Đánh thức trầm tích của một vùng cửa biển

Trải qua bao thăng trầm, vùng đất địa linh nhân kiệt Kiến Thụy (Hải Phòng) - miền trầm tích Dương Kinh một thuở của vương triều nhà Mạc vẫn còn 'trơ gan cùng tuế nguyệt'. Với những cánh rừng ngập mặn ngút ngàn, những quần thể thắng cảnh thơ mộng và huyền ảo như bức tranh thủy mặc sống động gợi nhớ về một thời sầm uất xa xưa; tiềm năng văn hóa dồi dào và giá trị văn hóa, lịch sử của mảnh đất này đang ngày càng thăng hoa, trở thành nguồn lợi phát triển ngành công nghiệp không khói nơi cửa biển.

Khu vườn tượng La Hán ở chùa Khánh Đối (thị trấn Núi Đối). Ảnh: Hải Lưu

Khu vườn tượng La Hán ở chùa Khánh Đối (thị trấn Núi Đối). Ảnh: Hải Lưu

Những giá trị vượt thời gian

Nằm ở vùng ven đồng bằng châu thổ sông Hồng, nhưng vùng đất ven biển Kiến Thụy lại có được phong cảnh sơn thủy hữu tình với những Núi Đối, Núi Chè (Trà Sơn) soi bóng xuống dòng sông Cửu Bồng, những ngôi cổ tự như Trà Phương, Cổ Trai, Đỉnh Vàng, Đình Tiểu Trà, Quốc Điện, đền Mõ, chùa Linh Sơn Viên Giác, chùa Hoa Liễu, chùa Khánh Long - dấu ấn lịch sử của mảnh đất Dương Kinh, trăm năm vẫn còn lưu dấu thời gian. Chưa hết, địa danh Ngũ Đoan với những làng cổ trầm mặc đẹp như tranh vẽ nay vẫn còn những di tích về cung thất, lầu phủ, lăng tẩm...

Bên cạnh những giá trị vật thể mà vương triều nhà Mạc để lại thì những giá trị phi vật thể quý báu có ý nghĩa vượt thời gian vẫn còn lưu lại trong lòng mỗi người dân Kiến Thụy. Đó là tinh thần đoàn kết, chiến thắng thiên nhiên, khai hoang lấn biển, mở rộng bờ cõi cùng những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc. Có thể nói, vùng đất Kiến Thụy - Hải Phòng được hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa văn nghệ của thời nhà Mạc với thời gian trị vì 65 năm, nổi tiếng trong lịch sử bởi 22 khoa thi Hội, cho "ra lò" hàng trăm vị tiến sĩ, khoa bảng, trong đó có nhiều nhân vật xuất chúng. Và cho đến ngày nay, Kiến Thụy vẫn là nơi nổi danh về truyền thống hiếu học và nhiều người đỗ đạt, có công lao giúp dân, giúp nước.

Từ những lợi thế mang ý nghĩa lịch sử đó, cách đây chưa lâu, Đề án "Phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có, quan tâm bảo vệ môi trường để phát triển du lịch sinh thái" do Sở Du lịch TP Hải Phòng phối hợp với huyện Kiến Thụy khảo sát tính khả thi đã ra đời. Đề án khẳng định những nhận thức kịp thời, đánh giá đúng giá trị của những món quà mà thiên nhiên, lịch sử ban tặng cho Kiến Thụy. Dự án tôn tạo khu di tích lịch sử Cố đô Dương Kinh nhà Mạc có kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng với hơn 30 công trình, di tích lịch sử nhằm tôn tạo lại những di tích đã được tìm thấy có quy mô gần 11ha. Với mục tiêu xây dựng khu tưởng niệm thành một công trình văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ, điểm nhấn văn hóa du lịch của huyện nói riêng và TP Hải Phòng nói chung, hàng loạt di vật cổ thời Mạc qua các lần khảo cổ tại vùng đất Dương Kinh đã được quy tụ...

Cùng với việc tôn tạo, khôi phục các giá trị văn hóa, lịch sử, huyện Kiến Thụy còn quan tâm bảo vệ cảnh quan môi trường, tạo hệ sinh thái bền vững. Núi Đối, Núi Chè được phủ xanh bằng nhiều thảm thực vật với sự đa dạng, phong phú các chủng loại cây. Gần 1.000ha rừng ngập mặn, hàng trăm héc ta đồi rừng và rừng phòng hộ ven biển đã được bảo tồn hoặc trồng mới khiến Kiến Thụy trở thành vùng đệm trong khu dự trữ sinh quyển quốc gia. Đặc biệt, con sông Đa Đô chảy quanh huyện, hằng năm được vớt bèo, khơi thông dòng chảy tạo cho nơi đây bầu không khí trong lành. Đây được xem điều kiện thuận lợi, là lợi thế để Kiến Thụy phát triển hệ thống du lịch sinh thái ven biển.

Hội đua thuyền rồng truyền thống tại Kiến Thụy đã trở thành thương hiệu du lịch thu hút khách tham quan vào mỗi dịp đầu xuân. Ảnh: Hải Lưu

Sống lại những giá trị văn hóa

Nhằm kết hợp, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử với những ưu đãi của thiên nhiên để xây dựng Kiến Thụy trở thành khu du lịch sinh thái của Hải Phòng, cách đây 3 năm, các cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức khai trương tour du lịch tâm linh, sinh thái quy mô với các điểm đến gồm: Rừng ngập mặn (xã Đại Hợp), quần thể đền, chùa Mõ (xã Ngũ Phúc), chùa Khánh Đối (thị trấn Núi Đối) và đặc biệt là khu tưởng niệm các vua nhà Mạc (xã Ngũ Đoan). Những động thái này được xem như là điểm khởi đầu rất có ý nghĩa trong việc phát huy những tiềm năng sẵn có một cách hiệu quả và bền vững nhằm xây dựng thương hiệu du lịch, đánh thức trầm tích của một vùng cửa biển.

Vào tháng 9-2016, huyện Kiến Thụy tiếp tục triển khai tuyến du lịch "liên huyện" trên sông Đa Độ đến khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, kết nối các di tích nổi tiếng như di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo); đình Kim Sơn, chùa Thắng Phúc, đền Gắm (huyện Tiên Lãng) thành tuyến du lịch văn hóa tâm linh, truyền thống lịch sử. Đặc biệt, cuối tháng 12-2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản thống nhất với TP Hải Phòng về chủ trương mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử. Từ đường họ Mạc (ở thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan) thành địa chỉ thu hút khách du lịch muôn phương về dâng hương tưởng niệm các vua triều Mạc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước.

Thuận lợi lắm, khó khăn cũng nhiều, với Kiến Thụy, để đánh thức trầm tích của một vùng cửa biển, trước mắt còn nhiều công việc đang đặt ra, nhất là nhiệm vụ khôi phục, tôn tạo và khai thác những di tích, dấu ấn lịch sử; quan tâm bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững. Nhiệm vụ này không chỉ của các cấp chính quyền, các ban, ngành và của riêng địa phương mà rất cần xuất phát từ ý thức của mỗi người dân vì một vùng đất phát triển năng động, hiện đại nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của vùng cửa biển. Xác định rõ thế mạnh của các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, Kiến Thụy đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào các khu du lịch, tạo sản phẩm du lịch đặc thù chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Kiến Thụy cũng đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách đầu tư để phát triển ngành công nghiệp không khói tương xứng với tiềm năng, thế mạnh có sẵn. Với những nỗ lực đáng ghi nhận, chắc chắn cơ hội sẽ mở ra và về lâu dài, vùng cửa biển Kiến Thụy sẽ trở thành tâm điểm du lịch với những sản phẩm độc đáo, làm "sống lại" vùng đất cổ địa linh nhân kiệt trong lòng du khách.

Hải Lưu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/danh-thuc-tram-tich-cua-mot-vung-cua-bien/