'Đánh thức' thị trường nông thôn

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, nhờ đa đạng hóa hình thức đưa hàng Việt về nông thôn, Sở Công Thương Hà Nội đã khẳng định vai trò không chỉ là cầu nối mà còn tạo hiệu ứng tích cực cho DN và người tiêu dùng, 'đánh thức' thị trường nông thôn.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Hội chợ hàng Việt được tổ chức ở huyện Thanh Trì. Ảnh: Công Hùng

Hiệu quả lớn

8 giờ tối, tại các điểm bán hàng lưu động xung quanh các KCN huyện Thạch Thất nhộn nhịp người tiêu dùng tới mua hàng hóa, bởi đây là thời điểm công nhân các nhà máy mua sắm sau một ngày làm việc chăm chỉ. Vừa chọn mua nước rửa bát Mỹ Hảo, sách vở Hồng Hà, sữa tươi Vinamilk... từ chuyến bán hàng lưu động của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), chị Nguyễn Thị Thêu (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất) cho biết, chị chọn mua những mặt hàng này vì giá rẻ, chất lượng tốt lại không phải đi xa tới trung tâm chợ huyện hoặc siêu thị để mua sắm.

Thực tế cho thấy, từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính đến nay, ngành Công Thương Hà Nội và các DN đã tổ chức 21 chuyến bán hàng dịp Tết Nguyên đán, 29 hội chợ hàng Việt, 244 phiên chợ Việt, 2.850 chuyến bán hàng lưu động… Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: “Các “Hội chợ hàng Việt", "Phiên chợ Việt", những chuyến đưa hàng về nông thôn cho thấy hoạt động này đã giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và mua sắm hàng Việt Nam chất lượng cao.

Cần những “cú hích”

Hiệu quả việc đa dạng hóa chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú (nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội), những chuyến hàng Việt về nông thôn hiện nay vẫn mang tính chất mùa vụ, diễn ra trong thời gian ngắn và không cố định nên chưa có chiều sâu.

Thực tế cho thấy, một trong những lý do khiến các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn còn mang tính “mùa vụ” là do sau khi mở rộng địa giới hành chính, hạ tầng thương mại trên địa bàn Thủ đô đã xuất hiện sự khập khiễng. Hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại, tiện nghi chỉ tập trung ở khu vực nội thành. Trong khi đó, thị trường nông thôn rộng lớn nhưng hệ thống thương mại lại thiếu, sức mua thấp nên khó thu hút DN đầu tư, phát triển.

Nhằm khắc phục điểm yếu này, qua đó đưa hàng Việt chiếm lĩnh sâu hơn thị trường nông thôn, Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư hệ thống bán lẻ. Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, ở thời điểm cuối năm 2008, TP Hà Nội có 10 trung tâm thương mại, 78 siêu thị (trong đó có 6 trung tâm thương mại và 60 siêu thị thuộc các quận nội thành; 4 trung tâm thương mại và 18 siêu thị thuộc các huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây) thì đến nay, Hà Nội đã có 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, hơn 700 cửa hàng tiện lợi trải rộng khắp từ các quận nội thành đến các huyện: Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì, Sóc Sơn. Không chỉ có vậy, dự kiến từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn TP sẽ có 605 chợ, trong đó có 7 chợ đầu mối.

Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy DN phát triển hệ thống bán lẻ tại thị trường nông thôn, bên cạnh sự “vào cuộc” của TP Hà Nội còn đòi hỏi Chính phủ và Bộ Công Thương cần có chính sách hỗ trợ DN phát triển kênh phân phối, không nên chỉ dừng lại ở những chuyến hàng lưu động “đến rồi đi”.

Các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa DN và người dân khu vực ngoại thành, mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước.

Đồng thời DN có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn để thay đổi định hướng kinh doanh, điều chỉnh sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần tại thị trường nông thôn.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hapro Vũ Thanh Sơn

Thu Hương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/danh-thuc-thi-truong-nong-thon-322039.html