Đánh thức trái dừa Bến Tre

Dù là một trong những cây nông nghiệp chủ lực của Bến Tre song trong thời buổi hội nhập dưới tác động của nền kinh tế thị trường, giá trị cây dừa đang được giới lãnh đạo và doanh nghiệp nhìn lại nghiêm túc. Để thực sự tạo nên đột phá trong bối cảnh mới, dừa Bến Tre cần nhiều sự hỗ trợ hơn là sự nổi tiếng và ưu đãi từ đất mẹ.

Trái dừa thời công nghệ

So với nhiều năm trước, Bến Tre đã chủ động hơn trong quá trình ứng dụng công nghệ cao cho ngành dừa. Chỉ riêng trong 2 năm trở lại đây, đã có khoảng hơn 10 nghiên cứu được nghiệm thu và nhân rộng mô hình trong tỉnh, chủ yếu đến từ các viện khoa học và doanh nghiệp chuyên ngành.

Bên cạnh các đề án liên quan đến vấn đề giống cây trồng, sự xuất hiện của nhiều công trình mang tính ứng dụng cao đã thổi làn gió mới đến ngành nông nghiệp vốn đã giàu tiềm năng khai thác này.

Cụ thể, “Ứng dụng công nghệ chế tạo gỗ kỹ thuật thừ thân cây dừa thay thế gỗ sử dụng trong sản xuất đồ mộc, vật liệu nội thất”, “Công nghệ sản xuất màng cellulose sinh học từ nước dừa để làm bao gói thực phẩm” hay “Công nghệ tách chiết dầu dừa tinh khiết không gia nhiệt” chính là những điểm sáng đáng chú ý trong lĩnh vực nghiên cứu được công bố vừa qua.

Toàn cảnh Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bến Tre

Vừa qua, trước sự xuất hiện thông tin về tác động tiêu cực đến sức khỏe của dầu dừa trong nấu ăn (nghiên cứu do giáo sư dịch tễ học Karin Michels thuộc Đại học Harvard thực hiện) đã buộc ngành công nghiệp này của Bến Tre chuyển hướng ứng dụng sang mỹ phẩm. Thay vì lo ngại về việc “hụt mất” một mảng kinh doanh lớn (dầu ăn), nền công nghiệp làm đẹp lại mở ra cho trái dừa nhiều viễn cảnh lạc quan.

Sản phẩm từ dừa trở nên đa dạng hơn (mỹ phẩm - so với ngành hàng thực phẩm như truyền thống) đồng nghĩa với việc mở ra những cơ hội kinh doanh, đối tác mới hơn. Các hoạt động truyền thông để thích nghi với mặt hàng mới cũng phải cải tiến, kéo theo việc đầu tư cho các kênh quảng bá số (website, mạng xã hội) – điều mà ít tỉnh miền Tây thực hiện được triệt để.

Theo báo cáo sơ bộ của Hiệp hội dừa Bến Tre tại “Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bến Tre” vừa qua cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, thông qua hàng loạt sự kiện xúc tiến thương mại, đã có doanh nghiệp tiếp cận thành công thị trường tiêu thụ tại miền Trung và phía Bắc, một số doanh nghiệp mới khác tìm được đầu mối kinh doanh tại 2 chợ nông sản lớn nhất TP. Hồ Chí Minh (Thủ Đức và Bình Điền).

Đáng chú ý là trong danh sách này có sự xuất hiện của cả những doanh nghiệp startup.

Trở lực từ đâu?

Có được những kết quả đáng khích lệ nhưng trên thực tế, nông nghiệp (trong đó có trái dừa) là một mặt trận kinh tế mà thành công đồng nghĩa với việc sở hữu một hệ sinh thái kinh doanh bền vững - điều mà không phải một doanh nghiệp, hay lớn hơn là một tỉnh dễ dàng có những giải pháp toàn diện. Và Bến Tre không là ngoại lệ!

Ưu thế của tỉnh dừa trên mặt trận này là sự hợp sức của rất nhiều ông lớn ngành dừa như Betrimex, Lương Quới và Á Châu cùng hàng loạt doanh nghiệp có tiềm lực khác. Tuy nhiên, dù lớn đến đâu, doanh nghiệp cũng chỉ đóng vai trò như một “đầu kéo” cho cỗ xe đồ sộ phía sau bao gồm: người nông dân, cơ sở hạ tầng và vùng nguyên liệu.

Về góc độ người làm nông, mâu thuẫn giữa tư duy cũ (cơm áo gạo tiền) và tư duy mới (đầu tư, chuyên môn hóa) vẫn còn là một đề toán bỏ ngỏ. Trồng dừa theo kiểu rời rạc, manh mún, thậm chí là xen canh với các loại cây trồng khác theo kiểu “không được mùa này cũng được mùa kia” vẫn còn khá phổ biến. Song song với đó, khó tiếp cận nguồn vốn và kiến thức về thị trường cũng là một trở ngại để lực lượng nông dân Bến Tre hội nhập.

Mặc dù nhiều hộ nông đã tham gia mô hình kinh doanh tập trung là hợp tác xã, bài toán chuyên hóa và tập trung cây trồng trước mắt đã được giải quyết, nhưng sự thiếu đầu tư cho chất lượng cây trồng gây ra các rủi ro tiềm ẩn, dễ thấy nhất là sức cạnh tranh thị trường kém và gây khó khăn cho việc thu mua từ các doanh nghiệp chế biến trong nước.

Một số doanh nghiệp tỉnh hiến kế, tuy không thể giải quyết ngay nhưng việc thường xuyên tuyên truyền từ hợp tác xã cũng ít nhiều đã gây nên những chuyển biến về mặt tư duy – đây có thể xem là giải pháp xuyên suốt trước khi có các giải pháp vĩ mô.

Ở khía cạnh khác, nhiều con đường dẫn vào các hộ nông hoặc các hợp tác xã còn nhỏ và hẹp khiến xe tải (thu mua) khó vào hay như chuyện quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung (hiện nay tỉnh đã có nhưng chưa nhiều) là những bài toán đặt ra cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng của tỉnh.

Bà Châu Kim Yến, Tổng giám đốc Betrimex chia sẻ: “Hợp tác xã là mô hình đúng đắn nhưng vẫn còn hạn chế do chưa có cơ chế cụ thể, thời gian tới nếu có các giải pháp từ cấp lãnh đạo sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người nông dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, công ty chúng tôi đang có chiến lược nhân đôi công suất vào năm 2020, do đó xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu là tín hiệu đáng mừng nhưng cần cẩn trọng, đúng việc, đúng người để tránh trường hợp bùng phát theo phong trào mà hiệu quả không cao”.

Đánh thức thế nào?

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, tuy có nhiều tồn đọng và tỉnh đang lên kế hoạch cho các gói giải pháp, song ngành dừa Bến Tre vẫn còn rất nhiều hướng phát triển tích cực sẽ được quan tâm đầu tư, cụ thể hóa trong thời gian tới.

Bến Tre sở hữu diện tích trồng dừa 71.000 ha, sản lượng ước tính đạt trên 1 tỉ trái/ năm (600 triệu trái của tỉnh nhà cùng với 400 triệu trái dừa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chuyển vào tỉnh để chế biến), dư địa cho các nhà đầu tư phát triển các mô hình nâng cao như sơ chế tập trung, giúp tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu từ trái dừa (cơm dừa, nước dừa, gáo dừa) vẫn còn rất lớn.

Dừa Bến Tre trước mắt cần tập trung và chuẩn hóa để có thể vươn xa

Về mặt khoa học, tỉnh cũng đã thành công trong việc tạo ra giống vô tính thành công. Hiện công trình này đang trong quá trình cải tiến để có thể nhân giống hàng loạt. Ngoài ra, chủ tịch tỉnh Bến Tre cũng nhấn mạnh thêm rằng thời gian tới tỉnh sẽ tập trung xây dựng “thị thực” cho nông sản - trong đó có trái dừa, trên cơ sở tạo ra cơ chế thống nhất và an toàn và chất lượng sản phẩm, hướng đến mục tiêu nâng vị thế dừa Bến Tre trên thị trường nội và ngoại địa.

Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty Lương Quới cho biết, thị trường đang theo chiều hướng đổi từ canh tác hộ dân qua lĩnh vực chế biến, do đó các sản phẩm đầu ra phải là những gì thị trường cần (mới, độc, lạ). Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ cũng là mảnh đất tiềm năng mà bản thân Lương Quới sẽ đầu tư để nâng cao vị thế trái dừa Bến Tre.

Han Sovy

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/danh-thuc-trai-dua-ben-tre-1537423492990.htm