Đánh thức nghệ thuật cổ điển sau dịch bệnh

Bình thường, để hút khán giả, tìm chỗ đứng cho nghệ thuật cổ điển trong thị trường nghệ thuật đa sắc thời hội nhập đã khó, sau dịch bệnh, tìm hướng đi, đánh thức nghệ thuật cổ điển lại càng khó hơn. Để đưa nghệ thuật cổ điển đến gần hơn với công chúng, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã đề ra nhiều giải pháp.

Đứng đầu VNOB, NSƯT Trần Ly Ly rất trăn trở làm sao để đưa nghệ thuật
cổ điển đến gần hơn với khán giả sau dịch bệnh (Ảnh: VNOB)

Là một trong những đơn vị nghệ thuật đứng đầu cả nước về biểu diễn nghệ thuật cổ điển, cũng như nhiều các đơn vị nghệ thuật khác, VNOB gặp rất nhiều khó khăn trong dịch COVID-19. Để tháo gỡ khó khăn này, tập thể, lãnh đạo, cán bộ diễn viên… VNOB phải đã nỗ lực tìm hướng đi, chủ động tháo gỡ khó khăn sau dịch.

Theo NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB, cũng như nhiều nhà hát trong cả nước, từ khi dịch bùng phát hầu như mọi hoạt động của nhà hát đều dừng lại. Sau khi dịch được khống chế, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VNOB bắt đầu khởi động trở lại đánh dấu bằng một chương trình nghệ thuật thử nghiệm như Around the world, Rock Symphony,… VNOB đang nỗ lực hướng đến việc đưa các tác phẩm nghệ thuật kinh điển tiệm cận với công chúng. Vở Ballet Hồ Thiên Nga là minh chứng rõ ràng nhất cho mục tiêu này. Sắp tới, VNOB sẽ tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao như vở Opera "Những người khốn khổ" nhưng theo phong cách Broadway hay vở ballet "Romeo và Juliet". Tuy nhiên, VNOB đang gặp nhiều khó khăn về mặt nguồn nhân lực, khi cả 3 đoàn đều thiếu biên chế. Việc đào tạo diễn viên, đạo diễn, biên đạo cũng có nhiều thách thức do thời gian gần đây, VNOB hầu như không có chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn.

Để hỗ trợ VNOB hoạt động trở lại, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với Nhà hát Lớn, Nhà hát Âu Cơ…. giảm giá thuê địa điểm, giúp VNOB có thể sáng đèn trở lại. Tuy nhiên về lâu dài, theo NSƯT Trần Ly Ly, VNOB cần có một địa điểm biểu diễn riêng, cố định để hoạt động hiệu quả hơn.

Năm 2019, việc tái dựng vở Ballet "Hồ Thiên Nga" đã tạo được tiếng vang lớn, góp phần lan tỏa nghệ thuật cổ điển trong công chúng (Ảnh: VNOB)

Với đặc thù của nhà hát chuyên về nghệ thuật cổ điển, để dựng được những tác phẩm chất lượng cao, các diễn viên, nghệ sĩ của VNOB cần được đào tạo ở nước ngoài, hoặc thuê các chuyên gia nước ngoài sang đào tạo, hướng dẫn cho các nghệ sĩ Ballet, Opera, đào tạo thêm các sinh viên sau khi tốt nghiệp về VNOB. Tuy nhiên, dù dịch COVID -19 đã được khống chế nhưng trên thế giới đặc biệt các nước châu Âu, có nền nghệ thuật cổ điển phát triển dịch đang bùng phát là điều khá khó khăn trong thời điểm hiện tại. Vì vậy việc đào tạo nguồn nhân lực phát triển nghệ thuật cổ điển có tính dài hơi trong lúc này gặp rất nhiều khó khăn.

Để đối phó với những khó khăn do dịch COVID- 19 gây ra, VNOB đang tính toán đến việc cân đối ngân sách, giảm số lượng, tăng chất lượng chương trình. Bên cạnh đó, VNOB cũng đang nỗ lực tìm hướng đi bằng việc xã hội hóa các chương trình biểu diễn nghệ thuật, tìm nguồn tài trợ nhờ tăng cường quảng bá sản phẩm nghệ thuật…. Với sự nỗ lực không ngừng của các nghệ sĩ, VNOB hy vọng những khó khăn sẽ dần được khắc phục và những tác phẩm kinh điển mang thương hiệu của VNOB như Viên đạn thần hay Hồ Thiên Nga… sẽ ngày càng nhiều./.

K.T

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/danh-thuc-nghe-thuat-co-dien-sau-dich-benh-556315.html