Đánh thức trinh thám Việt với 'Thám tử Kỳ Phát'

Bằng việc cho ra mắt series 'Thám tử Kỳ Phát', Phúc Minh Books đã đưa đến cho bạn đọc hình tượng thám tử Kỳ Phát - một 'hiện tượng trinh thám' của thế kỷ XX cùng thời kỳ vàng son của Trinh thám Việt nói riêng trong dòng chảy văn học Việt Nam nói chung. Qua đó góp phần đánh thức trinh thám Việt Nam.

Buổi tọa đàm "Đánh thức trinh thám Việt" diễn ra tại Phố sách Hà Nội, đường 19/12 (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) sáng 25/11 có sự góp mặt của các khách mời là PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học - Giảng viên bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; PGS.TS. Trần Văn Toàn, Phó trưởng khoa Ngữ văn - Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Buổi tọa đàm cũng có mặt của các bạn sinh viên, các bạn trẻ, bạn đọc yêu thích sách văn học, đam mê truyện trinh thám; một số chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam; đại diện admin của các hội nhóm: Hội yêu thích truyện trinh thám, Hôi yêu sách, Bình thư quán...

Nội dung buổi tọa đàm cũng như giao lưu cùng bạn đọc với các khách mời của chương trình là để tìm hiểu những nét đặc sắc của series "Thám tử Kỳ Phát" và tài năng của tác giả Phạm Cao Củng trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam và văn học trinh thám thế giới.

Các diễn giả trong buổi tọa đàm "Đánh thức trinh thám Việt" do Phúc Minh Book tổ chức sáng 25/11 tại Hà Nội

Thám tử Kỳ Phát là bộ truyện đã làm nên danh tiếng của “vua truyện trinh thám Việt Nam” - Phạm Cao Củng. Giống như Sherlock Holmes, Kỳ Phát luôn đề cao lý trí, lấy suy luận làm phương cách phá án. Series Thám tử Kỳ Phát gồm 5 cuốn: Đám cưới Kỳ Phát; Nhà sư thọt; Chiếc tất nhuộm bùn; Vết tay trên trần; Kỳ Phát giết người.

Mặc dù học tập và ảnh hưởng từ truyện trinh thám phương Tây, nhưng Phạm Cao Củng đã sáng tạo nên những câu chuyện thấm đẫm đời sống Việt Nam, tính cách Việt Nam. Phá án theo phương pháp suy luận diễn dịch kiểu Sherlock Holmes, song nhân vật của Phạm Cao Củng mang đậm những phẩm chất được ưa chuộng ở phương Đông: trọng nghĩa khí, coi thường tiền bạc, không hành động vì thù lao, luôn tôn trọng tình cảm, đạo đức.

Sau suốt thời gian ngắt quãng, chàng thám tử Kỳ Phát từng “hùng bá” một thời trên văn đàn trinh thám Việt Nam, thuở vàng son của những năm 30 - 40 thế kỷ trước, nay đã trở lại với bạn đọc thông qua bản liên kết ấn hành giữa Nhà xuất bản Công an Nhân dân và Công ty sách Phúc Minh. Lần trở lại này, series Thám tử Kỳ Phát mang diện mạo của bản trình bày đẹp và ấn tượng hơn với bạn đọc. Đặc biệt, bộ truyện trở lại ở thời điểm khi mà các độc giả trẻ đang quan tâm tới trinh thám Việt nhiều hơn.

Người đã góp phần đưa trinh thám Việt trở nên phổ biến rộng rãi đến với bạn đọc hơn từ nửa cuối những năm 30 của thế kỷ trước, đó là nhà văn Phạm Cao Củng. Phạm Cao Củng sinh năm 1913 tại Nam Định. Cha của ông là Cụ Kép Phạm Cao Bạt, em của bà Phạm Thị Mẫn, vợ nhà thơ trào lộng nổi tiếng Thành Nam Trần Tế Xương (Tú Xương). Ông mất năm 2012 tại Mỹ.

Với những tiểu thuyết trinh thám suy luận, trinh thám mạo hiểm mang đậm nét Việt, cùng với sức viết khó ai sánh kịp, ông được mệnh danh là “vua trinh thám Việt Nam”. Những tác phẩm của Phạm Cao Củng dù vay mượn nhiều yếu tố Phương Tây nhưng việc tác giả “thổi hồn Việt” vào trong đó đã khiến cho các tác phẩm của ông trở nên “đặc biệt” hơn, giúp nó không chỉ là văn chương giải trí đơn thuần mà còn đưa văn học trinh thám Việt lên đến thời kỳ đỉnh cao. Hình tượng nhân vật thám tử Kỳ Phát đã trở thành một trong những nhân vật thám tử Việt Nam tiêu biểu.

Nhắc tới tiểu thuyết trinh thám, xưa nay trinh thám Việt vẫn luôn bị đánh giá là “yếu thế” hơn. Vậy nên dù đã có một thời vàng son rực rỡ và đã xuất hiện khá lâu nhưng tiểu thuyết trinh thám Việt sau đó dần “phai dấu” trên văn đàn. Hơn nữa, quan niệm cho rằng trinh thám là thứ “văn chương giải trí”, “tiểu thuyết ba xu” cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của dòng văn học này. Đó chính là lý do chúng ta cần nhìn lại và cùng nhau nối dài sức sống của trinh thám Việt thông qua những tác giả, tác phẩm vang bóng một thời.

Trong bộ "Nhà văn hiện đại", nhà văn Vũ Ngọc Phan đã nêu nhận xét về Phạm Cao Củng: “Trong các tiểu thuyết trinh thám, như của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng có phần đặc sắc hơn…”. Ông đã viết hơn 200 cuốn sách, trong đó có hơn 20 tiểu thuyết trinh thám. Tuy nhiên, những tài liệu sưu tập liên quan đến sáng tác của ông hiện rời rạc và ít ỏi.

Phạm Cao Củng vẫn được Vũ Ngọc Phan nhắc đến khá trân trọng: “Cái đặc biệt mà người ta thấy ở tiểu thuyết trinh thám Phạm Cao Củng là những nhân vật và khung cảnh do ông sáng tạo đều có tính chất Việt Nam, hợp với trình độ người Việt Nam ta hiện thời, không như mấy nhà tiểu thuyết trinh thám khác đi nhặt những mẩu chuyện ly kỳ của Tây phương rồi cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt, lai Pháp... Nếu xét truyện trinh thám của Phạm Cao Củng trong phạm vi tương đối, người ta thấy đến nay ở nước ta, trong loại này, tiểu thuyết của Phạm Cao Củng vẫn là những tiểu thuyết khá hơn cả”.

Series "Thám tử Kỳ Phát" của tác giả Phạm Cao Củng là bộ truyện mở màn cho dòng trinh thám Việt Nam được Phúc Minh xuất bản. Đây sẽ là cơ hội giúp bạn đọc, đặc biệt là các độc giả trẻ được tiếp tận với những bộ sách cổ, có giá trị.

Series với 5 cuốn "Vết tay trên trần", "Chiếc tất nhuộm bùn", "Kỳ Phát giết người", "Nhà sư thọt", "Đám cưới Kỳ Phát", hi vọng sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho sự trở lại của trinh thám Việt Nam, làm sống lại một thuở vàng son của trinh thám Việt.

Bài và ảnh: Cẩm Tú

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/danh-thuc-trinh-tham-viet-voi-tham-tu-ky-phat-d2058923.html