Đánh mất tuổi thanh xuân vì nghe lời bạn bè rủ rê

Nghe lời bạn bè rủ rê, Nông Văn Hoàng, SN 1992 ở Tân Mỹ, Văn Lãng, Lạng Sơn đã hai lần tham gia vào việc đưa phụ nữ qua biên giới bán cho bọn buôn người. Trả giá bằng bản án 16 năm tù, Hoàng không giấu nổi sự nuối tiếc, ân hận mỗi khi đi lao động, vô tình nghe ai đó nhắc tới chuyện học hành, thi cử, nghề nghiệp.

Trả giá đắt vì sai lầm

“Tôi có một chị gái và một em trai. Chị gái đã lập gia đình, lấy chồng xong thì về Nam Định sống nên cũng chỉ thi thoảng gửi quà cho tôi thôi. Em trai sau khi tốt nghiệp đại học đã vào miền Nam lập nghiệp nên càng xa xôi hơn. Chỉ có bố mẹ ở nhà, mỗi năm cũng vào thăm tôi một lần”, Hoàng thẳng thắn chia sẻ sau câu chào chúng tôi. Hai tay thanh niên này khoanh trước ngực, nét mặt trầm buồn, Hoàng tỏ vẻ hối hận.

Theo lời nam phạm nhân này kể thì anh ta sinh ra trong một gia đình thuộc diện trung bình trong xã. Điều may mắn mà Hoàng nhận được là mặc dù bố mẹ chỉ là người buôn bán nhỏ nhưng lại rất chỉn chu trong việc dạy dỗ con cái. Ba chị em Hoàng lần lượt chào đời, lớn lên đều được bố mẹ lo cho ăn học đầy đủ. Người chị gái sinh năm 1990 sau khi thi đại học không đỗ đã nộp hồ sơ thi trung cấp kế toán để rồi sau đó xin được vào làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân.

Hoàng bảo, ngày đó chị gái anh ta vẫn chưa lập gia đình, chỗ làm lại gần với cửa khẩu Cốc Nam nên mỗi khi rảnh rỗi hoặc được nghỉ học, Hoàng lại cùng một vài người bạn thân đi xe lên cửa khẩu chơi. Mục đích chính vẫn là xin tiền chị để ăn quà lặt vặt. Thấy chị gái lu bu với sổ sách, xung quanh là nhiều người chờ được kiểm đếm hàng hóa, Hoàng tự hào lắm. Anh ta tự nhủ sau này học xong sẽ làm một việc gì đó tương tự như chị gái. Thế nhưng cuộc đời nào ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra với mình bởi nhiều khi chỉ vì một cái tặc lưỡi, một sự lưỡng lự cũng đủ làm ân hận, nuối tiếc.

Nhớ lại ngày đó, Hoàng bảo: “Chúng tôi hay lên cửa khẩu chơi, thăm chị gái chỉ là một phần thôi còn chủ yếu là đi chơi với nhau”.

Theo lời nam phạm nhân này thì do nhà anh ta cách cửa khẩu Cốc Nam không xa, nhóm bạn cũng toàn đứa ham chơi nên cứ rảnh một tí là kéo nhau đi. Hoàng bảo nhiều khi đi sang chợ Lũng Vài (Trung Quốc) không vì mục đích gì, song cũng vài lần cũng kiếm được tiền, do những xe hàng được thông quan hàng hóa, cần người bốc vác. Hỏi có thông thạo tiếng Trung không, Hoàng nói với giọng khe khẽ: Tôi chỉ nói chuyện được thôi, mà cũng chỉ là những câu trao đổi thông thường.

Một lần nghe đứa bạn trong nhóm bảo có người gạ đưa phụ nữ Việt Nam qua biên giới bán cho họ sẽ được trả công 15 triệu đồng, trẻ xinh sẽ được trả nhiều tiền hơn, Hoàng chỉ lặng im nghe. Hoàng bảo anh ta không trực tiếp lừa cô gái nào nhưng có 2 lần đi cùng với họ để đưa những cô gái làm quen được, qua biên giới bán cho bọn buôn người.

“Khi thấy trong nhóm có phụ nữ, tôi biết sau chuyến đi chơi này họ sẽ không cùng quay về nước. Nhưng tôi không tỏ thái đồng tình hay phản đối vì nghĩ đó không phải việc của mình. Hiểu biết pháp luật của tôi còn hạn chế nên suy nghĩ đơn giản rằng việc ai làm thì người đó chịu. Tôi không lừa ai, không đưa ai đi bán thì không có tội”, Hoàng tâm sự.

Với suy nghĩ không liên quan tới mình nên Hoàng đã tỏ thái độ thờ ơ lãnh đạm mà đâu ngờ rằng dù không trực tiếp lừa người qua biên giới bán, nhưng lại vui vẻ hưởng lợi từ những đồng tiền do kẻ khác bán người thu được, cũng là một hành vi phạm tội. Nhận bản án 16 năm tù, Hoàng bất ngờ và hụt hẫng.
“Trong số 5 người trong nhóm, tôi có mức án thấp hơn cả nhưng so với những gì mà mình hưởng lợi thì đúng là cái giá quá đắt. Tôi đã đánh mất tất cả tương lai của mình”, Hoàng bộc bạch rồi cúi đầu xuống, im lặng.

Nông Văn Hoàng cùng các bạn trong đội sản xuất đang cuốc đất trồng rau.

Nông Văn Hoàng cùng các bạn trong đội sản xuất đang cuốc đất trồng rau.

Sẽ đi nơi khác lập nghiệp

Hoàng kể rằng thời điểm anh ta phạm tội rồi bị bắt giam, chị gái chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng. Hoàng ân hận vì không có mặt trong ngày vui của chị gái. Qua lời mẹ vào thăm kể lại, Hoàng mới được biết chị gái mình đã về Nam Định làm dâu và hiện đã có hai con. Do lấy chồng xa, con cái lại còn nhỏ nên vợ chồng chị gái cũng ít có thời gian lên Lạng Sơn thăm bố mẹ. Hoàng vui vì thấy chị gái đã yên bề gia thất nhưng cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới bản thân. Nghĩ lại ngày đó, Hoàng bảo đó là một sự a dua ngớ ngẩn mà sau này nghĩ lại, anh ta vẫn cảm thấy đáng khinh bỉ.

“Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu tại sao khi đó mình lại có thái độ hèn như thế. Nếu nói là vì thiếu tiền thì không phải mà vì nguyên do nào khác liên quan tới phụ nữ thì lại càng không. Tôi vẫn không lý giải nổi”, Hoàng tâm sự.

Nghe anh ta giải thích, chúng tôi hiểu rằng Hoàng lớn lên trong một gia đình có đầy đủ bố mẹ, gia đình tuy không giàu có nhưng thu nhập cũng đủ chi tiêu. Thế nên việc làm của anh ta chỉ có thể lý giải đó là thái độ vô cảm rất đáng báo động của một bộ phận lớp trẻ hiện nay. Đó là những đứa trẻ hoàn toàn bình thường, thậm chí là thông minh nhưng lại sống không có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và ngay cả trách nhiệm với bản thân cũng không có. Chúng chỉ muốn được hưởng thụ còn ngoài ra là không quan tâm tới bất cứ thứ gì.

Hoàng bảo, ngày còn đi học, anh ta cũng từng ước mơ làm giáo viên, kỹ sư điện tử nhưng rồi theo năm tháng, ước mơ cứ hạ dần. Khi thấy chị gái đi làm kế toán, Hoàng cũng tặc lưỡi nghĩ thi trung cấp cho đơn giản, vừa đỡ phải học nhiều mà sau này cũng là một nghề kiếm tiền, lập thân. Thế nhưng bây giờ, Hoàng chẳng có gì ngoài những năm tháng cải tạo lao động.

Dường như muốn chia sẻ những tâm tư đang giấu kín trong lòng, Hoàng bộc bạch: “Lắm lúc nghe mọi người tranh luận về nghề nghiệp rồi chuyện thi cử, học hành, tôi buồn lắm. Thú thực là tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày mình phải vào đây”.

Thi hành án ở trại giam số 5, Hoàng cải tạo ở đội sản xuất. Ngày 2 buổi cùng các phạm nhân trong đội cuốc đất, nhặt cỏ, tưới rau sau đó chỗ nào tốt thì cắt mang về cho nhà bếp, Hoàng bảo anh ta đã thuộc lòng những giống cây trồng theo mùa vụ mà ngày còn ở nhà chưa từng phải động tay. Hoàng bảo nhà anh ta cũng có vườn, có ruộng nhưng vì bố mẹ đều làm nghề buôn bán nên việc cày xới, trồng trọt đều thuê người làm. Những công việc của nhà nông ấy, ba chị em Hoàng chưa khi nào phải động tay chân. Thế nhưng từ ngày bước chân vào trại giam, chỉ sau 2 năm cải tạo ở đội trồng rau, Hoàng đã có thể thành thạo trong việc gieo trồng, chăm sóc rau xanh.

Nhìn Hoàng lúc này, chúng tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài lời động viên đã phấn đấu được một lần giảm án rồi thì tiếp tục cố gắng hơn nữa. Anh ta nhoẻn miệng cười bảo đó là điều đương nhiên, là đích mà anh ta đang hướng tới. Hẳn là thanh niên này đã suy nghĩ nhiều lắm, giận bản thân và mỗi lần như thế lại nuối tiếc nhiều lắm bởi chỉ vì một phút không dứt khoát của mình mà hủy hoại cả tương lai sau này. Biết là thế nhưng chúng tôi lại tin rằng sau lần vấp ngã này, chắc chắn Hoàng sẽ trưởng thành nhanh hơn để sau này có một cuộc sống bình yên, lương thiện.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/danh-mat-tuoi-thanh-xuan-vi-nghe-loi-ban-be-ru-re-202002.html