Đánh người trộm cắp là vi phạm pháp luật?

Mới đây, dư luận đang xôn xao vụ việc Công an Quận Bắc Từ Liêm – TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố ông Lê Minh Phương (50 tuổi) về hành vi giết người, khi dùng kiếm chém trọng thương một thiếu niên lẻn vào nhà trộm cắp. Điều này khiến nhiều người băn khoăn không biết phải bảo vệ tài sản, tính mạng của mình và phòng vệ như thế nào khi có trộm đột nhập nhà.

Đối tượng Lê Minh Phương cùng nạn nhân và hung khí gây án

Đối tượng Lê Minh Phương cùng nạn nhân và hung khí gây án

Nhiều chuyên gia, luật sư có chung khẳng định đánh người trộm cắp là sai hoàn toàn, vi phạm luật. Người dân nếu bắt quả tang kẻ trộm, có thể làm điều gì đó để kẻ trộm dừng hành vi đó lại là đủ, không nên đánh, hành hung họ. Thiếu sự kiềm chế, tức giận dẫn đến đánh những người trộm tài sản gây thương tích hoặc gây chết người thì vô tình từ người bị hại lại trở thành tội phạm, phải hầu tòa và bị lãnh án tù.

Cụ thể, gây hậu quả chết người thì bị truy cứu tội “giết người” theo Điều 93 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất là tử hình. Hoặc, gây thương tích cho đối tượng từ 11% trở lên thì phạm tội “cố ý gây thương tích” theo điều 104 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Theo đó, một vấn đề đặt ra: Chủ nhà đánh người là sai, nhưng đánh vì lý do gì mới là điều đáng nói. Nếu trộm bị chủ nhà bắt gặp mà chúng ngụy biện là đi lạc vào nhà người ta, hoặc chúng vào nhà người ta để ngủ nhờ thì không lẽ luật pháp cũng… bó tay và không ai làm gì được với loại trộm cắp này?

Ở góc độ người dân, thử hỏi làm sao đủ bình tĩnh để thuyết phục trộm bằng lời nói? Làm sao đủ bình tĩnh để đánh giá tình hình khi phát hiện trộm vào nhà?. Cả cuộc đời làm đuợc chút tài sản mà bị trộm, cướp sạch, ai chẳng căm phẫn. Trường hợp trộm đột nhập vào nhà có mấy ai đủ bình tĩnh để khuyên răn trộm dừng lại hành vi. Vụ Lê Văn Luyện (Bắc Giang) và Nguyễn Hải Dương (Bình Phước) là một bài học đau lòng, nhắc nhở người dân phải phòng vệ chính đáng khi trộm đột nhập vào nhà.

Cần phải hiểu, một người xâm phạm gia cư của người khác không bao giờ mang theo một thiện chí gì tốt đẹp. Mục đích của trộm không phải đột nhập vào để nghe những lời rao giảng thuyết phục hướng thiện của chủ nhà, thậm chí kẻ trộm thường manh động hơn khi bị phát hiện.

Tức là, chủ nhà có ra tay quá nặng thì những người làm luật và hành luật cũng đừng nên vì phê phán quy tội chủ nhà mà phớt lờ và vô hại hóa hành vi xâm nhập này. Nên, hành động chống trả quyết liệt của chủ nhà khi phát hiện kẻ xâm nhập gia cư bất hợp pháp phải được coi là hành động phòng vệ chính đáng.

Đã là luật thì phải bảo vệ và cho phép người dân là chủ nhà trong trường hợp bị đột nhập quyền chủ động chống trả, như vậy trộm cắp mới sợ và bớt lộng hành. Không thể có chuyện chủ nhà từ người bị hại thành tội phạm chỉ trong tích tắc chỉ vì phòng vệ như vậy được.

Với trường hợp của ông Lê Minh Phương, theo pháp luật mà nói, đúng là gây thương tích cho người khác là vi phạm luật pháp, nhưng không phải bất cứ trường hợp nào đánh người đều bị tội, bởi trong trường hợp này, ông Phương chỉ vì bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình mình mà phòng vệ một cách chính đáng khi phát hiện trộm đột nhập vào nhà.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/danh-nguoi-trom-cap-la-vi-pham-phap-luat-121645.html