Danh quyền Lão hổ thượng sơn

Xưa nay, trong tâm thức người Việt, hổ là loài vật tượng trưng cho sức mạnh, uy vũ. Do đó, hình tượng hổ được đưa vào võ cổ truyền từ lâu. Trong đó, bài quyền toát được hết sức mạnh, sự dũng mãnh, uy nghi của chúa sơn lâm là bài quyền Lão hổ thượng sơn lừng danh của võ Việt…

Trong giới võ thuật, hình tượng hổ hiện diện trong các hình thức biểu tượng, phong cách và kỹ thuật chiến đấu. Nói đến võ hổ, trong làng võ cổ truyền Việt hiện cũng có rất nhiều bài quyền khác nhau mang nét đặc trưng riêng của từng võ đường, hệ phái, trong đó nổi bật phải kể đến như: Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ xuyên tâm, Long hổ quyền của hệ phái Nam Hồng Sơn (một trong những hệ phái nổi dân đất Hà Thành); hay Phục hổ công, Mãnh hổ quyền, Hồng hổ quyền… Tuy vậy, theo Đại võ sư Lý Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Võ cổ truyền tỉnh, hổ quyền có rất nhiều nhưng chỉ có duy nhất bài danh quyền Lão hổ thượng sơn được hội đồng chuyên môn lựa chọn là một trong 10 bài quy định bắt buộc đưa vào chương trình huấn luyện, thi đấu biểu diễn tại các hội thi trong nước, quốc tế.

Thế Lưỡng thủ khai môn

Về tích của bài danh quyền Lão hổ thượng sơn, Đại võ sư Lý Hoàng Tuấn kể: “Thật ra, không ai biết chính xác nguồn gốc thật sự của bài quyền này. Hiện có 2 ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Tương truyền, Lão hổ thượng sơn có xuất xứ từ phái Bạc Hạc một trong tứ đại môn phái (gồm: Thiếu Lâm, Võ Đang, Bạch Hạc, Nga My) tiếng tăm, lừng lẫy giới võ thuật Trung Quốc do vị sư nữ là Ngũ Mai lão ni sáng lập. Thầy “Tám Kiển” tức võ sư Lê Văn Kiển là một trong số các môn đồ của phái Bạch Hạc, sau khi về nước ông sáng lập phái Nam Tông và lấy bài quyền này làm bài trấn môn. Nguồn gốc thứ hai là bài Lão hổ thượng sơn xuất phát từ Lam Sơn võ đạo của cố võ sư Quách Văn Kế (1897-1976) nguyên là Chủ tịch Tổng cục Quyền thuật Việt Nam tại Sài Gòn giai đoạn 1958-1970. Tại Hội nghị Hội đồng võ thuật toàn quốc lần thứ nhất, bài quyền Lão hổ thương sơn được võ sư Nguyễn Phước Toàn, môn sinh của Lam Sơn võ đạo thị phạm được hội đồng chuyên môn đánh giá cao về tính thẩm mỹ và khả năng thực chiến.

 ..... và Đơn tọa phục hổ trong bài quyền Lão hổ thượng sơn

..... và Đơn tọa phục hổ trong bài quyền Lão hổ thượng sơn

Lấy hổ làm hình tượng, bài quyền Lão hổ thượng Sơn mang thần thái, uy nghi của loài mãnh thú. Các chiêu thức, động tác dựa trên triết lý “dĩ nhu chế cương” nên dứt khoát mà không thô kệch, mạnh mẽ nhưng cũng đầy biến ảo. Bộ pháp và thân pháp trong bài quyền kết hợp một cách nhịp nhàng, biến hóa nhằm hỗ trợ cho thủ pháp và luôn che phủ kín thân mình khi phòng thủ và dũng mãnh khi tấn công. Cũng như các bài quyền khác trong Võ cổ truyền Việt, để có thể thấy được nét đẹp, tinh hoa của bài quyền Lão hổ thượng sơn, người luyện võ không chỉ thể hiện các động tác, phân thế mà còn nắm bắt được cái hồn, ý nghĩa bài quyền thông qua các lời thiệu. Theo đó, bài quyền có tất thảy 20 câu thiệu tương ứng với 37 phân thế, các động tác thế đánh liên hoàn nhau. Kỹ thuật trong bài quyền là sự kết hợp hài hòa giữa tấn pháp (lập tấn, trung bình tấn, đinh tấn, xà tấn, hổ tấn, tọa tấn, miêu tấn), thủ pháp (thôi sơn, hổ trảo, phụng nhãn, cương đao, tứ chỉ), cước pháp (bạt phong cước, kim tiêu cước, tạo địa cước, bàng long cước, song phi cước)… trong cương có nhu lúc chậm thì nhẹ nhàng thanh thoát như “Đôi tay phá cước tiểu đồng quả dâng”, hay lúc thì nhanh như hổ vồ mồi, đầy dũng mãnh, uy lực “Nhất quyền đã khứ/ Lão hổ vồ mồi/ Ngũ phong đả bồi/ Song phi phạt mộc” chiết giải phú nôm là (Hổ vờn sắp chụp mồi ăn/ Đôi quyền ta dụng ngũ phong đánh bồi/Song đao chặt gỗ tiếp thôi/ Hoành thân thủ tọa mà bồi song phi) giống như gió cuốn, cây reo giúp người luyện võ tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai, nâng cao khả năng chiến đấu và tự vệ. Đặc biệt là khả năng chiến đấu tay không với binh khí hoặc khả năng tự vệ khi có nhiều địch thủ tấn công cùng một lúc. Và đó chính là lý do vì sao bài quyền này trở thành một trong 10 bài bắt buộc được sử dụng rộng rãi trong các hội thi, liên hoan trong nước và quốc tế trở thành tài sản chung của bộ môn võ cổ truyền Việt.

An Nhiên

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202202/danh-quyen-lao-ho-thuong-son-8242400/