Danh hiệu nghệ sĩ vì sao cứ nâng lên đặt xuống?

Dù đã 9 lần phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân, nhưng càng ngày cuộc bầu chọn mang màu sắc tôn vinh đáng trân trọng này càng nảy sinh nhiều rắc rối hơn.

Khoảng cách giữa Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân ngỡ rất gần, mà lại rất xa. Đặc biệt, những nghệ sĩ không nằm trong biên chế của các đoàn nghệ thuật tồn tại bằng ngân sách, thì rất ít cơ hội được chạm tới hào quang lấp lánh kia.

Diễn viên gạo cội Trần Hạnh

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cách xét duyệt căn cứ vào số lượng huy chương hoặc số lượng giải thưởng thì chưa hẳn thuyết phục được đám đông. Song ngược lại, nếu không có những thang điểm cơ bản như huy chương hoặc giải thưởng thì việc phong tặng lại cảm tính và mơ hồ hơn.

Năm 1984, đợt xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân đầu tiên được thực hiện. Thông lệ mở ra, tiếp tục các năm 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015 và bây giờ 2018 lại có thêm một đợt xét duyệt mới với không ít cam go. Nghệ sĩ Nhân dân cao hơn Nghệ sĩ Ưu tú một bậc. Người muốn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ 5 năm trở lên, và được ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú.

Lẽ thường, muốn có giải thưởng hoặc muốn có huy chương thì phải thi thố. Thử hỏi, những nghệ sĩ lớn tuổi chỉ ngồi ghế giám khảo thì làm sao có huy chương hoặc giải thưởng? Cho nên, nghịch lý buồn cười là người thầy chấm cho người trò ở các cuộc thi, thì quay qua quay lại bỗng dưng… người thầy đứng dưới người trò về mặt danh hiệu! Ví dụ, nghệ sĩ Trần Hạnh là một gương mặt rất quen thuộc với khán giả cả nước, được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú từ năm 1984 nhưng đến nay vẫn chưa được Nghệ sĩ Nhân dân.

Diễn viên gạo cội Trần Hạnh thổ lộ: “Thời đó là Nhà nước phong, chứ không phải làm hồ sơ xin như bây giờ. Tôi đã 3 lần làm đơn xin phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, nhưng người ta trả lời rằng tôi được 2 Huy chương Vàng là khi được phong Nghệ sĩ Ưu tú, còn sau đó không có gì cả. Họ soi mói thế tôi chịu. Tôi về hưu từ năm 1989, làm sao có điều kiện thi thố mà đạt giải nữa. Nghệ sĩ có lòng tự trọng, chúng tôi đi diễn cả đời vì tình yêu với nghề, muốn cống hiến cho công chúng. Chẳng ai thích cái việc năm lần bảy lượt làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu này nọ. Năm này bị trượt năm sau lại làm, nó buồn cười lắm. Danh hiệu trong lòng nhân dân với chúng tôi mới là quan trọng. Nhìn mọi chuyện một cách đơn giản thì cuộc sống sẽ thoải mái. Đừng quan niệm nghệ sĩ phải lấy danh hiệu là mốc, là cái đích để hướng tới, hãy làm việc vì nghệ thuật”.

Đợt phong tặng danh hiệu năm nay có chi tiết khó quên là phải bầu chọn lại ở cấp Bộ. Có cả thảy 14 trường hợp từng bị trượt ở cấp Bộ đã được chính hội đồng cũ bỏ phiếu lại một cách ngon lành. Cụ thể, đó là 7 hồ sơ xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân của Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu, Trương Hải Thọ (Nhà hát Chèo Truyền thống Thanh Hóa), Lưu Kim Hùng (Nhà hát Tuồng truyền thống Khánh Hòa), Nguyễn Thị Mai Lan (diễn viên khiêm Trưởng đoàn tuồng Thanh Quảng, hiện công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Thanh Hóa), Nguyễn Ngọc Quyền (nam diễn viên, đạo diễn - nguyên Trưởng đoàn tuồng Thanh Hóa).

Ngoài ra, còn có 7 hồ sơ xét danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú của Nguyễn Văn Hùng (Phó Đoàn cải lương Đồng Tháp), Trần Thị Thu Vân (từng đoạt giải Chuông vàng vọng cổ 2009 - biên chế ở Nhà hát Trần Hữu Trang), Nguyễn Thị Hà (nghệ danh Vân Hà), Nguyễn Ngọc Đợi (từng đoạt giải Chuông vàng vọng cổ 2007, biên chế ở Đoàn cải lương Cao Văn Lầu), Trần Ngọc Thắng (Diễn viên múa rối), Trần Thị Ngát (Đoàn kịch nói Nam Định), Phạm Thị Tố Loan (Nhà hát Múa rối Thăng Long - Hà Nội). Kết quả bất ngờ đó, được ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ VH-TT&DL chia sẻ sự hài lòng: “Hội đồng đã làm việc rất khách quan, toàn diện và trung thực. Tôi chuẩn bị trình báo cáo xin Thủ tướng thành lập Hội đồng cấp Nhà nước để đưa các hồ sơ lên tiếp tục duyệt".

Nền nghệ thuật nước nhà có quyền tự hào về những Nghệ sĩ Nhân dân như Phùng Há, Song Kim, Đào Mộng Long, Nguyễn Đình Nghi, Hồng Sến, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Trà Giang, Đoàn Dũng, Thế Anh, Trần Tiến, Lê Dung, Thu Hiền, Tường Vy… Thế nhưng, cũng có những nghệ sĩ không may mắn được danh hiệu gì. Dù vậy, vai diễn của họ, giọng hát của họ, điệu múa của họ, nhân cách của họ… vẫn tỏa sáng trong lòng công chúng nhiều thế hệ. Vì vậy, cái thước đo quan trọng nhất của nghệ sĩ, không phải là danh hiệu được sơn son thếp vàng mà là sự ngưỡng vọng của người đời, một cách hồn nhiên nhất, một cách trân trọng nhất!

TUY HÒA

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/danh-hieu-nghe-si-vi-sao-cu-nang-len-dat-xuong-post223934.html