Danh thiếp hoa

Từ trường về, đang định mở cửa vào nhà, bỗng bắt gặp mấy cuốn sách và bó hoa thạch thảo màu tím nằm ngay ngắn trên bậc thềm. Không một tin nhắn, không một mảnh giấy gửi lại, nhưng tôi vẫn nhận ra người gửi là ai.

Ảnh minh họa, nguồn: Blogradio.

Gương mặt người học trò cũ hiện ra. Đó là những năm tháng khá khó chịu với em ấy, khi em phải chịu nhiều áp lực từ gia đình, để bắt buộc phải làm một học sinh giỏi, cho cha mẹ vui lòng.

Quan sát gương mặt nhiều ưu tư già trước tuổi, tôi nhận thấy nét hồn nhiên đã nhường chỗ cho sự bất cần và mệt mỏi. Đỉnh điểm là lúc em không đủ sức để giữ được điều kiện ở lại trường, bởi quy định ngặt nghèo, khi học sinh không đủ sức theo học sẽ phải chuyển sang trường khác.

Tôi lặng người trước điều này, nhưng nhìn gương mặt em, tôi tin em đủ sức tiếp nhận tin này. Và em sẽ tiếp tục học nơi trường mới với sự thoải mái nhất, bởi đó là nơi vừa sức em.

Cho đến khi gặp mẹ em, niềm tin ấy trong tôi thay đổi hoàn toàn. Sự đau khổ, thất vọng đến hoảng loạn trên giọt nước mắt của người mẹ buộc tôi phải suy nghĩ lại. Bà không chịu đựng nổi, nếu con bà bị chuyển ra từ một ngôi trường, theo bà - và mọi người, là danh giá. Đó là một sự sỉ nhục.

Tôi đã đem uy tín và danh dự của mình, cam đoan với cấp cao nhất trong ngành, để dành cho em một cơ hội cải thiện học lực của em, đảm bảo được điều kiện tiếp tục theo học. May mắn cho em, và cả cho tôi, sự thỉnh cầu đó được chấp thuận. Và em ở lại với chúng tôi trọn vẹn 3 năm học.

Ngày ra trường, như hầu hết những phụ huynh có con học giỏi ngoan ngoãn, cha mẹ em cũng hài lòng về con mình. Nhưng nhìn vào mắt em, tôi biết, em hiểu mình là ai và mình đang cần gì trong cuộc sống.

Sau đó, tháng đôi ba lần, em vẫn về nhà tôi, không cần biết tôi có nhà hay không. Về chỉ đơn giản ngồi đọc cuốn sách trên kệ tôi để lại, hoặc chùi mấy cái kệ đầy bụi, dọn lại căn phòng bừa bộn, hay rảnh rỗi lại chơi với bọn trẻ con.

Và em quyết định không theo học ngôi trường quân sự cha mẹ chọn cho. Em nghỉ học, quyết tâm ôn, để năm tới thi lại vào sư phạm, ngành Văn. Trong thời buổi mọi người băn khoăn học sư phạm ra để làm chi? Học ngành Văn ra biết làm gì mà sống, thì em vẫn mỉm cười an nhiên với con đường mình theo đuổi.

Lần này, gia đình của em lại có vẻ thất vọng. Tôi thì không. Em đã biết cách ghép tên mình bằng những bông thạch thảo thay cho danh thiếp, không cần phải dùng đến ngôn từ, thì em cũng sẽ biết cách bước vào tương lai của mình bằng một niềm tin tự tại thay vì trượt theo những lộ trình vạch sẵn như thời buổi này người ta vẫn đang hối hả để rồi quay lại ta thán cuộc sống này sao nhiều mệt mỏi, đắng cay...

Đông Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tan-man/danh-thiep-hoa-618071.ldo