Dành tặng cho cuộc đời 'Trái tim của lửa'

Nói đến những người lính trong giai đoạn hiện nay thì nhân dân cả nước đều dành sự quan tâm và yêu thương nhất cho các chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa. Thơ Vũ Tuấn Anh đã tái hiện lại cuộc sống gian khổ nhưng đầy lạc quan của những người lính đảo.

Nếu như mỗi nhà thơ đều có một không gian thơ của riêng mình, với một lượng độc giả quen thuộc để sẻ chia và đồng cảm, thì cái đích hướng tới của Đại tá - nhà thơ Vũ Tuấn Anh - Hội viên hội Nhà văn Việt Nam - chính là những đồng đội của anh, những người lính đang ngày đêm bảo vệ vững chắc biên giới và biển đảo của Tổ quốc. Trong đó có ngành hậu cần mà anh đang phục vụ. Tập thơ mới nhất của anh "TRÁI TIM CỦA LỬA" đã minh chứng rõ cho điều này.

Nói đến những người lính trong giai đoạn hiện nay thì nhân dân cả nước đều dành sự quan tâm và yêu thương nhất cho các chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa. Thơ Vũ Tuấn Anh đã tái hiện lại cuộc sống gian khổ nhưng đầy lạc quan của những người lính đảo. Vừa sẵn sàng chiến đấu cao, vừa tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Gian khổ có thừa nhưng niềm vui và sự tươi xanh vẫn tràn đầy trên đảo:

Ngỡ rằng chẳng phải đảo chìm
Xung quanh doanh trại đều nhìn thấy rau
Lợn nuôi chó thả phía sau
Vịt đùa trên biển lẫn màu sóng xanh…

Và đây nữa :

Lá mồng tơi đế dép chẳng to bằng
Ớt trĩu cành, mơ lông tím giăng giăng
Quả dưa hấu vô tư nằm lăn lóc
Mang vị thơm khó nhọc chắt chiu thành.

Tác phẩm mới của Đại tá - nhà thơ Vũ Tuấn Anh.

Tác phẩm mới của Đại tá - nhà thơ Vũ Tuấn Anh.

Một bức tranh thanh bình, sinh động được phác họa bằng thơ, ở một nơi đầy khắc nghiệt của thiên tai và địch họa. Nó chuyển tải một thông điệp về vẻ đẹp của người lính đảo. Nó làm cho hậu phương yên lòng vì đã có những chàng trai như thế trên tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc.

Hình ảnh những người lính trong thơ Vũ Tuấn Anh vừa đời thường, sinh động và thật đáng yêu:

Nhớ sao những buổi hợp ca
Gàu xô bát đũa… gõ hòa lời nhau
Tắm thì rõ thật là lâu
Thế mà vẫn ghẻ từ đầu đến chân…

Thăm biên giới Hà Giang, nhà thơ lặng người trước anh linh của những người lính đã hóa thân vào đá:

Đến bây giờ hồn thành lá cây xanh
Sống trên đá
Chết hòa vào đá!
Vẫn trấn giữ biên cương
Dù đã hóa sao trời!..

Hay những câu thơ anh viết về các cựu chiến binh, viết về cha mình đầy suy ngẫm và xúc động:

Khi ngày tháng đã một mai
Vẫn không thể xóa những hoài niệm xa
Một vùng mây trắng tóc cha
Để cho nắng trọn. Không nhòa ban mai…

Thơ của một nhà thơ Đại tá quân đội, trái tim thắp lửa của anh có dành phần nhiều cho người lính, âu cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng Vũ Tuấn Anh còn là một chàng trai Kinh Bắc, một anh hai quan họ thứ thiệt. Vì thế những rung cảm thẳm sâu nhất, mê đắm nhất anh vẫn dành tặng cho quê hương mình, cho đất và người quan họ. Nếu đọc cả sáu tập thơ anh đã xuất bản thì chủ đề quê hương đất nước, chủ đề quan họ giao duyên vẫn là hồn cốt chính trong thơ của vị sỹ quan này. Và theo tôi, chính hồn cốt này đã làm nên một chân dung thơ, một gương mặt thơ của nhà thơ xứ Bắc. Nó chưa thật huy hoàng nhưng đôn hậu và đáng yêu:

Bước chân khỏi lũy tre làng
Gói câu quan họ - hành trang dặm dài
Nghiệp nhà binh gắn đời trai
Những mong dâng một nhành mai tặng đời…

Và đây nữa: "Về quê nghe tiếng gà trưa/ Bữa cơm đạm bạc cà dưa tự trồng / Nhớ ngày dầm dãi ngoài đồng/ Mẹ đi chợ sớm gánh gồng theo con/ Bâng khuâng trước những mất còn/ Vẫn luôn cháy bỏng - không mòn tình quê!".

Và khá nhiều những câu thơ đắm say, với những ẩn dụ sâu sắc viết về đất và người quan họ: "Chênh chao ngồi tựa mạn thuyền/ Mối tình chôn chặt lời nguyền không phai/ Ngước nhìn lên núi Thiên Thai/ Thấy vua nào ngự không ngai cũng bền… ".

Mặc dù đã ở độ tuổi Ngũ thập tri thiên mệnh nhưng thơ tình của Vũ Tuấn Anh vẫn còn dào dạt và đầy năng lượng. Chàng trai đa tình này đúng là thi sỹ trong "Quà tặng cho em":

Anh xin gom sợi nắng vàng
Gom heo may với khẽ khàng lá rơi…
Gom hương cốm, sắc xanh trời
Gom mênh mông… kết thành lời tặng em!

Với cách cảm này, cách viết này, với phông văn hóa và sự trải nghiệm có chiều sâu trong đời sống nhân sinh, một số bài thơ của Vũ Tuấn Anh đã gây ấn tượng với bạn đọc. Bài thơ "Đời lúa" là một ví dụ:

Khi là mạ đứng tựa nhau
Trở thành cây lúa trước sau thẳng hàng
Đương thì con gái mỡ màng
Đợi ngày chín chắn mới mang đòng đòng
Bông càng dài mẩy càng cong
Lá không tươi tốt mà lòng thảnh thơi
Hạt vàng hiến tặng cho đời
Rạ rơm nhẹ bước về nơi bắt đầu…

Đời Lúa trong bài thơ này cũng chính là đời Người, nhất là phụ nữ. Lao động hết mình, chịu nhiều thua thiệt và hiến dâng. Lục bát nhuần nhị, tư tưởng triết luận, gợi mở sâu xa. Thiết nghĩ Thơ hay chỉ cần thế là đủ…

Thơ Vũ Tuấn Anh bao giờ cũng đặt trách nhiệm công dân, trách nhiệm người lính lên hàng đầu. Trong bộ quân phục chững chạc vẫn là trái tim của lửa, trái tim của một chàng trai quan họ, đa tình và quả cảm, dành tặng những gì cao quý nhất cho đồng đội, cho cuộc đời…

Nguyễn Anh Thuấn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/danh-tang-cho-cuoc-doi-trai-tim-cua-lua-574680/