Đánh hụt Iran - sự bốc đồng của TT Trump dẫn Mỹ tới xung đột?

Từ khi nhậm chức, ông Trump đã thể hiện rõ tính khí bốc đồng, luôn tự mâu thuẫn qua chính sách đối ngoại của Mỹ, mới nhất là việc ra lệnh tấn công Iran rồi hủy bỏ vào phút chót.

Tổng thống Donald Trump muốn khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ bằng những hành động cứng rắn, và đặc biệt, hủy bỏ mọi thỏa thuận mà ông Barack Obama đã thực hiện với các nước trên thế giới, theo Guardian.

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Trump đã miêu tả ông Obama là “yếu đuối”, luôn muốn làm hài lòng nước ngoài mà không đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu.

Tự nhận là “một thiên tài có tính cách ổn định”

Một chủ trương lớn khác của Tổng thống Trump là không đi vào vết xe đổ những người tiền nhiệm bằng cách giữ nước Mỹ tránh xa những cuộc chiến tốn kém và đẫm máu ở những nơi xa xôi mà đồng minh của họ nên tự giải quyết.

Người đàn ông tự gọi mình là “một thiên tài có tính cách ổn định” này chắc chắn sẽ đồng ý với phát biểu của F. Scott Fitzgerald rằng những trí tuệ hạng nhất phải có khả năng giữ hai luồng tư tưởng đối lập trong đầu cùng một lúc mà vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, Fitzgerald không làm đối ngoại.

Tổng thống Trump có nhiều điều để lo lắng về những lỗ hổng trong chủ trương của mình trước chiến dịch tái tranh cử. Ảnh: AP.

Tổng thống Trump có nhiều điều để lo lắng về những lỗ hổng trong chủ trương của mình trước chiến dịch tái tranh cử. Ảnh: AP.

Trong tâm trí của mình, ông Trump dĩ nhiên không nhìn thấy có điều gì mâu thuẫn. Ông cho rằng cơn giận dữ của nước Mỹ giáng lên Bình Nhưỡng và lời đe dọa sẽ phá hủy Triều Tiên bằng năng lực hạt nhân vượt trội đã khiến nhà lãnh đạo Kim Jong Un phải nhượng bộ đến bàn đàm phán. Tổng thống Trump tự thấy mình đã cứng rắn và mang lại hòa bình.

Tuy nhiên, đó không phải là cách ông Kim nhìn nhận tình hình. Nhà lãnh đạo Triều Tiên lại cho rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ là xây dựng một kho tên lửa hạt nhân để tự vệ và đảm bảo cho sự sống còn của chế độ. Ông có thể đàm phán “chung chung” về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng chắc chắn không bao giờ hoàn toàn từ bỏ.

Đó là đánh giá từ các cơ quan tình báo Mỹ, nhưng đã bị làm lu mờ để phần nào duy trì “ảo tưởng” rằng Tổng thống Trump đã mang lại hòa bình, điều mà những người tiền nhiệm thất bại. Thế nhưng, việc ông Trump liên tục đấu tranh không nhượng bộ đã đình trệ các cuộc đàm phán.

Giữa chừng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội, ông đột ngột chuyển chiến thuật, từ tiếp cận theo giai đoạn sang yêu cầu những giải pháp lập tức và triệt để. Ông Kim Jong Un dĩ nhiên không thỏa hiệp và hàm ý đe dọa rằng Triều Tiên sẽ mất kiên nhẫn, có khả năng sẽ nối lại thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Những lỗ hổng trong chủ trương

Tổng thống Trump có lẽ đang lo lắng về những lỗ hổng trong chủ trương của mình trước chiến dịch tái tranh cử, nhưng e rằng Triều Tiên sẽ không tốn thời gian chờ đợi mà có động thái sớm hơn.

Những mâu thuẫn tương tự trong chính sách của ông Trump về vấn đề Iran đã va chạm thậm chí sớm hơn dự đoán. Ý định ban đầu của ông khi vào Nhà Trắng là sẽ phá bỏ thành tựu ngoại giao hàng đầu của Obama - thỏa thuận năm 2015 với Iran mà qua đó, Tehran chấp nhận hạn chế nghiêm ngặt chương trình hạt nhân của mình để được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.

Hệ thống phòng không Raad và tên lửa Taer trong một buổi duyệt binh tại Tehran. Ảnh: AFP.

Những người trong chính quyền tranh luận chống lại chủ trương của Tổng thống đã bị thay thế bằng phe ủng hộ, điển hình là John Bolton với tư cách là cố vấn an ninh quốc gia và Mike Pompeo là ngoại trưởng. Họ đã góp phần đẩy mạnh việc thực thi các chính sách của ông Trump - không chỉ rút khỏi thỏa thuận năm 2015 mà còn lôi kéo thêm các quốc gia khác, trong đó có các đồng minh châu Âu.

Bộ đôi Bolton và Pompeo dường như đã thuyết phục ông Trump rằng bằng cách bóp nghẹt nền kinh tế Iran, Tehran sẽ cúi đầu trước các yêu sách của Mỹ và tổng thống sẽ trở thành một chính khách vĩ đại hơn nhiều so với ông Obama hoặc bất kỳ người tiền nhiệm nào.

James Mattis là thành viên có tiếng nói cuối cùng trong chính quyền đã từ chức bộ trưởng quốc phòng vào tháng 12/2018, và cho đến nay vẫn chưa có ai chính thức thay thế. Bởi vậy, hiện giờ chỉ có các tướng trực tiếp tham chiến mới có thể thuyết phục ông Trump cân nhắc lại quyết định của mình. Trên Twitter, ông Trump đề cập tới việc một đại tá đã báo cáo vào phút chót về việc ước tính 150 người sẽ thiệt mạng nếu Mỹ thực hiện không kích Iran

Tổng thống Trump dường như đã bắt đầu suy nghĩ lại từ sáng 20/6 khi ông nói chuyện với báo chí cùng Thủ tướng Canada Justin Trudeau và những suy nghĩ mâu thuẫn của ông dường như thể hiện rõ trước công chúng.

Ông Trump khẳng định mình “muốn thoát khỏi những cuộc chiến bất tận này”, nhưng những điều ông làm trong vấn đề Iran đã đẩy nước Mỹ đối mặt với những xung đột nghiêm trọng sắp xảy ra.

Iran công bố video khoảnh khắc bắn rơi máy bay không người lái Mỹ Kênh PressTV của Iran công bố bằng chứng cho thấy máy bay do thám của Mỹ mà Iran nói đã vào không phận nước này phát nổ vì trúng tên lửa.

Khánh Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/danh-hut-iran-su-boc-dong-cua-tt-trump-dan-my-toi-xung-dot-post959329.html