'Đánh thức' kinh tế biển

Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên công bố tầm nhìn quốc gia 2030, 2045. Vậy phải làm gì để đạt được mục tiêu trong tầm nhìn ấy?

Câu trả lời sẽ được trao đổi tại Diễn đàn “Tầm nhìn 2045 và hành động của Việt Nam” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. BBT mong nhận được bài viết của các chuyên gia, doanh nghiệp và độc giả tại: tamnhin2045@dddn.com.vn.

Để có thể đạt được GDP bình quân đầu người từ nay đến năm 2030 khoảng 18.000 USD (theo giá PPP năm 2011), Việt Nam cần hướng đến phát triển mạnh kinh tế biển, logistics và chuỗi cung ứng hàng hóa cho toàn thế giới. Đây là chia sẻ của PGS.TS Tạ Văn Lợi – Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) với báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Tạ Văn Lợi, để đạt được mức thu nhập 18.000 USD vào năm 2030 hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố. Thứ nhất, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có đạt được như kỳ vọng hay không. Thứ hai, khả năng đóng góp vào nền kinh tế của các doanh nghiệp này.

- Nói cách khác, đó chính là chất và lượng của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

Nếu xét về tỉ lệ số lượng doanh nghiệp Việt Nam trên dân số thì Việt Nam vẫn là quốc gia có tỉ lệ thấp trên thế giới. Đơn cử, Nhật Bản hiện có khoảng 24 triệu doanh nghiệp trên 127 triệu dân. Còn tại Việt Nam mặc dù đã gỡ bỏ rất nhiều các rào cản về thành lập doanh nghiệp, nhưng theo số liệu tương đối xác thực thì Việt Nam hiện mới có khoảng 700.000 – 800.000 doanh nghiệp.

Cơ cấu của gần 800.000 doanh nghiệp hiện nay lại chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho nên thời gian gần đây, nền kinh tế hộ gia đình đang rất được quan tâm và kỳ vọng sẽ góp phần làm tăng trưởng GDP mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi, cho dù tính toán bằng công thức nào thì tổng thể GDP của nền kinh tế cũng bằng cầu tiêu dùng. Vì vậy, dù có tính thêm kinh tế hộ gia đình thì cũng không thể làm GDP tăng vượt bậc trong thời gian tới.

- Vậy theo ông, điều gì có thể giúp GDP tăng bậc?

Để giúp nền kinh tế tăng trưởng cao, chúng ta phải kích thích số lượng doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Còn có đạt được hay không thì phải theo dõi kịch bản định hướng tăng trưởng của từng năm.

Thường sau 5 năm sẽ có cuộc rà soát những khó khăn để tháo gỡ. Vì vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ phải thực hiện lộ trình cụ thể kế hoạch kinh doanh trong 5 năm với những bước đột phá mạnh mẽ thì mới có thể đạt được mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn thế mạnh quốc gia.

- Đó là thế mạnh gì, thưa ông?

Tôi đồng tình với nhiều quan điểm chiến lược Việt Nam sẽ hướng đến phát triển kinh tế biển, và đây có thể là hướng chiến lược. Kinh tế biển ở đây bao hàm rất nhiều vấn đề không chỉ riêng đánh bắt cá, trong đó còn có phát triển tài nguyên thềm lục địa như dầu khí, khí đốt, khoáng sản… Tôi rất mong muốn Việt Nam sẽ phát triển tổng thể kinh tế biển.

- Theo ông, Việt Nam cần định hình chiến lược kinh tế biển như thế nào?

Nói đến chiến lược thường sẽ tập trung vào những thế mạnh. Ở Việt Nam có trên 3.000 km bờ biển, nhưng lại chưa phát huy hết chính thế mạnh này. Mặc dù Việt Nam đang là một trong những quốc gia có vị trí đắc địa nhất, nhưng tại sao Singapore, Đài Loan, Hồng Kông… mới là những điểm trung chuyển hàng hóa sầm uất nhất trong khu vực và trên thế giới?

Bởi vì chúng ta chưa có một chiến lược đúng đắn về chiến lược biển. Tôi ủng hộ cách nhìn nhận và xác định mục tiêu chiến lược của Việt Nam là phát triển mạnh kinh tế biển từ nay đến năm 2030 và các năm tiếp theo. Điểm mấu chốt là chúng ta phải tháo gỡ nút thắt yếu kém về sự liên kết và đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, những lợi thế tự nhiên thì đương nhiên chúng ta chắc chắn có, đó là dầu mỏ, khí đốt, hải sản… Nhưng nếu biết ứng dụng khoa học công nghệ, chúng ta có thể biến những vùng đất không thể trồng cấy dọc các bờ biển và hải đảo trở thành những vùng nuôi trồng thủy sản, đi cùng đó là phát triển logistics và chuỗi cung ứng đủ mạnh để cung cấp theo phương thức hiện đại, chỉ trong vòng 24 giờ là có thể mang đến tận bàn ăn của bất kỳ khách hàng nào toàn trên thế giới thì giá trị gia tăng sẽ tăng lên rất nhiều.

- Theo quan điểm của ông, kinh tế biển sẽ là thế mạnh quốc gia của Việt Nam trong bao nhiêu năm tới?

Việt Nam phải lấy kinh tế biển và phương thức phục vụ làm thế mạnh quốc gia trong tương lai, thậm chí đến cả sau 2015, điều lâu nay chúng ta quên không “đánh thức”. Một khi kinh tế biển “bừng tỉnh”, logistics cùng chuỗi cung ứng phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thì chiến lược về tầm nhìn 2045 sẽ về đích như kỳ vọng.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Việt thực hiện

Bạn đang đọc bài viết “Đánh thức” kinh tế biển tại chuyên mục Thời sự của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/danh-thuc-kinh-te-bien-147118.html