Đánh mạnh tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại

Lợi dụng những sơ hở trong quản lý đường biên, cửa khẩu của các cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại đã vận chuyển trái phép hàng qua biên giới tuồn vào trong nước rồi xé lẻ để tiêu thụ. Điều đáng nói, đa số những cơ sở nhỏ lẻ, chân rết bị bắt giữ còn các ông 'trùm' rất ít khi xuất đầu lộ diện…

Lực lượng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra kho hàng một công ty phát hiện nhiều sữa bột đóng hộp mang nhãn hiệu XO của nước ngoài nhưng không có hóa đơn chứng từ

Lực lượng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra kho hàng một công ty phát hiện nhiều sữa bột đóng hộp mang nhãn hiệu XO của nước ngoài nhưng không có hóa đơn chứng từ

Tuyên chiến với tội phạm buôn lậu

Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường (CATP Hà Nội) đã triệt phá nhiều vụ buôn lậu có giá trị lớn. Điển hình, hồi 11h ngày 23-12-2019, Đội 6 Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Đội QLTT số 10 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm do Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1981, trú tại thị trấn Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) làm chủ cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện 283 bao thuốc lá, 636 chai rượu, bia, 81 hộp bánh kẹo do nước ngoài sản xuất đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổ công tác lập biên bản, thu giữ toàn bộ số hàng hóa trên, đồng thời đề xuất Cục QLTT Hà Nội ra quyết định xử phạt chủ cơ sở này số tiền 40 triệu đồng.

Ngày 20-12-2019, Đội 6 Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Đội QLTT số 13 kiểm tra cửa hàng “Nam Anh Mart” trên phố Nguyễn Văn Cừ (phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Tại đây, đoàn công tác đã phát hiện 960 chai rượu nhãn hiệu Black 700ml do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên.

Tương tự, ngày 30-12-2019, Đội 6 Phòng Cảnh sát môi trường tiếp tục phối hợp với Đoàn liên ngành ATVSTP của thành phố và Đội QLTT số 17 kiểm tra kho hàng thuộc Công ty TNHH An Việt Hà Nội phát hiện đối tượng Phạm Anh Tuấn (ở 323/39 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) thuê lại kho của công ty này. Thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện 25 tấn thực phẩm là đùi gà hun khói Hàn Quốc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trong đó có 12 tấn hàng đã hết hạn sử dụng và được dập lại hạn sử dụng mới. Tổ công tác tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên và hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định.

Trước đó, Đội Cảnh sát kinh tế, CAQ Ba Đình đã triệt phá nhiều vụ buôn lậu có giá trị lớn. Qua công tác trinh sát, ngày 11-9-2019, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Ba Đình phối hợp với Đội QLTT số 17 và Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) tiến hành bắt giữ tại trạm soát vé cao tốc Hà Nội - Lào Cai 3 xe ô tô tải mang BKS: 19C - 107.27; 88C - 167.19 và 24C - 093.19 vận chuyển khoảng 50 tấn hàng hóa. Trong đó, có 148.498 sản phẩm bánh kẹo, 106.404 sản phẩm đồ chơi các loại do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá khoảng hơn 4 tỷ đồng.

Hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và dược phẩm giả được nhiều đối tượng buôn lậu nhắm đến

Hiếm khi xuất hiện ông “trùm”

Theo lực lượng chức năng, hầu như những vụ buôn lậu lớn đều có bàn tay phía sau của các ông “trùm”, tuy nhiên cơ quan chức năng rất ít khi bắt giữ được chủ hàng thực sự mà chủ yếu là những “chân rết”. Thiếu tá Nguyễn Quốc Hoàng - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, CAQ Ba Đình cho biết, phương thức, thủ đoạn của tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Các đối tượng sử dụng phương thức giao dịch, mua bán vận chuyển bí mật, khó phát hiện hơn (qua điện thoại, mạng xã hội...), còn đối tượng trực tiếp vận chuyển chủ yếu là người được thuê (cửu vạn) có nơi cư trú không rõ ràng, điều kiện kinh tế rất khó khăn. Thậm chí, những kẻ cầm đầu còn lợi dụng người dân ở khu vực biên giới để vận chuyển, tiếp tay cho buôn lậu.

Lực lượng chức năng kiểm tra thu giữ 3 xe tải hàng lậu từ chuyên án của CAQ Ba Đình xây dựng kế hoạch triệt phá

Trong thị trường nội địa, tình hình tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa và buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại vẫn diễn ra phức tạp, với nhiều thủ đoạn. Các đối tượng thường nhắm vào các mặt hàng tiêu thụ mạnh trên thị trường như: rượu, bia, quần áo, điện thoại di động, thuốc lá, đường, sữa, hàng bách hóa, kim khí điện máy, vật liệu xây dựng, gỗ, hàng trang trí nội thất…

“Đặc biệt, thời gian gần đây, hành vi khai sai xuất xứ hàng hóa có nhiều diễn biến phức tạp. Một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng “nước ngoài” nhưng gắn nhãn mác xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng. Đối với hàng xuất khẩu, doanh nghiệp dùng nhiều thủ đoạn để gắn xuất xứ hàng Việt Nam xuất sang các nước có thuế suất ưu đãi đối với hàng hóa Việt Nam” - Thiếu tá Nguyễn Quốc Hoàng nói.

Trung tá Vũ Thị Hoàng Yến - Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường nhận định, dù công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực, các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật, thông tin về những nguy hại của buôn lậu, hàng giả để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm...

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nhiều mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm giả khi phát hiện bắt giữ muốn xử lý được cần tiến hành giám định, nhưng các lực lượng chức năng gặp khó vì không có mẫu thật do nhiều mặt hàng không lưu hành ở Việt Nam hoặc không có đại diện sở hữu nên không thể xử lý theo đúng tội danh mà phải chuyển sang xử lý hướng nhẹ hơn như xử phạt hành chính, do đó không mang tính răn đe.

“Với đặc điểm hàng hóa thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm có giá trị và lợi nhuận cao, được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, dễ dàng thực hiện các thủ đoạn, phương thức đối phó với cơ quan chức năng nên thuận tiện cho các hoạt động vận chuyển, kinh doanh bất hợp pháp gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, giám định, xử lý của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, hiện một số văn bản pháp luật còn bất cập, làm giảm hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, Trung tá Vũ Thị Hoàng Yến cho biết.

Dù công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực, các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật, thông tin về những nguy hại của buôn lậu, hàng giả để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm... Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nhiều mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm giả khi phát hiện bắt giữ muốn xử lý được cần tiến hành giám định, nhưng các lực lượng chức năng gặp khó vì không có mẫu thật do nhiều mặt hàng không lưu hành ở Việt Nam hoặc không có đại diện sở hữu nên không thể xử lý theo đúng tội danh mà phải chuyển sang xử lý hướng nhẹ hơn như xử phạt hành chính, do đó không mang tính răn đe.

Trung tá Vũ Thị Hoàng Yến - Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an Hà Nội

Quang Trường

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/danh-manh-toi-pham-buon-lau-va-gian-lan-thuong-mai/842946.antd