Đánh thức di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

Năm 2010, quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội – Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới.

Sau 10 năm, đến nay, di tích công trình kiến trúc đồ sộ của nhiều triều đại trong lịch sử đang trở thành điểm đến hấp dẫn với người dân trong nước và khách quốc tế.

Được biết, để có một Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội như hôm nay là một hành trình với không ít khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp của cả các nhà quản lý lẫn các nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về văn hóa, lịch sử, khảo cổ học.

Kinh đô hoa lệ nước Đại Việt

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu trước đây là khu tập thể quân đội. Khu vực này nằm trong quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, di dời để thực hiện Dự án xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới).

Thực hiện Luật Di sản, trước khi khởi công các công trình kiến trúc quan trọng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (khi đó là Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam), trực tiếp là Viện Khảo cổ học được giao trách nhiệm khai quật nhanh để sớm bàn giao khu vực 18 Hoàng Diệu cho Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lại yêu cầu thám sát khảo cổ rồi trả lại mặt bằng 48.000m² là diện tích vùng lõi trong vòng 3 tháng với mỗi hố thám sát chỉ có 4m². Trong khi đó, ý kiến chung của giới khoa học, chủ yếu gồm các nhà khảo cổ học, sử học là cần phải khai quật một cách tổng thể.

Một luận cứ khoa học đã được Viện Khảo cổ học xây dựng nhằm đề xuất chương trình khai quật khảo cổ tổng thể 48.000m². Sau khi xem xét và lấy ý kiến của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, Chính phủ đã đồng ý cho triển khai dự án mổ 20 hố thăm dò, mỗi hố có diện tích 100m².

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long hiện nay.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long hiện nay.

“Việc khai quật được tiến hành vừa cẩn trọng, vừa tràn đầy hy vọng. Mỗi tầng văn hóa được phát hiện, mỗi hiện vật được xuất lộ đều ngập tràn niềm vui, không chỉ cho hiện tại mà cho tương lai… Bởi lẽ, chúng ta đã khai quật trùng khu vực trung tâm phía Tây của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Đông Kinh thời Lê và các phần quan trọng của La Thành, thậm chí cả khi còn là phủ trị Giao Châu thời trước Thăng Long.

Niềm phấn khích dâng lên cao độ khi tìm thấy dấu tích kiến trúc nhiều gian có tổng chiều dài hơn 60m, rộng 17m, có 40 hố trụ móng cột gia cố bằng sỏi trộn đất sét. Có thể dự đoán, đây là một kiến trúc có một không hai từng góp phần tạo nên một kinh đô hoa lệ của nước Đại Việt xưa.

Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều loại hình di vật quý khác thuộc nhiều loại hình và công năng bằng các chất liệu đất nung, gốm sứ, kim loại, đá, gỗ…

Trong đó, có cả những đồ trang sức, đồ gốm sứ ngự dụng, tiền cổ các thời kỳ… Tất cả đều giúp chúng ta hình dung phần nào đời sống vật chất ở chốn cung vàng, điện ngọc của Hoàng thân quốc thích”, PGS.TS Trần Đức Cường chia sẻ.

Ngay sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Hội đồng tư vấn để đánh giá giá trị và kiến nghị các giải pháp bảo tồn khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Hội đồng thảo luận và thống nhất kiến nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo cấp trên xem xét cho phép bảo tồn toàn bộ 48.000m2 khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Sau đó, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cũng kiến nghị Đảng, Chính phủ cho phép lưu giữ toàn bộ di tích, di vật khu 18 Hoàng Diệu, trong đó gợi ý giới thiệu giá trị khu di tích ra thế giới.

Khu Chính điện Kính Thiên dịp kỷ niệm 10 năm Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản thế giới.

Điểm đến hấp dẫn

Thực tế, sau nhiều nỗ lực, năm 2010, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, theo đề án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, có diện tích đến 18,353ha, gồm 2 khu: Thành cổ Hà Nội và Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Để bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di sản, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã hợp tác với nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học, tiếp tục khai quật khảo cổ học trong vùng lõi của di sản và các cuộc nghiên cứu dấu tích thành Thăng Long, tổ chức thực hiện đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên, nghiên cứu phục dựng lễ hội Đèn Quảng Chiếu...

Nhiều dự án được thực hiện thành công với sự hợp tác của các chuyên gia nước ngoài. Trong đó, dự án “Bảo tồn khu di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội”, “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long”, dự án FICOL (hợp tác Hà Nội – Toulouse trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ học tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long) và các dự án trùng tu, bảo tồn, triển lãm với các chuyên gia Pháp, dự án lắp đặt biển chỉ dẫn trong khu di sản với các chuyên gia Australia…

Khu di sản đã đón rất nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế đến tham quan, học tập và làm việc… Tại đây còn diễn ra nhiều sự kiện lớn như: Xuân quê hương, Festival âm nhạc Gió mùa, Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản, Đại lễ Phật đản, Hội sách…

Các chương trình cộng đồng được tổ chức ngày càng nhiều, phát huy vai trò của nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, kết nối người dân với khu di sản. Để thu hút khách tham quan, các hoạt động trưng bày, triển lãm liên tục được tổ chức, đổi mới về hình thức, hấp dẫn về nội dung.

Nhiều công nghệ mới được phát triển và triển khai trên môi trường số như thực tại ảo, trình diễn và tương tác 3D, trình diễn 360 độ, trưng bày online… Di sản Hoàng thành Thăng Long đã trở thành điểm đến hấp dẫn, đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/candtet_t20_danh-thuc-di-san-hoang-thanh-thang-long-ha-noi-629266/