'Đánh thức' lịch sử nghìn năm của các kinh thành

Sau 10 năm thành lập (2011-2021), Viện Nghiên cứu Kinh thành (NCKT), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, thiết kế trưng bày bảo tàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện NCKT cho biết, viện đã và đang triển khai nhiều dự án nhằm quảng bá di sản văn hóa Việt Nam.

 PGS, TS Bùi Minh Trí.

PGS, TS Bùi Minh Trí.

Phóng viên (PV): Nghiên cứu và phục dựng kinh thành vẫn luôn là thách thức lớn với nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, các kinh thành không còn nhiều, thậm chí chỉ là những mảnh vỡ nằm sâu dưới lòng đất. Vậy các nhà khoa học đã làm như thế nào để giải mã được những bí ẩn đó, thưa ông?

PGS, TS Bùi Minh Trí: Trong nhiều năm qua, nghiên cứu giải mã những bí ẩn kinh thành Việt Nam đã được các nhà khoa học dành tâm huyết thực hiện dựa trên các cuộc khảo cổ học. Cụ thể với di sản Hoàng thành Thăng Long (HTTL), Viện NCKT đã nhận nhiệm vụ thực hiện Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long” (gọi tắt là Dự án Chỉnh lý), bao gồm nhiệm vụ tổ chức tái điều tra, khai quật, nghiên cứu, đánh giá giá trị khu di tích HTTL tại đường Hoàng Diệu.

Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất tại khu vực đường Hoàng Diệu đã tìm thấy một quần thể gồm 53 dấu tích nền móng công trình kiến trúc, 7 móng tường bao, 6 giếng nước, minh chứng xác thực lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long hoa lệ dưới vương triều Lý. Đây được xem là phát hiện quan trọng nhất của khảo cổ học Việt Nam từ trước tới nay. Và nhờ phát hiện lịch sử này, HTTL sau đó đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 10-2010.

Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn những tầng lớp lịch sử dày đặc, lại do chưa có nhiều cứ liệu nên sau 10 năm kể từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, HTTL vẫn chưa thể giới thiệu đến công chúng về hình ảnh và vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc cung điện trong hoàng cung Thăng Long xưa-cung điện không thua kém so với các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở châu Á.

PV: Giải mã bước đầu bí ẩn của cung điện thời Lý cùng những phát hiện mới trong quá trình khảo cổ khu di sản HTTL, viện đã làm cách nào để đưa những giá trị lịch sử quý giá của dân tộc đến gần với công chúng?

PGS, TS Bùi Minh Trí: Khoa học không phải để cất trong ngăn tủ mà hãy đưa giá trị ấy đến với mọi người. Chính vì thế, việc “đánh thức” những giá trị lịch sử và đưa gần tới công chúng là mục đích của chúng tôi.

Nghiên cứu khoa học, sáng tạo ý tưởng trưng bày và ứng dụng công nghệ được xem là thế mạnh vượt trội của viện trong lĩnh vực thiết kế trưng bày bảo tàng ở Việt Nam. Tiêu biểu là Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”, thuộc nhiệm vụ đặc biệt cấp Nhà nước được viện thực hiện. Đây là dự án quy mô lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng rất đặc biệt về chính trị và khoa học; đồng thời cũng là dự án rất khó, bởi chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Tại đây, lịch sử vàng son của kinh đô Thăng Long hoa lệ được diễn giải sinh động, với phong cách trình diễn công nghệ mapping, media, hologram, đồ họa và ánh sáng, âm thanh hiện đại, tạo ấn tượng sâu sắc và đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.

Không gian trưng bày dưới hai tầng hầm Nhà Quốc hội được cấu trúc theo lát cắt địa tầng khảo cổ học, diễn giải lịch sử từ xưa lại gần và trưng bày lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật. Trong đó, di tích là hồn cốt, di vật là điểm nhấn của các không gian. Kết nối không gian giữa hai tầng hầm là hình ảnh rồng bay thời Lý được tái hiện từ huyền thoại lịch sử và từ di vật khảo cổ học, được trình chiếu bằng công nghệ 3D và mapping, phản ánh về sự tiếp nối truyền thống của trung tâm quyền lực trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đưa lại cảm xúc tự hào về Kinh đô Thăng Long - Kinh đô rồng bay.

Không gian trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội được Viện Nghiên cứu Kinh thành thực hiện.Ảnh: TRƯỜNG GIANG.

PV: Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu HTTL, viện còn thực hiện những nhiệm vụ nào khác, thưa ông?

PGS, TS Bùi Minh Trí: Trong 10 năm qua, viện đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cùng với Dự án chỉnh lý HTTL (nhiệm vụ trọng điểm cấp bộ, thực hiện từ năm 2011 đến 2025), viện đã thực hiện nhiệm vụ “Khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) thuộc Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa (văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”. Điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại nhiều địa phương và đã có nhiều phát hiện mới rất quan trọng, như: Phát hiện Hành cung Lỗ Giang tại Hưng Hà (Thái Bình); phát hiện di chỉ lò nung vật liệu kiến trúc thời Trần tại Pù Lườn Xe, nằm trong quần thể di tích kiến trúc Phật giáo Hắc Y-Bến Lăn ở huyện Lục Yên (Yên Bái); khai quật di chỉ sản xuất gốm Chăm Pa ở Bình Định... Gần đây nhất, viện đã thực hiện Dự án “Trưng bày quảng bá di sản văn hóa thời Đinh-Tiền Lê” tại di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)...

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030, viện sẽ tập trung hoàn thành nhiệm vụ trọng điểm Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích HTTL” vào năm 2025; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn về các di tích kinh thành cổ của Việt Nam; đẩy mạnh công tác điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ kinh thành, các trung tâm chính trị, văn hóa của các vương triều trong lịch sử; xây dựng và phát triển ngành khoa học bảo tồn bảo tàng, đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào phục vụ đời sống xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/danh-thuc-lich-su-nghin-nam-cua-cac-kinh-thanh-657814