Đánh thức tiềm năng Đồng bằng sông Cửu Long

Mới 15h, chưa đến giờ tan tầm nhưng QL60 đoạn gần cầu Rạch Miễu vẫn ùn ứ, phương tiện nhích từng bước để qua cầu.

Xây dựng cầu Rạch Miễu 2 đang là đòi hỏi cấp thiết trước thực tế cầu Rạch Miễu hiện hữu thường xuyên ùn tắc do phải “cõng” trung bình mỗi ngày trên 16.800 lượt xe - Ảnh: Phan Tư

Xây dựng cầu Rạch Miễu 2 đang là đòi hỏi cấp thiết trước thực tế cầu Rạch Miễu hiện hữu thường xuyên ùn tắc do phải “cõng” trung bình mỗi ngày trên 16.800 lượt xe - Ảnh: Phan Tư

Được coi là khu vực có nhiều thuận lợi về địa hình, điều kiện tự nhiên, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa thể phát huy được tiềm năng, lợi thế này để phát triển KT-XH. Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là do kết nối hạ tầng giao thông yếu kém, chưa được khơi thông, kết nối.

Đường bộ chờ kết nối, đường thủy chưa thông

Một ngày cuối tháng 12/2018, mới 15h, chưa đến giờ tan tầm nhưng QL60 đoạn gần cầu Rạch Miễu vẫn ùn ứ, phương tiện nhích từng bước để qua cầu. “Cuối tuần, tôi thường từ TP HCM về Bến Tre thăm cha mẹ, thường xuyên gặp cảnh ùn tắc ở đoạn cầu này. Giai đoạn cuối năm, Tết đến sẽ càng khổ hơn vì ùn tắc”, anh Trần Thuận Thảo, quê ở TP Mỹ Tho than thở.

Theo Sở GTVT Bến Tre, cầu Rạch Miễu được xây dựng đã tạo cú hích cho phát triển KT-XH của tỉnh Bến Tre. Nhưng hiện trung bình mỗi ngày có trên 16.800 lượt xe qua cầu Rạch Miễu, riêng thứ bảy, chủ nhật lên đến hơn 18.500 lượt xe. Giao thông qua đây thường ùn tắc vào dịp cuối tuần, gây thiệt hại không nhỏ cho phát triển kinh tế của địa phương và các tỉnh khu vực ĐBSCL như Trà Vinh, Sóc Trăng.

“Trong năm, tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, nhiều DN đã đăng ký đầu tư các dự án nhưng cũng lo ngại tình trạng ùn tắc tại cầu Rạch Miễu sẽ ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa”, ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nói.

Là tuyến giao thông thủy quan trọng nối sông Tiền và sông Hậu, kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền giúp rút ngắn 37km giữa sông Tiền và sông Hậu, rút ngắn 45km quãng đường từ TP HCM đi các tỉnh ĐBSCL, tiết kiệm khoảng 133 tỷ đồng chi phí vận chuyển hàng năm. Tuy nhiên, trên tuyến kênh có chiều dài 20,8km này chỉ rộng từ 30 - 35m và sâu 2,0m, đáy kênh có nhiều đoạn bị bồi lắng cạn kiệt và có nhiều cầu giao thông nông thôn với tĩnh không thấp, không bảo đảm luồng giao thông thủy cho các phương tiện vận tải lớn.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nếu được đầu tư nâng cấp, đây sẽ là tuyến kênh chiến lược để giảm cự ly, giảm thời gian lưu thông, tăng năng lực vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa từ khu vực cảng Sa Đéc và cảng Cần Thơ, từ TP HCM đi Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau và ngược lại.

Xây dựng cầu Rạch Miễu 2, nâng cấp QL60 đoạn cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên, nâng cấp kênh Mương Khai - đốc Phủ Hiền là 3 trong số 18 danh mục dự án ưu tiên đầu tư nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông mà Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) nghiên cứu, đề xuất.

Theo ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT, mạng lưới giao thông đường bộ vùng ĐBSCL gồm 6 tuyến trục dọc và 9 tuyến trục ngang, nhưng do điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp nên các tuyến trục dọc, trục ngang và một số tuyến quốc lộ huyết mạch trong vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. ĐBSCL có tổng chiều dài đường thủy lên tới hơn 14.826km, toàn vùng có tới 57 cảng thủy nội địa và 3.988 bến thủy nội địa, nhưng trên 85% các cảng đều phân tán, manh mún, phần lớn chỉ có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn/ năm, chưa có bến gom hàng cho các cảng thủy nội địa lớn trong vùng.

Tương tự, ĐBSCL hiện có 7 cảng biển và 31 bến cảng nhưng chỉ đảm nhận được 20-25% tổng lượng hàng có nhu cầu vận tải bằng đường biển của cả vùng, chưa có cảng tiếp nhận được tàu đầy tải có tải trọng trên 20.000 DWT. Cảng lớn nhất trong vùng là cảng Cái Cui có năng lực tiếp nhận tàu trên 20.000 DWT, nhưng bị hạn chế của luồng sông Hậu nên cũng chưa khai thác hết công suất. Tới thời điểm này, vùng ĐBSCL có 4 CHK nhưng CHK quốc tế Cần Thơ hiệu quả khai thác mới đạt 28% công suất thiết kế, CHK Rạch Giá, Cà Mau có quy mô nhỏ, sử dụng bay quân sự, khả năng khai thác hạn chế…

“Với ĐBSCL, cần tăng cường đầu tư phát triển các loại hình vận tải, đặc biệt là đường thủy nội địa, đường biển, tận dụng thế mạnh của vùng”, ông Mười đề xuất.

Tháo điểm nghẽn, tăng kết nối

Ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho hay, ĐBSCL có khoảng 100km cao tốc, dù cả nước có hàng nghìn km cao tốc. “Tôi thấy đề án này tháo gỡ điểm tắc nghẽn, kết nối để nâng cao năng lực khai thác cho toàn vùng, không riêng cho 1 tỉnh nào, có đưa ra các danh mục dự án ưu tiên đầu tư nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL, có phân kỳ đầu tư rõ ràng là rất cần thiết”, ông Hoàng nói.

Theo ông Thân Đức Hường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, do giao thông chưa kết nối, Cà Mau nói riêng và ĐBSCL phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển du lịch... đều rất khó khăn, từ đó kéo theo văn hóa, xã hội... đều ít cơ hội phát triển.

“Đường sá không kết nối, hàng hóa làm ra tại đâu bán tại đó, làm sao được giá cao? Việc khơi thông điểm nghẽn, kết nối giao thông sẽ tạo nên sự đột phá cho địa phương và vùng, từ đó mới thu hút được đầu tư”, ông Hường nêu vấn đề.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu cho hay, đề án kết nối giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn cho giao thông ĐBSCL đã nêu rất rõ các bất cập, thực trạng, hướng phát triển về GTVT, từ đó có những nghiên cứu, đề xuất rất cụ thể để phát triển GTVT trong vùng. “Từ TP HCM về Sóc Trăng chỉ hơn 200km mà đi xe khách mất 6 tiếng đồng hồ, chỉ có khoảng 50km được đi trên cao tốc. “Hệ thống giao thông ở đây sẵn có, chúng ta chỉ cần mở rộng, nâng cấp, khơi thông những vị trí còn tắc nghẽn, bất cập”, ông Sáu đề xuất.

Chọn những tuyến đường đột phá ưu tiên đầu tư trước

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, ĐBSCL kết nối giao thông chưa được tốt, một số trục liên kết vùng chưa hoàn chỉnh, một số vùng có tiềm năng rất lớn nhưng chưa kết nối được nên giao thông ở đây chưa bằng các khu vực khác. Để ĐBSCL không bị tụt hậu so với các vùng khác, cần tăng cường kết nối hệ thống GTVT các tỉnh trong vùng, liên vùng và quốc tế trên cơ sở phát huy lợi thế về đường thủy nội địa, đường biển sẵn có, làm sao đường thủy và đường bộ có thể thay thế vai trò cho nhau, tập trung đưa hàng xuống đường thủy, đường bộ chủ yếu là vận tải hành khách.

“Để làm được việc này phải có nhiều thời gian, ngoài việc Bộ nghiên cứu trình Chính phủ phê duyệt, cần báo cáo Quốc hội để có nguồn vốn nhất định đầu tư một số trục đường. Hiện, ngân sách khó khăn, Bộ sẽ chọn những tuyến đường đột phá, mang tính chất quyết định cho vùng sẽ tham mưu, đầu tư trước. Còn những tuyến đường thứ yếu, sẽ đầu tư sau để trong thời gian ngắn nhất có thể khai thác được tiềm năng, thế mạnh khu vực thông qua kết nối GTVT”, Bộ trưởng nói.

Như cảng biển, hiện 90% hàng hóa xuất nhập khẩu vào vùng ĐBSCL được vận chuyển bằng đường biển, nhưng 80% lượng hàng hóa lưu thông qua cụm cảng vùng Đông Nam bộ bởi cả 13 tỉnh ĐBSCL không có một cảng lớn. Cảng Cái Cui (Cần Thơ) được xây dựng năm 2006 có thể đón tàu 20.000 DWT không thể phát huy năng lực dù kênh Quan Chánh Bố giai đoạn 1 đã hoàn thành nhưng do hệ thống hậu cần cảng biển và dịch vụ logistics hầu như chưa phát triển nên chưa hấp dẫn được các chủ hàng.

“Nếu có cảng biển tốt, sân bay tốt, cả một khu vực có cơ hội phát triển rất cao để hình thành một điểm tập kết, xuất nhập hàng hóa cho khu vực, giảm thiểu chi phí vận tải, giảm ùn tắc và TNGT”, Bộ trưởng nói.

Nhóm PV

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/danh-thuc-tiem-nang-dong-bang-song-cuu-long-d407840.html