Đánh thức giấc mơ 'ngủ đông' điện hạt nhân: Bài 4 - Viện Năng lượng khuyến nghị gì?
Những 'bước đi' năng động, sáng tạo, có lộ trình sẽ góp phần thành công khi tái khởi động chương trình điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Sau gần một thập kỷ tạm hoãn, chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội được tái khởi động trong bối cảnh năng lượng sạch trở thành ưu tiên toàn cầu.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tham vọng này, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ từ nhiều phía. Từ xây dựng sự đồng thuận xã hội, phát triển nguồn nhân lực, củng cố cơ sở hạ tầng đến hoàn thiện khung pháp lý. Những hành động ngay từ bây giờ sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên điện hạt nhân với niềm tin và sự ủng hộ rộng rãi từ toàn xã hội.
Tiếp nhận kinh nghiệm quốc tế
Trong những năm gần đây, xu thế phát triển điện hạt nhân vẫn được duy trì ở các thị trường hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, thay thế các nguồn điện có phát thải lớn. Nhóm các quốc gia tiếp tục coi trọng điện hạt nhân trong chính sách năng lượng của mình bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Một số quốc gia có sự thay đổi chính sách đối với điện hạt nhân như Đức, Thụy Điển. Bên cạnh đó, một số quốc gia mới nổi, lần đầu tiên xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh. Một số quốc gia quan tâm đến điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.
Điển hình, trong nhóm các quốc gia tiếp tục coi trọng điện hạt nhân, Mỹ là nước có số tổ máy điện hạt nhân nhiều nhất thế giới, 94 tổ máy đang vận hành với tổng công suất khoảng 96,9 GWe, đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng điện hàng năm. Tuy là quốc gia dẫn đầu về điện hạt nhân, nhưng việc phát triển xây dựng điện hạt nhân đã chững lại sau tai nạn hạt nhân đảo Three Mile (1979, Pennsylvania). Gần đây, Mỹ bắt đầu xây dựng các lò mới tiên tiến thế hệ III+ là AP1000 tại Vogtle và VC Summer, trong đó, tổ máy số 3 Vogtle bắt đầu vận hành từ tháng 7/2023.
Về Liên bang Nga, Liên Xô (cũ) là quốc gia vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào ngày 27/6/1954 (năm nay Nga kỷ niệm 70 năm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới). Hiện nay, Nga đang vận hành 36 tổ máy với tổng công suất 26,8 GWe, chiếm 19,6% sản lượng điện quốc gia. Nga hiện có ngành công nghiệp hạt nhân toàn diện từ khai thác, chế tạo nhiên liệu, thiết kế xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong nước cũng như xuất khẩu điện hạt nhân ra nước ngoài. Thiết kế VVER của Nga an toàn và hiệu quả đã được chứng minh mấy chục năm nay, đặc biệt thiết kế VVER-1200 (thế hệ III+) đáp ứng các yêu cầu an toàn hậu sự cố Fukushima. Cho đến nay, chính phủ Nga thực hiện chiến lược giảm nhiên liệu hóa thạch, tăng tỷ lệ năng lượng hạt nhân từ 20% hiện nay lên 37% trong tương lai gần, nhằm đảm bảo phát thải carbon thấp hơn châu Âu vào năm 2050.
Tại châu Á, sau sự cố Fukushima, hiện nay Nhật Bản đang cố gắng tái khởi động các tổ máy điện hạt nhân sau khi nâng cấp các hạng mục theo yêu cầu của cơ quan pháp qui. Hai lò phản ứng đầu tiên đã khởi động lại vào tháng 8 và tháng 10/2015, với 10 lò phản ứng khác đã khởi động lại kể từ đó.
Kế hoạch năng lượng cơ bản lần thứ 5 được phê duyệt vào tháng 7/2018 duy trì tỷ lệ điện giống như đã thỏa thuận vào giữa năm 2015. Vào tháng 10/2021, kế hoạch sản xuất điện đến năm 2030 được phê duyệt tại Nhật Bản. Mục tiêu hạt nhân cho năm 2030 là 20-22%, không thay đổi so với mục tiêu trong kế hoạch năm 2015 nhưng năng lượng tái tạo tăng đáng kể lên 36-38%, bao gồm địa nhiệt và thủy điện. Hydro và amoniac được đưa vào ở mức 1%. Kế hoạch sẽ yêu cầu khởi động lại 10 lò phản ứng khác.
Hay như Trung Quốc khởi động chương trình điện hạt nhân vào năm 1970. Khi đó, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc dưới 70 USD/người, điện tiêu thụ trên đầu người cũng chỉ 126 kWh/năm (năm 2007 điện bình quân đầu người của Trung Quốc là 2483 kWh/năm). Quốc gia này khá giàu tài nguyên năng lượng, nhất là than đá.
Một trong những nguyên nhân để Trung Quốc xây dựng điện hạt nhân là tài nguyên than tập trung phần lớn ở khu vực Tây Bắc, trong khi khu vực năng động phát triển kinh tế lại phân bố ở miền Nam và Đông Nam, rất xa các vùng mỏ than. Hiện nay, Trung Quốc đã tự phát triển được công nghệ lò nước nhẹ tiên tiến thế hệ III+ (Hualong One), đang được Cơ quan Pháp quy hạt nhân của Anh (ONR) đánh giá để cấp phép an toàn.
Tiếp đến, trong nhóm quốc gia có sự thay đổi chính sách đối với điện hạt nhân, Đức là một ví dụ điển hình. Mặc dù đến năm 2009, Chính phủ nước này tuyên bố thực hiện chính sách không xây dựng mới nhà máy điện và dự kiến 20 năm sau, đến 2022 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng sẽ ngừng hoạt động. Tuy nhiên, Đức vẫn tiếp tục cộng tác với Pháp để nghiên cứu các loại lò phản ứng tiên tiến có độ an toàn cao hơn. Vấn đề tuyên bố dừng phát triển điện hạt nhân của Đức cũng mang yếu tố chính trị. Mặt khác, Đức hiện nhập khẩu điện từ các nhà máy điện hạt nhân của Pháp dễ dàng để đáp ứng nhu cầu của nước mình. Nguyên nhân chính dừng phát triển điện hạt nhân ở Đức là do Đảng Xanh lúc đó đang thắng thế, và Đức đẩy mạnh chương trình phát triển năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời.
Tuy nhiên, vào tháng 10/2022, Thủ tướng Đức đã quyết định 3 lò phản ứng điện hạt nhân còn lại của Đức sẽ tiếp tục hoạt động để bù đắp cho nguồn cung cấp khí đốt giảm từ Nga cho đến tháng 4/2023.
Về một số quốc gia mới nổi, lần đầu tiên xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân, UAE đã xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Barakah đầu tiên với 4 tổ máy APR1400 của Công ty Điện lực Hàn Quốc (Kepco). Tổ máy 1 được hòa lưới vào năm 2020, tiếp theo là tổ máy 2 vào năm 2021 và tổ máy 3 vào năm 2022. Tổ máy 1 bắt đầu vận hành thương mại vào tháng 4/2021, tổ máy 2 vào năm 2022 và tổ máy 3 vào năm 2023. Khi cả 4 tổ máy đều hoạt động hết công suất, Nhà máy Barakah sẽ tạo ra 40 TWh điện mỗi năm và cung cấp tới 25% lượng điện của UAE, đóng góp tới 25% đóng góp do quốc gia tự quyết định của UAE cho Net Zero và là nguồn cung cấp điện sạch lớn nhất.
Đáng chú ý, nhiều quốc gia tại Đông Nam Á cũng đang quan tâm tới điện hạt nhân. Tại Philippines, vào tháng 3/2022, cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của nước này. Tiếp đó, sau khi đắc cử vào tháng 5/2022, Tổng thống Ferdinand Marcos Junior đã tuyên bố có kế hoạch mở cửa trở lại Nhà máy điện hạt nhân Bataan (dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Đông Nam Á) đã hoàn thành vào năm 1984 nhưng chưa được đưa vào hoạt động.
Tại Singapore, mặc dù quy mô lưới điện khá nhỏ, tháng 3/2022 cũng tuyên bố đã xác định điện hạt nhân là nguồn năng lượng tiềm năng vào năm 2050. Thái Lan cũng đã đưa điện hạt nhân vào quy hoạch điện quốc gia từ những năm 2000, nhưng kế hoạch xây dựng lò phản ứng đã bị hoãn lại do sự cố Fukushima. Tại Diễn đàn APEC ở Bangkok tháng 11/2022, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ cho Thái Lan triển khai công nghệ lò SMR.
Những thông tin đã đề cập cho thấy, xu hướng phát triển điện hạt nhân là tất yếu trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển điện hạt nhân tại các quốc gia trên thế giới rất khác nhau. Trên cơ sở bài học kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định rằng Việt Nam cần tham khảo, học hỏi và thực hiện nghiên cứu một cách chi tiết, vận dụng một cách linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của mình, để có thể phát triển nhà máy điện hạt nhân. Dưới đây là một số bài học kinh nghiệm phát triển nhà máy điện hạt nhân của các quốc gia trên thế giới có thể được rút ra như sau:
Một là, có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về việc phát triển điện hạt nhân vì mục đích hòa bình. Việc thực hiện một chương trình điện hạt nhân quốc gia đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức trong nước và quốc tế.
Hai là, có sự phối hợp giữa chương trình điện hạt nhân và chương trình phát triển quốc gia. Chương trình điện hạt nhân cần được coi là một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia, việc nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân khó thành công nếu không có cơ sở nền tảng của công nghiệp nặng như cơ khí, hóa chất...
Ba là, kết hợp vốn kiến thức và kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển với việc đảm bảo nguồn nhân lực trong nước có khả năng thực hiện thành công chương trình điện hạt nhân.
Bốn là, công tác tuyên truyền điện hạt nhân cần phải tiến hành với cách thức về cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Năm là, đầu tư liên tục cho phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Việc phát triển dự án điện hạt nhân không chỉ phục vụ mục đích phát điện để phát triển kinh tế - xã hội, mà còn nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của quốc gia, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật quốc gia trên tất cả các lĩnh vực.
Sáu là, cần phải chủ động sớm có lộ trình xây dựng khuôn khổ hệ thống pháp quy về an toàn hạt nhân trong cả nước, để kiểm soát an toàn hạt nhân một cách chặt chẽ. Cần chủ động xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hạt nhân, sớm xây dựng một khuôn khổ pháp quy về an toàn hạt nhân cho điện hạt nhân.
Bảy là, có chiến lược nhằm đảm bảo nguồn nhân lực và hệ thống đào tạo hạt nhân quốc gia. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực bao gồm ngắn hạn và dài hạn; chiến lược ngắn hạn nhằm đảm bảo nhân lực ban đầu chất lượng cao cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, chiến lược dài hạn là nhằm đảm bảo nhân lực cho cả chương trình hạt nhân quốc gia trong dài hạn.
Tám là, hợp tác quốc tế tích cực kết hợp với việc tiếp thu ý kiến phản hồi, đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia cần tuân thủ hướng dẫn của IAEA cũng như xây dựng tiêu chuẩn theo đặc thù của quốc gia. Vì thế, hợp tác quốc tế chặt chẽ và nghiên cứu công nghệ thế giới nhằm đảm bảo an toàn là rất quan trọng, nhất là khi bắt đầu khởi động chương trình điện hạt nhân.
Đẩy mạnh sự đồng thuận xã hội
Một trong những "rào cản" lớn nhất đối với điện hạt nhân là tâm lý e ngại của công chúng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự đồng thuận của xã hội đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy chương trình điện hạt nhân.
Về vấn đề này, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết rằng, với lịch sử hơn 70 năm phát triển, ngành năng lượng hạt nhân đã có những đóng góp to lớn tới nền kinh tế quốc dân nhiều nước. Nhưng bên cạnh đó, năng lượng hạt nhân có những đặc thù riêng có ảnh hưởng tâm lý của công chúng nên không ít các quốc gia đã phát triển điện hạt nhân khó đẩy mạnh phát triển điện hạt nhân, cũng như các nước mới bắt đầu điện hạt nhân cũng gặp không ít khó khăn.
Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định, thông tin tuyên truyền đại chúng là những thông tin được cung cấp phải dễ hiểu, tổng hợp và phù hợp với tùy từng đối tượng. Công tác thông tin tuyên truyền phải được tiến hành đem lại cho công chúng một cái nhìn công bằng với ngành hạt nhân, không nên thái quá đưa tin một chiều, hoặc ngược lại che đậy các sự thật, sẽ gây ra mất lòng tin, dẫn tới sự phản đối việc phát triển điện hạt nhân.
Nâng tầm chất lượng kỹ thuật
Việc phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân tại Việt Nam cần thực hiện theo ba giai đoạn, kéo dài từ 10 đến 15 năm, dựa trên hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Hiện tại, Việt Nam phải rà soát lại toàn bộ các tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng hạt nhân, đặc biệt chú trọng đến 19 yếu tố then chốt, trong đó có các cơ sở hạ tầng về an toàn và an ninh hạt nhân theo hướng dẫn của IAEA (NG-G-3.1 và SSG-16). Các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm, và cơ sở đào tạo phải được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ngành năng lượng hạt nhân tại Việt Nam.
An toàn cho nhà máy điện hạt nhân cũng là một vấn đề quan trọng không chỉ đối với các quốc gia sở hữu công nghệ này mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Theo các nguyên tắc quốc tế, các nhà máy điện hạt nhân phải được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công trong thời gian chiến tranh và chống lại các mối đe dọa khủng bố.
Trong bối cảnh thế giới căng thẳng về địa chính trị như hiện nay, PGS.TS Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho rằng, an toàn tuyệt đối là không thể có trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhưng có thể thiết lập những tiêu chuẩn an toàn chấp nhận được. Chính vì vậy, các công nghệ mới trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân ngày nay đã được cải tiến để ngăn ngừa các sự cố nghiêm trọng như nóng chảy vùng hoạt của lò phản ứng mà vẫn không gây phát tán phóng xạ.
Về việc làm chủ công nghệ nhà máy điện hạt nhân, ông Vương Hữu Tấn khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ này. Dù có sự khác biệt giữa điện hạt nhân và các loại nhiệt điện truyền thống, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc quản lý và vận hành các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện khí. Với đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm từ việc vận hành các lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, Việt Nam có thể nhanh chóng làm chủ công nghệ điều khiển các nhà máy điện hạt nhân, như đã chứng minh trong quá trình vận hành lò phản ứng Đà Lạt.
Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển ngành điện hạt nhân, cần triển khai các giải pháp chiến lược và quy hoạch đồng bộ. Cụ thể, việc lập Quy hoạch phát triển điện hạt nhân sẽ làm rõ tiềm năng của các loại hình nhà máy điện hạt nhân, bao gồm quy mô lớn, quy mô nhỏ (SMR) và siêu nhỏ (mSMR). Đồng thời, cần xác định các vị trí tiềm năng và khả thi để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Một bước quan trọng nữa là cập nhật và điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, nhằm xác định rõ quy mô và thời điểm triển khai các tổ máy điện hạt nhân, cũng như các quy hoạch liên quan. Những nỗ lực này sẽ là nền tảng quan trọng trong việc phát triển bền vững nguồn năng lượng hạt nhân tại Việt Nam.
Củng cố khung pháp lý
Theo thông tin từ Viện Năng lượng, cơ quan pháp quy hiện nay đang được hiểu là Cục an toàn bức xạ và hạt nhân (VARANS) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, để trở thành Cơ quan Pháp quy hạt nhân cũng cần phải kiện toàn bộ máy, nhiều quốc gia có điện hạt nhân đã xây dựng Cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập, không trực thuộc bộ nào, đảm bảo tính khách quan.
Việt Nam đã có Luật Năng lượng nguyên tử (ban hành năm 2008) và đã xây dựng được hệ thống 5 nghị định và 30 thông tư hướng dẫn. Tiếp đó, các văn bản quy phạm pháp luật được đẩy mạnh xây dựng phục vụ giai đoạn chuẩn bị Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1-2. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương dừng dự án, các hoạt động liên quan đến xây dựng văn bản pháp luật đã không được ưu tiên. Trong trường hợp khởi động lại phát triển điện hạt nhân, cần ưu tiên rà soát, cập nhật, xây dựng các văn bản pháp luật liên quan nhà máy điện hạt nhân.
Hiện nay đang có nhiều ý kiến liên quan đến lò nhỏ SMR, nhưng lại thiếu vắng những tài liệu hướng dẫn, quy định về yêu cầu địa điểm đối với lò SMR. Như vây, việc lựa chọn địa điểm cho điện hạt nhân SMR vẫn cần tuân thủ Thông tư số 13/2009/TT-BKHCN hướng dẫn đánh giá sơ bộ về an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy điện hạt nhân trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, Thông tư số 28/2011/TT-BKHCN quy định yêu cầu về an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy điện hạt nhân. Cơ quan hữu quan nên nghiên cứu sớm ban hành thông tư, quy định về lựa chọn địa điểm cho lò SMR.
Các nhà máy điện hạt nhân nổi cũng đang chưa có các Công ước quốc tế về di chuyển qua biên giới quốc tế, quá cảnh qua vùng biển nước thứ 3. Do đó, cần sớm nghiên cứu phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong trường hợp phát triển điện hạt nhân nổi.
(Còn nữa)