Đánh thức đại ngàn Y Tý

Lên với xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), ngỡ như được sống một đời sống khác. Nơi ấy, cuộc sống chầm chậm trôi với rất nhiều gian nan nhưng lại ẩn chứa bao thi vị, mơ mộng. Mới hay, chẳng vô cớ khi có những người trở đi trở lại Y Tý nhiều lần và không ngần ngại gọi nơi này là 'Cõi tiên giữa dương gian'…

Chuyến xe độc nhất vô nhị

Chỉ đường cho chúng tôi, cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý nhắc đi nhắc lại phải đón kịp chuyến xe 13h30 chạy từ Thành phố Lào Cai vào Y Tý. Tới bến mới biết, vào Y Tý mỗi ngày chỉ có 1 chuyến duy nhất, nếu không đón kịp xe, sẽ phải ngủ lại đợi chuyến xe ngày mai.

Những khoảnh khắc mây trắng bồng bềnh, đẹp như mơ ở Y Tý

Thấy tôi hay chuyện, anh lái xe kể, anh lên Y Tý lái máy xúc từ năm 2012, mỗi lần ra Lào Cai đều phải đợi xem có ai để xin đi nhờ, hoặc tự chạy xe máy. Trời nắng đã đành, mưa rét cực vô cùng. 5 năm trước, cũng đã có xe ô tô khách chạy vào Y Tý, nhưng đường xấu quá, chạy được vài tháng, nhà xe bỏ cuộc giữa chừng. Đầu năm 2018, cực chẳng đã, anh cùng người nhà quyết tâm xin mở tuyến xe vào Y Tý. “Ngày cuối tuần đông khách vậy thôi, ngày thường có khi chỉ vài ba người. Bà con dân tộc Hà Nhì, Giáy, Mông ban đầu chưa biết, còn phải mời lên xe. Nay thì nhớ xe rồi, cần đi ra thành phố là căn giờ ra trung tâm xã đứng đợi xe”- anh tài xế trần tình.

Quanh tôi, người già, trẻ em, học sinh tíu tít trò chuyện mặc cho cung đường ngoằn nghèo chóng mặt. Sau 4 giờ vòng vèo trên cung đường 78 km nối tiếp bởi các khúc cua tay áo, xã Y Tý đã hiện trước mắt, đón chúng tôi bằng bầu không khí đặc quánh khói sương…

Những cư dân trẻ chốn “thiên đường”

“Thiên đường mây” một cái tên nữa được dân phượt đặt cho, bởi Y Tý, nằm ở độ cao 1.805 m với sương mù bao phủ quanh năm, những ngày đẹp trời, dễ dàng bắt gặp cả biển mây trắng phau tràn ngập trong nắng và lấp loáng ánh bạc. Không chỉ có “đặc sản” mây, Y Tý còn có những ruộng bậc thang trải dài, được nhuộm vàng vào mỗi mùa lúa chín. Đặc biệt hơn, càng đi sâu càng ấn tượng bởi những thảm rừng già hoang sơ, với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm mà ít nơi có được như ở Y Tý. Ba năm trở lại đây, cùng với sự có mặt của dân phượt, của du khách, hàng chục homestay cũng bắt đầu xuất hiện ở Y Tý. Tại thôn Lao Chải 1, giữa những nếp nhà đất truyền thống độc đáo của người Hà Nhì đen, homestay 2 tầng xinh xắn của Trưởng thôn Chu Che Xá nổi bật nhờ có rặng cúc quỳ vàng rực bao quanh. Chàng trai trẻ Chu Che Xá tự hào: “Tự mình thiết kế, tự mình xây thôi, chi phí hết hơn 100 triệu đồng. Khách phượt qua đây, ai muốn đều có thể dừng lại, uống trà, nghe Xá kể chuyện về phong tục của người Hà Nhì đen. Vui thì nghỉ lại, có chăn ấm, có công trình vệ sinh sạch sẽ”.

Chợ phiên ở trung tâm xã Y Tý vào sáng chủ nhật hàng tuần

Giống như Chu Che Xá - Ly Xá Xuy (thôn Mò Phú Chải) - chủ nhà nghỉ Y Tý Clouds còn trẻ nhưng khá chững chạc. Thấy khách phượt hay trèo lên nương nhà mình để ngắm mây, chụp ảnh, năm 2017, Xuy bàn với gia đình đầu tư gần 500 triệu đồng xây 1 phòng riêng, 1 phòng tập thể (kiểu nhà đất truyền thống của người Hà Nhì) để đón khách. “Vào mùa săn mây hay mùa lúa chín, khách luôn đặt kín chỗ - khách Tây, khách ta đủ cả. Ngày thường hay lễ, Tết giá vẫn 80.000 đồng/ người thôi. Có khách đến với mình là vui rồi” - chàng trai Hà Nhì cười hồn hậu.

Năm 2017, trang thông tin du lịch điện tử Thrillist (Mỹ) bình chọn Y Tý là 1 trong 10 địa danh ví như kho báu huyền bí và được bảo tồn tốt nhất châu Á - sự kiện này đã và đang mở ra cơ hội đánh thức tiềm năng du lịch ở Y Tý, để những cư dân trẻ người Hà Nhì như Chu Che Xá, Ly Xá Xuy tự tin bước tiếp con đường đã chọn - phát triển sinh kế ngay trên chính quê hương mình…

Chuyện cây thảo quả giúp thoát nghèo

Trên đường vào Y Tý, nghe đồng bào khoe, đến nay, thảo quả vẫn là loại cây cho thu nhập tốt nhất đối với người Hà Nhì, Mông, Giáy ở 14 thôn bản của Y Tý, nên chúng tôi quyết tâm đi lên Hồng Ngài - thôn giáp biên giới Trung Quốc - cũng là nơi có diện tích trồng thảo quả lớn nhất (gần 150 ha). 18 km từ trung tâm xã Y Tý vào Hồng Ngài chủ yếu là đường đá, “xóc lộn ruột”, nhưng người Mông ở Hồng Ngài vẫn xem đây là “con đường trong mơ” bởi năm 2012 trở về trước, muốn vào Hồng Ngài chỉ có đi bộ, người quen đường cũng mất cả 5-7 giờ đồng hồ.

Trong căn nhà gỗ lớn, vững chãi, những bao tải thảo quả xếp chồng lên tận mái nhà, tỏa mùi thơm ngào ngạt - ông Vàng A Dủa - nguyên Trưởng thôn Hồng Ngài - cười hỉ hả: “Năm 2018, gia đình thu được gần 2 tấn thảo quả khô. Vẫn đang chờ ra Tết thảo quả lên giá mới bán. Nhà này, mấy cái xe máy, máy xát, máy xay… đều từ thảo quả mà ra. Nhờ thảo quả, nhiều hộ dân ở Hồng Ngài đã có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Đến nay, cả thôn chỉ còn 6 hộ nghèo, còn lại có của ăn của để hết rồi, có 4 gia đình đã mua được ô tô”.

Theo lời ông Dủa, chúng tôi tìm đến nhà ông Vàng A Chu – người trồng thảo quả - từ năm 1990 và hiện có diện tích thảo quả nhiều nhất Hồng Ngài. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng xây kiên cố, ông Chu cho hay: Từ khi chưa có đường, chưa có điện, người Mông ở Hồng Ngài đã biết đem tiền bán thảo quả ra ngân hàng gửi. “Có thảo quả, người Mông Hồng Ngài bớt khổ, sống khỏe hơn rồi. Rừng còn như hôm nay, cũng là nhờ cây thảo quả…” - ông Chu cười, cái bắt tay nóng ấm như xua tan sương giá ngày đông ở Hồng Ngài.

Tạm biệt Y Tý khi những bông hoa đào đầu tiên đã chúm chím nở. Xe chạy qua cánh rừng già, chợt nhớ tới câu chuyện của những cụ già người Mông kể bên bếp lửa; nhớ nụ cười trong trẻo của cô gái Hà Nhì uốn mi cong vút… Ẩn trong một Y Tý kỳ bí giữa đại ngàn, có một Y Tý đang thức giấc, đang đổi thay từng ngày…

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/danh-thuc-dai-ngan-y-ty-115212.html