hơn nếu quảng cáo đó sai sự thật. Nghệ sĩ luôn muốn bảo vệ uy tín của họ, khi cộng đồng ngoảnh mặt, tẩy chay thì tự họ sẽ nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình. Cơ quan quản lý cũng cần luật hóa, quy định các nền tảng mạng xã hội, các công ty công nghệ truyền thông xuyên quốc gia phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại.

THIÊN AN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/doi-song-van-hoa/danh-tieng-va-trach-nhiem-649384/