Đánh thuế tài sản bất minh: Hổng ở đâu?

Theo chuyên gia, cần thiết phải có luật xác định chế độ quan chức, công chức được hưởng và luật kê khai tài sản.

Bàn tiếp về đề xuất của Thanh tra Chính phủ đưa quy định truy thu thuế thu nhập cá nhân ở mức 45% đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, kê khai không trung thực vào dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng đề xuất này không có căn cứ và không nên đặt ra.

Đi sâu phân tích cụ thể, Thiếu tướng Lê Văn Cương bày tỏ, vấn đề tài sản hợp pháp hay không hợp pháp phải căn cứ vào luật.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người có tài sản không có trách nhiệm chứng minh tính hợp pháp của tài sản của mình, mà chính các cơ quan nhà nước phải chứng minh tài sản đó có nguồn gốc bất hợp pháp nếu muốn tịch thu

"Đây là điều không hợp lý. Lẽ ra chứng minh hành vi cấu thành tội phạm thì Nhà nước chịu trách nhiệm, còn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của tài sản là việc của cá nhân, không phải Nhà nước.

Do đó, tôi cho rằng, cần phải thay đổi lại quy định này. Cán bộ, công chức nằm trong diện phải kê khai tài sản phải khai báo đầy đủ tài sản mình có và chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của tài sản ấy. Nếu anh không chứng minh được thì dứt khoát số tài sản ấy phải sung công.

Nếu làm đến nơi đến chốn việc này, ít ra Nhà nước sẽ thu được vài trăm ngàn tỷ đồng", ông Cương nói.

Nhiều trường hợp người có tài sản giải trình nguồn gốc số tài sản khổng lồ mình có được nhờ buôn chổi đót, chạy xe ôm, nuôi lợn, gà.... khiến dư luận thấy khó tin

Đối với đề xuất đánh thuế 45% tài sản bất minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược cho rằng, cơ quan đề xuất đã tự mâu thuẫn.

Về nguyên tắc, thuế thu nhập cá nhân chỉ đánh trên thu nhập hợp pháp. Theo quy định hiện hành, cá nhân có thu nhập trên 9 triệu đồng trở lên sẽ bị đánh thuế thu nhập cá nhân, nghĩa là Nhà nước đã thừa nhận số tiền này là hợp pháp.

Bây giờ đề xuất đánh thuế 45% nghĩa là đã thừa nhận số tài sản đó có chủ, nghiêm chỉnh và hợp pháp.

Nói cách khác, việc đánh thuế chẳng khác gì hợp pháp hóa cho hành vi vi phạm hoặc tham nhũng và bản thân kẻ tham nhũng hay vi phạm vẫn được lợi. Tại sao chỉ đánh thuế ở mức 45% mà không phải mức nào đó cao hơn?

Bởi vậy, một lần nữa Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định đề xuất đánh thuế tài sản bất minh là bất hợp lý và không có ý nghĩa gì, không nên bàn tới việc đánh thuế và đánh bao nhiêu phần trăm.

Trước ý kiến cho rằng để hiệu quả, nên thưởng lớn cho người phát hiện, tố giác tài sản bất minh, mức thưởng này dựa trên giá trị tài sản phát hiện được, vị chuyên gia nhận xét, cách này có thể làm nhưng có phần vụn vặt.

"Đừng quá hy vọng vào con người cá nhân. Cá nhân làm cũng tốt nhưng việc ấy không thành một thể chế cụ thể nào cả, phải có bàn tay của Nhà nước và sự giám sát của pháp luật.

Chưa kể liệu có mấy ai muốn làm, bởi việc tố giác dễ gây thù oán, trong khi chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ thật tốt cho người tố giác. Sợ nhất là thưởng được vài người rồi có người bị trả thù, ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân và gia đình, khi ấy còn ai muốn tố cáo?", tướng Cương đặt câu hỏi.

Bởi vậy, theo ông, gốc rễ của vấn đề nằm ở kê khai tài sản. Lâu nay, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức còn thiếu minh bạch, thậm chí giả dối nhiều.

"Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2016 có hơn 1,2 triệu người kê khai tài sản thì 77 người được xác minh và 3 trường hợp thiếu trung thực. Dư luận có ai tin rằng chỉ có 3 người kê khai thiếu trung thực?".

Thiếu tướng Lê Văn Cương đề nghị Việt Nam cần có luật kê khai tài sản riêng, không thể để lẫn trong luật phòng chống tham nhũng.

"Trên thế giới, các nước phát triển đều có bộ luật xác định về chế độ quan chức, công chức được hưởng.

Ví dụ, theo luật Mỹ, tổng thống sẽ được trả lương 400.000 USD/năm, được chia ra theo tháng và một khoản trợ cấp trị giá 50.000 USD để phục vụ cho các hoạt động liên quan. Tiếp đó, lương của phó tổng thống Mỹ, các bộ trưởng, chủ tịch thượng viện, hạ viện... đều được công khai, minh bạch.

Việt Nam cũng nên có luật như vậy. Ngoài ra, đi kèm với luật đó là luật kê khai tài sản, buộc quan chức, công chức phải khai báo đầy đủ tài sản của mình. Khi ấy, các vi phạm mới xử lý được", Thiếu tướng Lê Văn Cương đề xuất.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/danh-thue-tai-san-bat-minh-hong-o-dau-3355010/