'Đánh thức' Bạch Mã là cần thiết

nh Bạch Mã nằm trong Vườn Quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế), từng là khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng những năm 1930 - 1940 (thời Pháp thuộc) và 1960 - 1970 (thời Mỹ) và hiện tại có sức hấp dẫn lớn đối với du khách, cả trong lẫn ngoài nước. Vừa qua, UBND tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo triển khai quy hoạch phân khu (QHPK) xây dựng Khu du lịch (KDL) sinh thái Bạch Mã nhằm đánh thức tiềm năng khu vực.

Đề xuất 2 tuyến cáp treo lên đỉnh Bạch Mã

KTS Nguyễn Tấn Vạn

Vườn Quốc gia Bạch Mã là một trong số 7 khu vực bảo tồn tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất tại Việt Nam. Nơi đây hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Nằm ở vị trí giao thoa của hai vùng khí hậu khác biệt Bắc và Nam của Việt Nam, với nhiệt độ trung bình 15 - 22°C, với lượng mưa 8.000 mm/năm (cao nhất Việt Nam), Bạch Mã có khí hậu rất thích hợp cho sự phát triển của các loài động thực vật và có cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, đẹp, hùng vĩ.

Theo ý tưởng QHPK xây dựng KDL sinh thái Bạch Mã của đơn vị tư vấn, Cty Wimberly Allison Tong & Goo (Mỹ), KDL Bạch Mã được nghiên cứu lập quy hoạch diện tích gần 400ha, chia làm 2 khu. Trong đó, khu A - trạm cơ sở khu vực Khe Su nằm ở dưới chân núi Bạch Mã, có diện tích 64,1ha, là khu vực tiếp đón khách du lịch và đặt nhà ga cáp treo, dịch vụ trong nhà, công trình phụ trợ...

Khu B, nằm gần đỉnh Bạch Mã, diện tích 290ha, gồm làng du lịch đỉnh núi; làng du lịch di sản; khu du lịch tâm linh; làng du lịch trung tâm, khu du lịch thác nước…

Kiến trúc cảnh quan khu B gắn liền với việc khai thác các yếu tố đặc trưng về cảnh quan tự nhiên như Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên, hệ thống rừng nguyên sinh... và các công trình lịch sử văn hóa như địa đạo Bạch Mã, Hải Vọng Đài, Bạch Vân Tự, hệ thống biệt thự kiểu Pháp...

Các công trình kiến trúc (gồm các biệt thự nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, lều cắm trại, chòi nghỉ trên cây và các công trình tín ngưỡng tâm linh như chùa, miếu) được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống của địa phương, thấp tầng, quy mô nhỏ, phân tán thành từng cụm, thân thiện với môi trường và hài hòa với cảnh quan. Các công bị đã có từ trước đó, từ thời Pháp thuộc, được trùng tu và phục dựng lại theo nguyên tắc giữ nguyên hình dáng kiến trúc, màu sắc, vật liệu sử dụng cho công trình và phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.

Giao thông trong khu vực gồm đường bộ và hệ thống cáp treo. Đường bộ kết nối từ QL1 đến khu A, chiều dài 5,3km, lộ giới 24 - 27m và hệ thống đường nội khu. Hệ thống cáp treo gồm 2 tuyến. Tuyến 1, từ khu A lên gần đỉnh Bạch Mã, cao 1.595m, dài khoảng 4km. Tuyến 2, từ ga gần đỉnh Bạch Mã đến ga cuối ở khu vực Ngũ Hồ, cao 1.140m, chiều dài 1,55km.

Theo đơn vị tư vấn, phương án sử dụng cáp treo nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng quỹ đất và san lấp trong xây dựng đường, bãi đỗ xe, trạm nghỉ và nhà ga... trong khu bảo tồn. Hơn nữa, cáp treo vận chuyển an toàn, không gây ô nhiễm tiếng ồn, giảm khí thải, chất thải và sự tác động đến môi trường, hạn chế tối đa tiếng ồn khi vận hành…

Vườn Quốc gia Bạch Mã là một trong số 7 khu vực bảo tồn tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất tại Việt Nam.

Khai thác phát triển KDL nhưng phải bảo vệ thiên nhiên

Đánh giá cao việc UBND tỉnh TT-Huế tổ chức hội nghị góp ý QHPK xây dựng KDL sinh thái Bạch Mã vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn nhận định: Đây là tín hiệu tốt, ít nhất xới lên, đánh thức tiềm năng của khu vực, còn hơn không làm gì.

Ông Vạn chia sẻ, ông đã từng lên đỉnh Bạch Mã vào khoảng 20 năm trước. Khi đó, trên đỉnh núi Bạch Mã đã khôi phục lại một số công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc nhằm khai thác du lịch. Nhưng mới đây, khi quay trở lại, ông không khỏi buồn khi chứng kiến khu vực này im ắng, vắng vẻ, ẩm thấp, công trình hư hỏng. “Tôi buồn bởi tài nguyên của đất nước để lãng phí, không ai chịu trách nhiệm trước việc bỏ hoang, không khai thác tài nguyên đó”, ông Nguyễn Tấn Vạn nói.

Theo ông Vạn, việc triển khai QHPK KDL Bạch Mã sẽ định hướng cho việc đầu tư vào khu vực. Điều nhà đầu tư sợ nhất là nếu không có chủ trương, định hướng đầu tư, khi đến Vườn Quốc gia Bạch Mã đầu tư khai thác KLD thì họ có thể vi phạm đồng thời nhiều luật như Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường…

Ông Vạn cho biết, theo quy định hiện hành, được phép được xây dựng một tỷ lệ nhất định trong rừng quốc gia du lịch sinh thái cho các hoạt động du lịch sinh thái. Tỷ lệ xây dựng cụ thể là bao nhiều thì tùy chỗ.

Cũng như các chuyên gia phát biểu tại hội nghị góp ý QHPK xây dựng KDL sinh thái Bạch Mã, về cơ bản, ông Vạn ủng hộ việc triển khai quy hoạch đánh thức tiềm năng vốn đã để ngủ quá lâu của đỉnh Bạch Mã. Vấn đề quy hoạch như thế nào và KDL Bạch Mã phải xác định đầu tư cái gì? Quan trọng hơn nữa là khai thác phát triển KDL nhưng phải bảo vệ thiên nhiên.

Theo ông Vạn, đơn vị tư vấn nước ngoài đã quá tham vọng trong quá trình nghiên cứu đồ án. Vì sao quy hoạch công trình tâm linh và quảng trường phục vụ các nghi lễ tâm linh khi mà Bạch Mã không có gì để làm tâm linh? Hơn nữa, TT-Huế không thiếu những khu vực, không gian tâm linh.

Một điểm đáng lưu ý nữa là đỉnh Bạch Mã ẩm thấp, trong năm chỉ có khoảng 30% thời gian nhìn thấy cảnh quan xung quanh, còn lại là ngày mưa, sương mù. Vậy có cần xây dựng nhiều công trình nhà, khách sạn, khu vui chơi giải trí, trung tâm dịch vụ mua sắm không? Tại sao không để những công trình dịch vụ đó ở khu vực thấp đi, ở khu A, còn trên đỉnh núi, khu B chỉ để dịch vụ tham quan, ngắm cảnh và nghỉ dưỡng qua đêm yên tĩnh.

Ông Vạn cho rằng, ngay từ giai đoạn làm QHPK KDL Bạch Mã, phải có nhà đầu tư bên cạnh, thậm chí nhà đầu tư bỏ tiền làm quy hoạch bởi họ có cách nhìn riêng về hiệu quả đầu tư, khác với quan điểm của đơn vị tư vấn và chính quyền. Trách nhiệm của nhà quản lý là phải đưa nguyên tắc quản lý cơ bản như khống chế mật độ xây dựng trong khu vực, chiều cao, quy mô các công trình…

Với quan điểm di sản là tài nguyên mở, thuộc về cộng đồng, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cũng bày tỏ sự ủng hộ việc quy hoạch cáp treo lên đỉnh Bạch Mã để đông đảo cộng đồng người dân được tiếp cận di sản.

Hòa Bình

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/danh-thuc-bach-ma-la-can-thiet.html