'Đánh nhanh và mạnh vào mặt hàng, địa bàn trọng điểm về buôn lậu'

Phó Thủ tướng đề nghị lực lượng Quản lý thị trường phải nắm vững địa bàn và nhận diện các vấn đề nổi cộm để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý về buôn lậu, gian lận thương mại.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lực lượng Quản lý thị trường phải nắm vững địa bàn, kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của lực lượng Quản lý thị trường diễn ra chiều 13/1, tại Hà Nội.

Thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi

Báo cáo của đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trước đây, hành vi gian lận thương mại trong xuất xứ hàng hóa diễn ra còn khá ít, nhưng hiện nay hành vi này bắt đầu gia tăng và có nhiều biểu hiện phức tạp.

Đáng chú ý, một số đối tượng kinh doanh, lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đặt mua hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng sản xuất từ nước ngoài, gắn nhãn mác hàng do Việt Nam sản xuất đưa về trong nước tiêu thụ.

Thậm chí, kẻ gian còn nhập khẩu nguyên bản hàng hóa nước ngoài, đóng nhãn mác ghi xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản... để lừa dối, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Dẫn thực tế từ thực tế địa phương, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin việc sản xuất hàng giả không chỉ đơn lẻ mà được phân công theo từng công đoạn và rất tinh vi, nếu bị phát hiện ở một khâu nào đó lập tức đối tượng vi phạm sẽ nhanh chóng tiêu thụ, xóa dấu vết.

Chưa hết, nhiều gian thương còn trà trộn hàng thật với hàng giả để lừa dối người tiêu dùng; đặt hàng giả sản xuất từ nước ngoài rồi chuyển vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Mới đây nhất, ngày 8/1, khi kiểm tra hai Trung tâm thương mại lớn ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là Saigon Square và Lucky Plaza, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện hàng trăm túi xách, túi đeo các loại giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton, Chanel...

Trong khi cách đó gần 2 tháng, vào ngày 6/11/2019, cũng tại Trung tâm thương mại và chợ Bến Thành, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng ngàn mẫu đồng hồ, túi xách, mắt kính nghi là hàng hóa nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Sau khi liên tục đánh mạnh và có trọng điểm, theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, nhiều tiểu thương tại Saigon Square đồng loạt đóng cửa trước đợt truy quét hàng giả của cơ quan chức năng.

Năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường xử lý trên 90.000 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mạnh tay để phòng ngừa

Có thể thấy, khi lực lượng chức năng liên tục ra quân kiểm tra, kiểm soát thị trường thì vấn nạn buôn lậu và gian lận thương mại sẽ lắng xuống.

Vì vậy, theo Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, để đấu tranh phòng ngừa hiệu quả các hành vi kinh doanh trái phép đầu tiên phải nhấn mạnh đến vai trò của lực lượng thực thi công vụ.

Theo ông, mô hình quản lý theo ngành dọc của Tổng cục Quản lý thị trường đã phát huy hiệu quả, nhiều vụ việc nổi cộm đã được xử lý góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 cho biết, Chính phủ đã quy định rất rõ chức trách nhiệm vụ của từng lực lượng, từ biên giới đến thị trường nội địa trong công tác đấu tranh với các gian thương, song ông cũng đề nghị các thông tin cần được chia sẻ và phối hợp để có thể quản lý, giám sát cũng như xử lý triệt để các vi phạm trong kinh doanh.

"Cần quản lý chặt chẽ hàng hóa giao dịch trên thương mại điện tử, không để đối tượng buôn lậu lợi dụng kênh này để kinh doanh trái phép," ông Thế nói.

Trước những yêu cầu và tình hình mới, về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An lưu ý lực lượng Quản lý thị trường tập trung đánh nhanh, đánh mạnh vào những địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng điểm để phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… ông An đề nghị lực lượng này tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết mà vẫn có hành vi vi phạm.

Đặc biệt, ông An nhấn mạnh đến việc phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, bao gồm cả các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao nhất./.

- Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nói về công tác phối hợp trong đấu tranh với buôn lậu:

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/danh-nhanh-va-manh-vao-mat-hang-dia-ban-trong-diem-ve-buon-lau/618243.vnp