Đánh thuế nhà từ 2 tỷ ít tác động tới người nghèo

Phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỷ đồng đối với nhà ở có tác động nhỏ nhất với hộ gia đình...

Đề xuất đánh thuế nhà đất từ 2 tỷ

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã tổ chức “Hội thảo khoa học khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam”.

Đề xuất đánh thuế nhà ở từ 2 tỷ trở lên. Ảnh: NLĐ

Đề xuất đánh thuế nhà ở từ 2 tỷ trở lên. Ảnh: NLĐ

Tại hội thảo TS Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong cho biết, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 3 ngưỡng tính thuế nhà khác nhau, từ 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng; với thuế suất 0,3% và 0,4%.

Ngưỡng tính dựa trên tính toán mức độ ảnh hưởng của Luật Thuế tài sản lên phúc lợi hộ gia đình do Tổng cục Thống kê điều tra với mẫu 9.399 hộ gia đình trên cả nước năm 2016.

Theo nghiên cứu, với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 978 nghìn đồng, mức chi tiêu giảm đi là 638 nghìn đồng; Nếu thuế suất là 0,4% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng, mức chi tiêu giảm đi là 851 nghìn đồng.

Đối với ngưỡng 1 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 897 nghìn đồng, mức chi tiêu giảm đi là 600 nghìn đồng. Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,198 triệu đồng, mức chi tiêu giảm đi là 800 nghìn đồng.

Đối với ngưỡng 2 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 763 nghìn đồng, mức chi tiêu giảm đi là 525 nghìn đồng. Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,019 triệu đồng, mức chi tiêu giảm đi là 700 nghìn đồng.

TS Cường cho rằng, với phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỷ đồng đối với nhà ở là có tác động nhỏ nhất với hộ gia đình.

Theo đó, ông Cường đề xuất ngưỡng chịu thuế nhà 2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Việt Cường cũng nhận định đánh thuế tài sản sẽ tạo ra cú sốc về thu nhập và tiêu dùng. Theo đó, thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng 0,9%, giảm chi tiêu thực tế 0,7%.

Bình luận về việc này, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng nếu thuế tài sản được ban hành như dự thảo hiện nay thì sẽ giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình.

“Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tới đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải do người nghèo được cải thiện. Vì vậy đây không phải là sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội”, TS Thành nói.

Trên cơ sở đó, ông Thành nhấn mạnh muốn cải thiện thu, tạo được sự đồng thuận cao của người dân thì việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ngân sách ở mọi cấp là rất quan trọng, đặc biệt nâng cao giải trình trong các khoản chi ngân sách.

"Việc cải thiện ngân sách cũng có thể bắt đầu từ việc tiết kiệm chi, không nhất thiết phải tăng cường thu" - ông Thành nói.

Vì sao dân "sốc"?

Góp ý thêm tại hội nghị, TS Vũ Sỹ Cường cho biết, câu chuyện đánh thuế tài sản khá phức tạp ở nhiều nước, không chỉ riêng Việt Nam. Do đó, việc người dân và giới chuyên môn phản ứng mạnh mẽ sau đề xuất đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính là điều hết sức bình thường.

"Từ rất lâu, tại nhiều quốc gia đã tranh luận nên đánh thuế liên quan đến tài sản hay không. Do đó, để áp dụng loại thuế này, Việt Nam phải có sự khác biệt và sự khác biệt đó phải dựa trên cơ sở nào. Một sắc thuế muốn thực hiện được thì cần hiệu quả, thực tiễn, ít mục tiêu và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia" - ông Cường nói.

Tại Việt Nam, thuế tài sản đã được áp dụng từ lâu như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhưng loại thuế này chỉ đóng góp 0,03% - 0,06% GDP mỗi năm, thấp hơn các nước rất nhiều. Vai trò với ngân sách địa phương cũng khiêm tốn, đạt từ 5%-7% thu ngân sách địa phương, nhiều nơi chỉ chiếm 2%.

Việc đánh thuế tài sản tại Việt Nam sẽ không dễ dàng vì theo TS Vũ Sỹ Cường, nước giàu thu được do xã hội đồng thuận, sự minh bạch và tính giải trình trong cả thu và chi tại các nước này rất cao. Ở Việt Nam chưa có luật thuế tài sản nhưng đã có nhiều luật thuế liên quan như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế đất phi nông nghiệp, thuế đăng ký trước bạ.

Luật thuế tài sản: Vì sao dư luận lên cơn sốt nóng?

Từng nói trên Đất Việt về nội dung trên, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp cho rằng, đây là loại thuế các nước đã áp dụng từ lâu và được thu theo nguyên tắc lũy tiến, người giàu phải chịu thuế nhiều hơn người nghèo.

Tuy nhiên, ở những nước đó, một khi có định ra thứ thuế tài sản thì những thứ thuế khác, những nghĩa vụ tài chính khác, người ta đều có tính toán, căn chỉnh trong tổng thể một cách hài hòa, cân đối chứ không phải cứ nghiên cứu, đề xuất theo kiểu "thầy bói xem voi", học hỏi, cóp nhặt một cách máy móc, thiếu một cái nhìn tổng thể, toàn diện, hài hòa.

Ở một góc tiếp cận khác, đòi hỏi người tham mưu ra thứ thuế này cũng phải tính toán sao cho hợp lý, không tạo nên sự bức xúc dư luận.

Ông Sơn cho rằng, sở dĩ có chuyện dư luận phản ứng là bởi nhiều lẽ, từ việc nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ đóng góp của người dân đang bị tăng lên khá nhiều, vượt khả năng thu nhập trong một vài năm gần đây, cho tới việc nguồn thu ngân sách sụt giảm trong khi bộ máy lại phình to, kết quả tinh giảm biên chế không hiệu quả... đây cũng là một nguyên nhân khiến dư luận phản ứng khi đưa ra một sắc thuế mới.

Do đó, ông Sơn cho rằng phải đánh giá thận trọng, từng bước, hợp lý thì mới không gây ra "cú sốc" như vừa rồi.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/bat-dong-san/thi-truong/danh-thue-nha-tu-2-ty-it-tac-dong-toi-nguoi-ngheo-3370962/