Đánh thức một thị trấn đang 'ngủ quên' trên núi Ba Vì

Sáng nay (9/9), tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm 'Phát huy giá trị phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì'. Tọa đàm đã được nghe các chuyên gia kiến trúc, bảo tồn, các nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử… đưa ra những đánh giá, đề xuất cách ứng xử phù hợp để 'đánh thức' các công trình phế tích đang bị 'ngủ quên' trên núi Ba Vì.

Vườn Quốc gia Ba Vì cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km về phía Tây. Tổng diện tích của Vườn là 10,816.6 ha thuộc địa giới hành chính của 16 xã thuộc 3 huyện của thành phố Hà Nội và 2 huyện của tỉnh Hòa Bình, trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.

Vườn Quốc gia Ba Vì không chỉ là rừng nguyên sinh nhiệt đới và ôn đới bảo vệ khí quyển và điều hòa khí hậu vùng Thủ đô, quan trọng hơn nó mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh và đặc biệt là sự tồn tại của gần 200 phế tích mà người Pháp đã xây dựng thị trấn và khu nghỉ mát cách đây gần 100 năm.

Các đại biểu từ trái qua phải: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, nhà sử học Dương Trung Quốc tham quan triển lãm.

Các đại biểu từ trái qua phải: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, nhà sử học Dương Trung Quốc tham quan triển lãm.

Qua ý kiến thảo luận có thể nhận dạng Vườn Quốc gia Ba Vì là một tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại cho nhân dân Thủ đô Hà Nội với các giá trị về khí hậu, cảnh quan và văn hóa, lịch sử đặc biệt làm cho toàn bộ khu vực này trở thành khu du lịch đa dạng, hấp dẫn cho Thủ đô và vùng Thủ đô.

Giáo sư Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, ở nước ta, có nhiều Vườn Quốc gia tương tự Ba Vì như Tam Đảo, Sapa, Cát Bà, Pù mát, Bạch Mã, Bà Nà, núi Bà, Bù Gia Mập, Phú Quốc, Côn Đảo…. Chúng ta đã biến các nơi này thành điểm đến hấp dẫn cho đồng bào cả nước và quốc tế và thành khu du lịch đẹp, hiệu quả. Quay về Ba Vì, có lẽ chúng ta không thể không chạnh lòng đặt câu hỏi: "Tại sao cách Hà Nội chỉ 60km – 1 giờ đi ô tô mà 20 – 25 năm nay Ba Vì không có nhiều đổi thay để phục vụ nhân dân?".

"Là người gắn bó với Ba Vì gần 20 năm, tôi tự thấy mình có lỗi với Thủ đô, để di sản, tài nguyên ấy ngủ yên, và ngày càng bị lãng quên. Do chúng ta không có năng lực, không có nhu cầu hay không có tài quản lý?. Đó là những câu hỏi đặt ra cho kho tài nguyên Ba Vì, mà Tọa đàm hôm nay các diễn giả đặt ra để tìm lời giải" - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn nhận định.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp đề xuất khai thác nên phế tích kết hợp với thảm thực vật trong Vườn quốc gia Ba Vì để phục vụ du lịch, giáo dục trực quan sinh động theo hướng: Phục dựng, chỉnh trang những không gian văn hóa - kiến trúc Pháp nguyên bản trên nền phế tích cũ; tạo lập không gian kiến trúc mới kết hợp với nền phế tích cũ một cách hài hòa, hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên; giữ nguyên những phế tích với cây cổ thụ ôm cuốn trên tường, xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ để tăng tính tương phản nhằm tô điểm cho quá khứ – hiện tại; đầu tư, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên một cách có nội dung và có quy hoạch.

Các đại biểu tham gia phần trao đổi tại Tọa đàm.

Cùng chia sẻ và ủng hộ quan điểm bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn theo kinh nghiệm trên thế giới đã làm, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: “Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó.

Tuy nhiên trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp”.

Tọa đàm cũng trưng bày một số triển lãm về các hồ sơ, quyết định, bản vẽ quy hoạch, kiến trúc... mà người Pháp đã xây dựng tại núi Ba Vì cùng các bức ảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và thơ mộng của Ba Vì.

Cảnh sắc ấy cần được "giữ gìn, bảo tồn, phát huy với những dấu tích lịch sử và tiếp tục chỉnh trang, tạo lập những không gian văn hóa - kiến trúc một cách phù hợp, hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên vốn có sẽ có tác dụng bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc của núi rừng Ba Vì giúp cho vùng đất này giữ được vẻ ngoạn mục và sống trường tồn cùng với thời gian" - nhà bảo tồn Lê Thành Vinh nhận xét.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/danh-thuc-mot-thi-tran-dang-ngu-quen-tren-nui-ba-vi-112757.html