Dành một năm dạy tiếng Anh ở bậc đại học: Có làm được ngay?

(HQ Online)- Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng (ĐH,CĐ) Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã có đề xuất lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay đổi chương trình đào tạo tiếng Anh ở các trường đại học, cao đẳng.

Đối với những trường đại học hàng đầu Việt Nam việc giảng dạy tiếng Anh cũng sẽ gặp khó khăn. Ảnh ST.

Một trong những nội dung Hiệp hội đề xuất là trong năm thứ nhất, các trường đại học, cao đẳng sẽ dành 80% thời lượng chương trình để dạy tiếng Anh cho sinh viên, 20% sẽ dạy những môn cơ bản. Tiến tới, sau năm thứ nhất, một số môn sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh với mục đích nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Yêu cầu từ thực tế

Ông Phan Quang Trung khẳng định đề xuất của Hiệp hội xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội. Hiện nay, sinh viên Việt Nam thua kém Philippines và một số nước thuộc khu vực châu Á vì không nói được tiếng Anh. Nhiều cử nhân tốt nghiệp không nói được tiếng Anh nên không được tuyển dụng khi đi tìm việc. Khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nếu Việt Nam đưa bác sĩ, y tá đi làm ở các nơi mà không biết tiếng Anh thì không thể làm được việc.

Ngoài ta, hiện các trường ĐH, CĐ đang có sự chênh lệch khá lớn về giảng dạy và học tập ngoại ngữ, việc giảng dạy ngoại ngữ ở các trường chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập. Đứng trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao cho Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ Việt Nam có giải pháp nâng cao việc giảng dạy ngoại ngữ cho các trường. Để thực hiện nhiệm vụ này, Hiệp hội đã phối hợp với Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) hướng dẫn 40 trường cao đẳng nghề sau một năm phải đưa trình độ tiếng Anh lên 5.0.

Theo ông Phan Quang Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao cho Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ Việt Nam có giải pháp nâng cao việc giảng dạy ngoại ngữ cho các trường.

Do vậy, Hiệp hội cũng đang có đề xuất thay đổi chương trình đào tạo tiếng Anh ở các trường ĐH, CĐ. Theo đó, năm đầu tiên, 80% thời lượng chương trình học tiếng Anh, 20% còn lại học những môn khác. Sau năm thứ nhất, một số môn học trong các trường đại học phải được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Ông Quang cũng cho biết: Dự kiến, chủ trương này sẽ được thí điểm tại khoảng 50 trường ĐH, CĐ trước khi thực hiện đại trà. Có như vậy, việc giảng dạy và học tập tiếng Anh ở các trường ĐH, CĐ mới có thể nâng cao và tốt dần lên.

Khó với cả sinh viên và giảng viên

Ngoại ngữ là một yếu tố rất quan trọng để người lao động Việt Nam có thể hội nhập được với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, để hướng tới việc giảng dạy bằng tiếng Anh cần phải có lộ trình để các trường chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Ngoài ra, còn phải dựa vào khả năng tiếp thu của người học.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định để tiến tới giảng dạy bằng tiếng Anh là một chuyện không đơn giản.

Theo ông Tớp, để thực hiện được đề án này, yếu tố giảng viên và sinh viên rất quan trọng. “Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường có chất lượng đầu vào cao, tuy nhiên, xuất phát điểm về tiếng Anh của sinh viên năm thứ nhất rất thấp nên cũng không thể thực hiện giảng dạy ngoại ngữ ngay từ những năm đầu tiên. Khi đó, giáo viên giảng dạy bằng tiếng Anh trên lớp sinh viên sẽ “ngơ ngác’” không hiểu đang giảng gì. Đồng thời, không phải giảng viên của bất kỳ trường đại học, cao đẳng nào cũng đủ trình độ giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh trên lớp”, ông Tớp nói.

Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa cũng nhận định, những nước chuyển sang giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh phải có một quá trình chuẩn bị đầy đủ các yếu tố về giảng viên, cơ sở vật chất. “Còn giảng dạy bằng tiếng Anh, nguồn học liệu bằng tiếng Anh mà học phí 8 triệu đồng/năm thì giảng viên cũng không muốn giảng dạy, tuy nhiên, nếu nâng học phí cao và thực hiện đại trà thì những sinh viên nghèo sẽ không thể theo học”.

Ông Tớp phân tích và đưa ra một ví dụ: Một trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh trước khi thực hiện giảng dạy bằng tiếng Anh phải thực hiện phân tích thị trường, đối tượng nhắm tới là người học có điều kiện tiếp xúc với ngoại ngữ, có khả năng tài chính bởi học phí trường này 60 triệu đồng/tháng và chuẩn đầu vào trường có trình độ tiếng Anh đạt IELTS 6.0.

Đại diện trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải cũng cho biết: Đề án giảng dạy bằng tiếng Anh trong năm đầu cho sinh viên là một chủ chương mang tính định hướng, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng đó là một yêu cầu bắt buộc đối với các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, để thực hiện việc này này phụ thuộc vào chất lượng ngoại ngữ đầu vào của sinh viên vì thực tế cho thấy rằng trình độ ngoại ngữ của sinh viên còn rất yếu, đây là một trong những yếu tố khó khăn các trường. Ngoài ra, hiện có nhiều trường yêu cầu chuẩn ngoại ngữ đối với giảng viên, có trường thì không nên cần phải có kế hoạch và lộ trình để làm sao hướng đến mục tiêu đó trong thời gian sớm nhất. Còn hiện tại việc thực hiện mục tiêu đó tương đối khó với nhiều trường, kể cả những trường ĐH hàng đầu Việt Nam.

Bà Đào Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch Liên hiệp Tư vấn du học Việt Nam cũng đưa ra nhận định, giáo viên Việt Nam giảng dạy bằng tiếng Anh cho sinh viên Việt Nam cũng rất khó bởi vì cả hai cùng sử dụng tiếng Việt nên trong quá trình giảng dạy sẽ xảy ra khả năng cả giảng viên và sinh viên cùng trở về tiếng Việt.

Qua đó, có thể thấy rằng để các trường ĐH, CĐ thực hiện được đề xuất do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cần phải có thời gian và con người. Đồng thời, người học phải được đào tạo tiếng Anh bài bản từ các cấp học, tuy nhiên, hiện việc giảng dạy tiếng Anh ở các cấp dưới vẫn chưa đem lại hiệu quả, nhiều học sinh khi học hết lớp 12 vẫn không thể sử dụng được tiếng Anh. Như ông Tớp nhận định: “Các trường đã có những đề án nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh nhưng những đề án đó chưa thực sự đem lại hiệu quả”.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/giang-day-80-bang-tieng-anh-o-dai-hoc-co-lam-duoc-ngay.aspx