Đánh thức tiềm năng du lịch Đà Bắc

Một chiều cuối thu, từ Hà Nội, chúng tôi ngược về Đà Bắc (Hòa Bình), cách Thủ đô khoảng 120 km. Nơi đây, không khí lúc nào cũng thanh bình, tươi mát và tràn đầy nhựa sống.

Bắc “cây cầu” du lịch cộng đồng

Không đi theo Quốc lộ 6 với quãng đường ngắn hơn, tôi chọn hướng qua Ba Vì (Hà Nội), chạy theo sông Đà, rẽ phải vào Thanh Sơn (Phú Thọ) để sang Đà Bắc. Đường đi tuy toàn gặp đèo dốc quanh co gối đầu vào núi thẳm, nhưng thiên nhiên thì tuyệt đẹp. Hai bên đường có hồ, có núi, có sông, có bản làng thôn xóm… nên thơ, trữ tình.

Đà Bắc luôn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Sáu giờ tối, chúng tôi tới Homestay Hữu Thảo (xóm Ké, Hiền Lương, Đà Bắc). Cổng chào, phòng ngủ, nhà bếp, khu vệ sinh… đơn giản, mộc mạc, hầu hết đều được làm từ tre nứa, gỗ tự nhiên, rất sáng tạo và có hồn. Căn phòng tôi ở nằm giữa khu vườn ăn trái của gia đình, một mặt nhìn thẳng ra sông Đà, ba mặt xung quanh có suối chảy róc rách.

Hơn 7 giờ tối, màn đêm đã bao trùm trọn vẹn phố xá Đà Bắc yên bình. Tiếng cồng chiêng mang cái hồn linh thiêng của rừng núi vang lên. Những thanh âm khi trầm bổng, sâu lắng, khi hào hùng, đã được người Mường Đà Bắc lưu giữ từ đời này sang đời khác, nay càng có giá trị hơn mỗi khi đem ra biểu diễn cho du khách thập phương.

Bữa cơm tối bắt đầu được dọn lên với đầy đủ món đặc sản núi rừng: rau su su luộc, thịt heo bản nướng lá bưởi và một mẹt “cỗ lá”- nét tinh túy ẩm thực của người Mường. Cỗ lá dùng nhiều loại thịt lợn bản để chế biến theo ba phương pháp chính là nướng, luộc, hấp.

Anh Hữu, chủ homestay Hữu Thảo cho biết, thông qua cách bày cỗ và hương vị đặc biệt của các món ăn chấm với muối hạt dổi…, du khách có thể cảm nhận được tình cảm mộc mạc, chân thành của người Mông nơi đây.

Nhớ lại những ngày đầu tiên đón khách vào homestay, anh Hữu chia sẻ, tuy đã được tập huấn nghiệp vụ, nhưng anh chị vẫn vô cùng lúng túng, vì trước đây chỉ quen với đồng ruộng. Chính tinh thần đoàn kết cộng đồng là điều cốt lõi để người dân Đà Bắc cùng nhau xây dựng, phát triển mô hình sinh kế mới, đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó, mọi người đã cùng nhau chia sẻ, học hỏi, hoàn thiện sản phẩm để đem lại trải nghiệm du lịch Đà Bắc ấn tượng nhất với du khách.

Những năm trước, Đà Bắc là cái tên khá lạ lẫm trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đến năm 2014, Quỹ Australia vì Nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AFAP) phối hợp với chính quyền tỉnh Hòa Bình để bắc “cây cầu” du lịch cộng đồng nhằm giúp những người dân chân chất, thật thà nơi đây biết làm giàu từ chính tiềm năng tự nhiên của mình.

Dự án được triển khai tại 3 địa bàn chính là xóm Ké (Hiền Lương), xóm Đá Bia (Tiền Phong) và xóm Sưng (Cao Sơn) nằm sát hồ Hòa Bình. 100% người dân nơi đây là người dân tộc Mường với những nếp sống còn nguyên bản, rất dễ mang đến những cảm nhận thú vị cho du khách.

Trải nghiệm thú vị

Sau 4 năm triển khai, Đà Bắc hiện có 9 homestay, 50 hộ tham gia kinh doanh với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng như nghỉ đêm tại nhà truyền thống của người dân, tham gia nấu các món ăn vùng miền, tham quan làng nghề truyền thống của người Dao, Mường…; cảm nhận cuộc sống văn hóa, lao động sản xuất của người bản địa.

Người thích sự tĩnh lặng, chú trọng sức khỏe có thể trải nghiệm dịch vụ tắm lá người Dao. Người thích sự yên bình có thể đạp xe quanh các bản làng nhiều dốc uốn lượn. Người tràn đầy năng lượng, ưa mạo hiểm, khám phá có thể lựa chọn chèo thuyền Kayak. Người không thích hoạt động đông người nhưng vẫn muốn tham quan sông hồ thì có thể tắm suối, bơi lội, đi thuyền trên sông, thăm bè cá tầm, xem cất vó…

Đặc biệt, cung đường đi bộ qua rừng, qua núi và qua cả những bản làng xa xôi luôn có phong cảnh vô cùng tươi đẹp cùng cơ hội trải nghiệm cuộc sống của các đồng bào dân tộc ở Đà Bắc.

Sau các chuyến tham quan, khách du lịch đều có ấn tượng tốt về phong cảnh và cư dân bản địa. Năm 2017, khách đến Đà Bắc thăm quan đạt 60.500 lượt, trong đó có 125 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 6.820 triệu đồng. Tuy con số chưa thực sự lớn, song đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho kinh tế địa phương.

Tại những nơi phát triển dịch vụ homestay ở Đà Bắc, tỷ lệ thất nghiệp thấp, thu nhập của người dân ổn định, góp phần giảm thiểu tỷ lệ di cư từ nông thôn ra các đô thị. Du lịch cộng đồng cũng tham gia vào quá trình gìn giữ, phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy bình đẳng, cải thiện điều kiện giao thông, điện, nước, y tế, viễn thông tại Đà Bắc.

Uyên Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-da-bac-d92753.html